Với mức phạt lên đến 80 triệu đồng, đa số tiểu thương không còn nhập hàng và kinh doanh lì xì in hình tiền Việt trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Bên cạnh đó, việc người dùng nói không với mặt hàng vi phạm pháp luật cũng khiến loại lì xì này biến mất khỏi thị trường.
Chưa đầy nửa tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu mua sắm của người dân bắt đầu tăng mạnh. Ghi nhận tại phố Hàng Mã - nơi chuyên kinh doanh các sản phẩm trang trí, lì xì dịp Tết, không khí mua bán diễn ra vô cùng tấp nập.
Các gian hàng ở đều đều giành một khu vực riêng để bày bán "ngàn lẻ một" các loại lì xì. Các mẫu lì xì năm nay khá đa dạng, từ loại truyền thống, in hình hoạt hình, siêu anh hùng đến trâu vàng - con giáp năm mới... Một điểm đáng chú ý, năm nay loại lì xì in hình tiền VNĐ gần như biến mất trên thị trường.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Thanh Thư (chủ một cửa hàng chuyên buôn sỉ đồ trang trí) chia sẻ: "Cửa hàng của mình là nhà buôn lớn nên tuyệt đối nói không với những sản phẩm vi phạm. Đặc biệt là không muốn vướng vào những hành vi vi phạm pháp luật như kinh doanh bao lì xì in hình tiền Việt".
Đang lựa mua lì xì cho gia đình, anh Nguyễn Anh Phương *(Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, chưa từng sử dụng bao lì xì hình tiền Việt vì biết sản phẩm này vi phạm pháp luật. "Thông tin về việc phạt tiền rất cao nếu sử dụng mình cũng biết nên trước đến nay đều không ủng hộ loại sản phẩm này".
Không chỉ các cửa hàng cung ứng lì xì quay lưng, dạo quanh một vòng các cửa hàng trực tuyến, loại lì xì in hình tiền cũng được đưa vào "danh sách cấm". Khi khách hàng đưa ra yêu cầu đặt mua, nhiều chủ cửa hàng giải thích rõ ràng với khách lý do không kinh doanh.
Tuy nhiên, không phải tất cả các cửa hàng đều quay lưng với bao lì xì in hình tiền VNĐ. Tại phố Hàng Mã, vẫn có cửa hàng kinh doanh loại lì xì này. Khi đưa ra yêu cầu muốn mua số lượng lớn, một chủ cửa hàng lấy ra một tập lì xì in hình từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Người này cho biết, những sản phẩm này là hàng tồn từ năm 2020, khi thấy cơ quan chức năng sẽ cất đi để tránh bị phạt: "Đây là từ năm ngoái còn tồn, nếu anh cần tôi tìm mối cho. Quản lý chợ đi qua tôi cất đi rồi lại lôi ra bán cho người cần".
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lưu ý là không nên sử dụng loại lì xì này, vì việc sao chụp hình tờ tiền Việt Nam để in bao lì xì mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Những bao lì xì này sẽ thuộc vào danh mục hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam và bị coi là hàng cấm theo quy định pháp luật.
Theo điều 23, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 và khoản 3 điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam: Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Cũng theo Điều 31 của Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17.10.2014 của Chính phủ... xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định rõ “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật”.