- CSGT Hà Nội sử dụng camera giao thông để xử lý các vi phạm
- Camera giao thông phát hiện nhiều ô tô dùng biển giả
Ví dụ, vào khoảng 21h ngày 31/12/2020, ngươi đã ghi lại cảnh thượng cẳng chân hạ cẳng tay của một tài xế xe bán tải nhắm vào một tài xế khác trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Ngươi đã ghi lại tất cả: sống động và đau đớn, chân thực và xót xa, từ đó tạo ra cả một làn sóng phẫn nộ trên không gian mạng. Chính từ những hình ảnh mà ngươi ghi lại, cơ quan an ninh sau khi sử dụng những nghiệp vụ an ninh đã tìm ra kẻ côn đồ đánh người không thương tiếc, rồi cao chạy xa bay khỏi hiện trường. Đánh tới độ nạn nhân bị gãy cả răng, rách cả trán, và phải vào viện cấp cứu khẩn cấp. Đánh tới độ, khi xem lại những hình ảnh này, nhiều người phải đặt ra câu hỏi: liệu giữa hai người có tư thù gì không?
Không! Câu trả lời là không! Nghe kẻ côn đồ khai báo ở cơ quan công an mới biết hoá ra, đấy là 2 người xa lạ, không quen biết, chỉ vô tình “gặp” nhau trên đường phố, trong ngày cuối cùng của năm 2020. Vậy thì hà cớ gì gã này lại sẵn sàng đánh người như thể dồn vào đó cả một biển trời bức xúc? À, chỉ vì một chuyện rất đơn giản: xe của gã trục trặc, phải dừng chờ đèn đỏ quá lâu, khiến những xe phía sau ùn tắc cả hàng dài. Thấy vậy, một tài xế xuống xe nhắc nhở gã.
Và thế là gã thấy mình phải ra tay. Ai bảo tài xế kia dám nhắc nhở gã? Ai cho tài xế kia cái quyền nhắc nhở gã? Sự thực, cách nhắc nhở cụ thể ra sao, có biểu hiện nào hơi quá không thì chúng ta không rõ. Nhưng ngay cả khi như vậy thì việc sẵn sàng lao vào đánh người công khai, giữa sự giám sát của không ít những chiếc camera đến từ không ít những chiếc điện thoại của những người đi đường xung quanh cũng là một hành vi không thể nào chấp nhận.
Nhưng tiếc thay và buồn thay, cái việc “không thể nào chấp nhận” ấy lại không phải là cá biệt. Đúng 2 ngày sau, lại nhờ sự tố cáo của ngươi - những chiếc Camera không biết nói dối mà ta lại thêm một phen giật mình kinh hãi. Đấy là lúc 17h20 ngày 2-1, khi một tài xế xe ôm công nghệ dừng đón khách trước số nhà 238 quốc lộ 1 (TP Hồ Chí Minh). Một dừng xe đón khách bình thường như cơm ăn nước uống hằng ngày hoá ra lại là điểm khởi đầu cho một vụ tấn công đặc tính côn đồ. Chẳng là một người lái xe ôm ở khu vực đó không cho người lái xe ôm công nghệ đón khách. “Tao kêu mày đi chỗ khác” - người lái xe ôm công nghệ bị hét vào tai câu nói đó. Và sau câu nói đó, một khúc gỗ to được phi thẳng vào đầu anh. May mà lúc đó anh đội mũ bảo hiểm, không thì không biết tai họa khủng khiếp nào đã xảy ra. Tất cả đều đã được ghi lại bởi ngươi, chiếc camera hành trình của tài xế xe ôm công nghệ.
Thế đấy! Bị nhắc nhở vì dừng đèn đỏ quá lâu, người ta sẵn sàng lao xuống đánh cho “cái kẻ dám nhắc nhở” tới mức gãy răng; dừng xe đón khách hoàn toàn chính đáng nhưng lại vô tình chạm vào nồi cơm của những người lái xe ôm bình thường, nên đã bị ăn trọn một thanh củi vào đầu. Nếu không có những chiếc camera ghi lại, chúng ta liệu có thể biết đến câu chuyện này? Cư dẫn mạng liệu có một phen phẫn nộ? Xã hội liệu có rào rào lên án? Chính những chiếc camera, hoặc được lắp ở cửa nhà một ai đó, hoặc là camera hành trình của ai đó, hoặc đến từ chiếc máy điện thoại của những người đi đường nào đó – chính những chiếc camera như thế đã tố cáo hiện tượng bạo lực đường phố vô cùng xấu xí hiện nay. Và cũng bởi những chiếc camera như thế, người ta buộc phải đặt ra câu hỏi: bạo lực đường phố là chuyện của riêng hôm nay, hay thực ra là chuyện đã có từ rất lâu rồi, chẳng qua phải đến bây giờ, thông qua những chiếc camera nó mới được lột trần trắng trợn đến vậy ?
Không dễ trả lời câu hỏi này, bởi mọi câu trả lời rất có thể đều chỉ là suy diễn cảm tính. Nhưng có một điều chắc chắn: khi lao xuống đánh bể trán, gãy răng người khác, gã lái xe côn đồ ở Hà Nội biết chắc là có hàng chục, hàng trăm chiếc camera sẵn sàng ghi lại hành động của mình. Cũng như thế, khi phi thẳng một thanh gỗ to vào đầu người khác, gã xe ôm hung hãn ở TP. Hồ Chí Minh cũng thừa biết là hành vi đó hoàn toàn có thể bị ghi lại.
Ở cái thời mà 10 người ra đường có tới 5,6 người dùng điện thoại thông minh, luôn sẵn sàng ghi lại mọi chuyện rồi sẵn sàng tung lên “phây” (facebook ấy mà) thì đây là chuyện đương nhiên, không nói ai cũng biết. Và những gã trong cuộc cũng thừa biết rằng, khi những hành ảnh này tung toé trên mạng, những bằng chứng đánh người xuất hiện ê hề trên thế giới ảo thì mình sẽ bị pháp luật xử lý đến nơi đến chốn. Biết rõ và biết hết. Thế thì tại sao vẫn bất chấp tất cả, bỏ mặc tất cả, sẵn sàng để cho bầu máu nóng và thứ xúc cảm côn đồ tiềm ẩn trong mình được thăng hoa? Tại vì cái ác tiềm ẩn là lớn quá? Tại vì đã quá quen “xả” trên “phây” - xả một cách bản năng, bầy đàn, vô trách nhiệm, nên bây giờ mang đúng thói quen ấy vào đời?
Tại sao?
Những chiếc camera chỉ biết ghi lại mọi diễn biến một cách trung thực, chứ không biết và không thể trả lời. (Giá mà ngươi nói được thì hay quá!). Nhưng ta biết nói, đồng loại của ta biết nói. Vậy thì sẽ phải nói với nhau thế nào đây? Chẳng nhẽ lại nói: Hỡi những chiếc camerra, ước gì ngươi đừng bao giờ xuất hiện?
Mà nói tới cái nỗi ước ao chẳng giống ai này, có một chuyện buộc phải nhắc lại: sau năm 2020, Hà Nội thí điểm lắp 200 chiếc camera rải rác trên các tuyến phố để “phạt nguội” thì đã có những con số thống kê đáng giật mình: 16 nghìn trường hợp vi phạm giao thông bị phạt nguội, có những tài xế vi phạm đến 28 lần, cùng một lỗi. Riêng tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, những chiếc camera ghi lại hơn 1.200 ôtô dừng đỗ trái phép. Những con số giật mình này nói lên điều gì? Nó nói rằng, nếu không có những chiếc camera được lắp thử nghiệm, người ta sẽ không thể nào định lượng tới dãy số 16.000 - 28 lần - 1.200 đáng báo động đến như thế! Lúc đó có thể người ta vẫn sẽ nghĩ: dù chỗ này chỗ kia có những vi phạm kiểu này kiểu kia nhưng về cơ bản cuộc sống vẫn thế thôi mà!
“Vẫn thế thôi mà! Cuộc sống vẫn thế thôi mà”- con người thường tự suy nghĩ hoặc nói với nhau như thế cho đến trước khi sửng sốt nhìn thấy một con số, một kết luận, một bằng chứng lý tính không thể nào chối cãi.
Vậy thì hỡi những chiếc camera, hãy tiếp tục phát huy vai trò giám sát của ngươi đi, miễn là không vi phạm pháp luật và những chuẩn mực đạo đức mà xã hội đặt ra. Chính từ những chiếc camera, chúng ta sẽ còn thấy nhiều điều nữa, còn phải tự cật vấn mình và xã hội của mình thêm nữa. Cũng chính vì những chiếc camera mà chúng ta bắt buộc phải thận trọng hơn, phải học cách kiềm chế cảm xúc của mình tốt hơn.
Khoảng hai chục năm trước, xã hội vận hành trong sự xa xỉ đến trống vắng của những chiếc camera đường phố. Bây giờ xã hội vận hành trong bối cảnh mà “mắt thần”, “chíp thần”, “ống kính thần” nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẹp.
Trả lời thành thật xem, bạn thích sống trong xã hội nào hơn?
Vương Trọng TínXem thêm: /016826-aremaC-iac-iat-ioL/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna