Theo báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường co-working, không chỉ có thị trường văn phòng cho thuê truyền thống gặp khó khăn khi đại dịch bùng phát trong năm qua, ngay cả phân khúc non trẻ đầy tiềm năng là văn phòng chia sẻ cũng tăng trưởng nguồn cung thấp nhất kể từ năm 2017, thậm chí giá thuê lao dốc suốt 12 tháng qua.
Đơn vị này cho biết, đến cuối 2020, công suất hoạt động của không gian làm việc chung (co-working) tại các tòa nhà hạng A và B đã giảm 7 điểm phần trăm theo năm và giá thuê giảm 12% theo năm. WeWork ngừng cho thuê 1 địa điểm tại quận 1 và Up trì hoãn kế hoạch mở thêm hai địa điểm tại quận 7. Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 6% theo năm.
Nguồn cung tăng chậm lại, cho thấy tình trạng đầu tư giảm nhiệt và xu hướng phòng thủ bao trùm thị trường này. Các không gian làm việc chung với quy mô trung bình 1.800 m2 một địa điểm là các khách thuê lớn của phân khúc văn phòng. Tuy nhiên, các nhà điều hành co-working đang thận trọng hơn sau khi nguồn cung tăng mạnh 100% mỗi năm giai đoạn 2017-2019, đến năm 2020 đà tăng chỉ còn ghi nhận 6%.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam đánh giá, 2020 là một năm thử thách đối với phân khúc văn phòng truyền thống lẫn văn phòng chia sẻ. Thị trường đang chứng kiến một số lượng khách chuyển sang những toà nhà thấp hạng hơn và shophouse để giảm bớt chi phí cho thuê nhằm tiếp tục hoạt động kinh doanh. Xu hướng trả văn phòng đối với các lựa chọn văn phòng hạng A, hoặc chuyển đổi sang diện tích nhỏ hơn, hoặc những toà nhà thấp hơn cũng đã diễn ra trong năm qua.
Bà Trang cho hay, nhiều điểm văn phòng chia sẻ tạm dừng cũng đã đánh dấu cột mốc giảm tốc của phân khúc này so với 3 năm qua. Trong khi văn phòng truyền thống có dấu hiệu phục hồi nhẹ trong giai đoạn cuối năm 2020 thì văn phòng chia sẻ vẫn chưa xuất hiện các tín hiệu lạc quan.
Theo các đơn vị khảo sát, sự hồi phục của thị trường văn phòng chia sẻ phụ thuộc rất lớn vào những thay đổi về nhu cầu thuê văn phòng làm việc sau đại dịch. Bởi lẽ xu hướng làm việc tại nhà đang khiến cho rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn lẫn SME (vừa và nhỏ) rà soát lại tính hiệu quả của mặt bằng đang thuê. Điều này cũng đang gây sức ép buộc toàn thị trường văn phòng phải thay đổi. Đặc biệt là phân khúc co-working hướng đến đối tượng thuê là các doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, có nhiều khả năng thay đổi thị hiếu và rất năng động nên không gian làm việc dành cho họ càng phải thích ứng nhanh với các phản ứng của thị trường sau đại dịch.
Trung Tín