Theo hãng tin Bloomberg, hai tỷ phú giàu nhất thế giới đang tranh cãi với nhau về mảng kinh doanh công nghệ hàng không trước khi chính phủ Mỹ quy định lãnh địa hoạt động của đội tàu vũ trụ.
Mới đây, tỷ phú Elon Musk đã đề nghị Ủy ban truyền thông Liên bang (FCC) cấp phép để hệ thống vệ tinh Starlink của ông được hoạt động ở quỹ đạo thấp hơn so với kế hoạch ban đầu. Ngay lập tức nhà sáng lập Jeff Bezos của Amazon phản đối vì cho rằng đề nghị này ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của vệ tinh Kuiper do ông phát triển. Cả 2 dự án Starlink và Kuiper đều sử dụng công nghệ cung ứng Internet từ vũ trụ, qua đó tạo nên một mảng dịch vụ mới chưa từng có.
Trên thực tế cuộc tranh cãi giữa 2 người giàu nhất thế giới chỉ liên quan đến vấn đề thủ tục giấy tờ nhưng chúng nhanh chóng khiến dư luận quan tâm trước xu thế các ông lớn công nghệ hướng đến mảng kinh doanh khai thác vũ trụ.
Đáp trả Bezos, tỷ phú Elon Musk của SpaceX và Tesla đăng bài lên mạng xã hội Twitter: "Sẽ chẳng lợi ích mấy cho cộng đồng khi hệ thống vệ tinh của Amazon vốn phải vài năm nữa mới hoạt động lại đi chiếm chỗ của Starlink sắp cung ứng dịch vụ."
Không chịu ngồi yên, phía Bezos cũng đáp trả gay gắt trên Twitter.
"Đề nghị thay đổi quỹ đạo của SpaceX (thuộc Elon Musk) sẽ gây hại đến các đối thủ trong hệ thống vệ tinh. Rõ ràng SpaceX muốn ngăn chặn sự cạnh tranh của các đối thủ, nhưng điều đó chưa chắc đã tốt cho lợi ích chung của cộng đồng", hãng Amazon đăng bài lên mạng xã hội Twitter.
Hãng Space Ecploration Technologies Corp của Elon Musk đã phóng hơn 1.000 vệ tinh lên quỹ đạo để lắp ráp hệ thống Starlink nhằm cung ứng dịch vụ Internet từ không gian. Công ty này cũng đã nhận khách hàng đăng ký sớm tại Anh, Mỹ và Canada.
Trong khi đó Amazon mới chỉ được FCC cấp phép phóng 3.236 vệ tinh và hiện vẫn chưa triển khai được bất kỳ vệ tinh nào lên quỹ đạo.
Tập đoàn Amazon đã hối thúc FCC từ chối đề nghị đổi quỹ đạo của Elon Musk với lý do sẽ khiến 2 hệ thống vệ tinh trộn lẫn vào nhau và tạo nên những rắc rối không cần thiết. Đáp trả SpaceX cho biết kế hoạch của họ sẽ chẳng ảnh hưởng mấy đến cái gọi là "hệ thống vệ tinh nằm trên giấy" của Amazon.
Theo lý thuyết, quỹ đạo thấp sẽ giúp đường truyền Internet từ vệ tinh nhanh hơn do gần mặt đất hơn. Phía SpaceX cho biết việc đặt các vệ tinh ở quỹ đạo thấp sẽ làm giảm rủi ro tạo ra các mảnh vỡ rơi từ không gian. Nguyên nhân chính là những vệ tinh này rơi khỏi quỹ đạo nhanh hơn các tàu vũ trụ nên nếu đặt ở quỹ đạo cao sẽ mất an toàn.
Hiện SpaceX đang lên kế hoạch vận hành khoảng 12.000 vệ tinh và đã được FCC cấp phép cho 4.400 chiếc trong vùng quỹ đạo 550-1.584 km. Công ty đang cố gắng xin phép để vận hành 2.824 vệ tinh nữa ở cùng quỹ đạo thay vì phóng các vệ tinh lên vùng quỹ đạo cao hơn như đã dự tính trước đó.
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị