Ngày 27-1, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, đã có bài phát biểu tham luận về phương hướng phát triển của Thủ đô trong những năm tới.
Hà Nội đang chuyển mình
Trong tham luận, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Đoàn đại biểu TP Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với các văn kiện của Đại hội, đặc biệt là Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng điểm lại bước chuyển mình của Hà Nội sau 35 năm đổi mới, 20 năm thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô, đặc biệt là 12 năm mở rộng TP.
Đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước tăng trưởng khá, GDP tăng 7,39%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, cao hơn bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế của Hà Nội đã và đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỉ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tăng nhanh, tỉ trọng nông nghiệp chỉ còn 2,05%.
“Tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp vào nền kinh tế - tài chính quốc gia trên 16% GDP, gần 19% thu ngân sách, trên 20% thu nội địa” - ông Phong thông tin.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội của TP được đảm bảo; văn hóa, xã hội tiếp tục có những bước phát triển; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo trong mọi tình huống; diện mạo đô thị, nông thôn có bước chuyển biến mới, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn, khang trang, hiện đại hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng cho hay Đảng bộ Hà Nội, một Đảng bộ có số lượng đảng viên đông đảo nhất nước cũng luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đảng bộ luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, có nhiều cách làm năng động, sáng tạo đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các quyết sách của Nhà nước và nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP vào cuộc sống.
Nhiệm kỳ qua, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Những khó khăn và thách thức
Trong tham luận, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng phân tích những điểm còn hạn chế, khó khăn và thách thức của Hà Nội trong gian đoạn này.
Theo ông Phong, kinh tế Hà Nội tuy có tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa tạo được các “đột phá lớn”, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Hiện chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn chậm được cải thiện.
Chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý úng ngập, bảo vệ môi trường, tình trạng ùn tắc, an toàn giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển, phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự ở nông thôn. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn thấp.
Bên cạnh đó, cùng với cả nước, thời gian tới Hà Nội tiếp tục đối mặt với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, trong đó có tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức rủi ro nhưng Hà Nội xác định “thuận lợi và cơ hội lớn cho phát triển đất nước, cho Hà Nội vẫn là nhân tố chính và xu thế chủ đạo”. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Xây dựng nền kinh tế tri thức
Về những định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết với khát vọng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, là phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.
Cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, GRDP đầu người đạt 8.300 - 8.500 USD; tỉ trọng kinh tế số chiếm 30% trong nền kinh tế, cao hơn mục tiêu chung của cả nước (20%); Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
“Trong quá trình phát triển, Thăng Long - Hà Nội có một lợi thế đặc biệt, một tiềm năng to lớn. Lợi thế, tiềm năng đó - được tạo ra từ sự hội tụ tinh hoa của cả nước. Trải qua hơn 1010 năm kể từ khi Đức vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ của các tài năng đến từ mọi miền Tổ quốc” - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
Ông cho hay hiện Hà Nội là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ lớn với 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; có hai khu công nghiệp công nghệ cao; có tới 80% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm giáo sư, tiến sĩ).
Đặc biệt, theo thống kê, Hà Nội đang là một trong những TP có cơ cấu dân số vàng (với 51,7% dân số trẻ) với một cộng đồng sáng tạo đông đảo, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ và các không gian sáng tạo trên toàn TP.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đang sở hữu một kho tàng phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (cả quốc tế và quốc gia) có giá trị với gần 6.000 di tích lịch sử (trong số hơn 40.000 di tích của cả nước), 1.700 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng và 1.350 làng nghề truyền thống.
Đặc biệt, nhiều di sản văn hóa của Hà Nội đã trở thành hình ảnh, biểu tượng đại diện cho đất nước, con người Việt Nam, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long... Nhiều di sản trên địa bàn Hà Nội đã trở thành địa chỉ đỏ, quy tụ niềm tin, tình cảm, ý chí của dân tộc như: Lăng Bác Hồ, Quảng trường Ba Đình, hệ thống các Bảo tàng, nhà truyền thống...
“Theo đó, Hà Nội xác định phải dựa vào khoa học, công nghệ, vào văn hóa, vào tài nguyên trí tuệ để xây dựng các chiến lược phát triển Thủ đô. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng với văn hóa, con người là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững Thủ đô. TP xác định trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện tốt năm định hướng lớn và ba khâu đột phá” - ông Phong nhấn mạnh.
Ba khâu đột phá của TP Hà Nội Một là, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, có không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; tăng cường phân cấp, ủy quyền; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Ba là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống, làm cho văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần tiêu biểu, động lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô. |