Chiều 27-1, tại Đại hội XIII của Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực, đã có tham luận về việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ông Mai Trực cho rằng kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng; có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đây cũng đồng thời là nhiệm vụ của toàn Đảng, mà trước hết là của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.
Trong mỗi thời kỳ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, tư tưởng, quan điểm, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Từ đó từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Việc này cũng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động nhằm thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm
Ông Mai Trực cho hay trong nhiệm kỳ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung xây dựng, ban hành và tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều quy chế, quy định, chương trình, kế hoạch quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc, phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát.
Điều này vừa có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý nghiêm minh các vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy, Uỷ ban Kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ thống nhất từ Trung ương đến cơ sở…
Ông Mai Trực cũng thông tin trong nhiệm kỳ vừa qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15.000 tổ chức đảng và trên 47.000 đảng viên (trong đó trên 23.000 là cấp ủy viên các cấp).
Đồng thời, giám sát trên 183.000 tổ chức đảng và trên 528.000 đảng viên (trong đó trên 154.000 là cấp ủy viên các cấp).
Việc kiểm tra, giám sát này tập trung nhiều vào những điểm "nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm.
Cụ thể gồm: Việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tha hóa quyền lực của đảng viên có chức quyền trong việc quyết định chủ trương, chính sách và trong công tác cán bộ; trách nhiệm nêu gương; quản lý, sử dụng đất đai, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công...
“Nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ; kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm”- ông Mai Trực nói.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm. Trong đó có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu...
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khẳng định tinh thần “làm nghiêm từ trên xuống, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ nhưng cũng rất nhân văn. Mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục”.
Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo
Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra cũng nêu nhiều bài học kinh nghiệm liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát. Đáng chú ý, ông Mai Trực cho rằng các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, đơn vị một cách chủ động, thường xuyên, liên tục.
“Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”- ông Mai Trực và nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng là hết sức quan trọng.
“Ở Trung ương là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, cụ thể, kiên quyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Ở địa phương, vai trò của bí thư cấp ủy là nhân tố quyết định”- vẫn lời ông Mai Trực.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra cũng lưu ý việc thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát theo phương châm: “Giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”. Trong đó, coi trọng giám sát để nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa.
Trong kiểm tra, khi có dấu hiệu vi phạm phải chủ động, kịp thời, chọn đúng thời điểm và đúng đối tượng, nội dung kiểm tra, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm để kết luận rõ ràng, chính xác, khách quan, chứng cứ đến đâu kết luận, xử lý đến đó.
“Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, song cần phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, vi phạm của đảng viên nhất là vi phạm có liên quan đến tham nhũng cần phải được phát hiện trước hết trong nội bộ tổ chức đảng để sớm ngăn chặn ngay từ khi mới manh nha”- ông Mai Trực nói tiếp và cho rằng cần tránh không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành vi phạm nghiêm trọng…
Kiểm tra, giám sát “là thanh bảo kiếm của Đảng”
Cuối tham luận, ông Mai Trực cho rằng công tác kiểm tra giám sát nhiệm kỳ tới cần nhận thức đúng, đầy đủ hơn và tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ chủ yếu.
Trong đó, cần tiếp tục khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng, phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói - "là thanh bảo kiếm của Đảng”…
Ngay sau Đại hội, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nói chung cũng như thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Đồng thời, cần đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng đối với công tác này.
Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng; kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ đảng viên "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", “không cần tham nhũng".
Song song với đó, có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển.
“Việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp…”- ông Mai Trực nói thêm.