Trâu gỗ làng Định Quán đã theo xe thương lái đi toàn quốc từ tháng 11 âm lịch - Ảnh: HÀ QUÂN
Trâu gỗ vào Nam 'đón Tết'
Cận ngày rằm tháng Chạp, người dân làng nghề mỹ nghệ Định Quán, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội tất bật hoàn thiện những chú trâu gỗ cuối cùng cho kịp chuyến hàng lên đường vào Nam ‘đón Tết’.
Chị Trần Thị Thường (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) đã có 20 năm làm nghề gỗ cho biết từ tháng 10 âm lịch, xưởng sản xuất của gia đình chị đã nhận làm các mẫu trâu để cho ra thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Trâu cỡ vừa giá 600.000 đồng, thêm chú tiểu đọc sách hoặc ngồi cưỡi trâu thì thêm 100.000 đồng. Riêng trâu cõng chuột có giá xuất bán 800.000 đồng/con.
Người dân làng nghề mỹ nghệ Định Quán tất bật sản xuất trâu gỗ đón Tết - Video: DƯƠNG LIỄU
Trâu gỗ Định Quán chủ yếu làm từ gỗ hương đá nhập khẩu Nam Phi do thớ gỗ chắc, hương thơm, vân gỗ uốn lượn vừa mắt.
"Hai vợ chồng tôi đục, đẽo từ đầu vụ Tết làm ra khoảng trên 300 con trâu gỗ, với nhiều mẫu mã như mẫu trâu đi, trâu cõng chuột, chú tiểu đọc sách trên lưng trâu… nhưng mới xuất được một phần.
Mọi năm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng năm nay giảm do dịch bệnh nên đơn hàng làm ra chuyển vào TP.HCM (chiếm trên 50%) và các tỉnh miền Trung", chị Thường chia sẻ.
Trâu đất chờ ngày lên phố
Tại thôn Đông Khê, xã Song Khê, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nghệ nhân Phùng Đình Giáp (69 tuổi) say sưa hoàn thiện nốt những chú trâu bằng đất sét cuối cùng trước khi chuyển lên Hội chợ Tết Xuân phố cổ 2021 diễn ra ngày 30-1 tới.
Trâu đất Kinh Bắc chuẩn bị lên phố đón Tết - Video: HÀ QUÂN - DƯƠNG LIỄU
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp cho biết ông chọn làm trâu đất vì vừa mang ý nghĩa con giáp biểu tượng năm Tân Sửu vừa mang nét làng quê dân dã, truyền thống.
Để có được những chú trâu đất sét đầy sống động, từ rằm tháng 8 ông đã phải tranh thủ đào loại đất sét nằm sâu 2-3m dưới ao đầm mùa cạn nước. Sau đó, ông đem phơi khô rồi cho vào cối giã thành bột mịn để ra đất nặn màu xám nhạt.
Giấy bản được ngâm 1 tuần rồi trộn cùng đất. Ông giã đều 2 thứ sao cho cầm miếng đất trên tay mà không dính thì mới đảm bảo chất lượng. Xong xuôi, ông sẽ nặn hình trâu rồi đem phơi nắng 5-7 ngày. Công đoạn cuối cùng là làm bóng và tỉa trâu cho có hồn.
"Giá trâu đất phụ thuộc vào kích thước, công tạo hình và độ sáng tạo của người làm nên không cố định. Con trai tôi làm trâu đất thì con nhỏ 300.000 đồng, con lớn 600.000 đồng. Tuy nhiên, tôi biến tấu trâu có chú bé thổi sáo thì giá phải đắt hơn 20%", ông chia sẻ.
Nghệ nhân Giáp cũng cho biết bà con muốn trải nghiệm, mua các con vật hợp tuổi kích cỡ nhỏ có thể tham gia Hội chợ Tết với giá chỉ 20.000-50.000 đồng/con phỗng đất.
Chị Trần Thị Thường tỉ mẩn chế tác một chú trâu đất có chú tiểu nằm bên trên - Ảnh: H.Q
Qua bàn tay người thợ lành nghề, những chú trâu gỗ nhìn rất có hồn - Ảnh: H.Q
Từng chi tiết nhỏ của trâu được người thợ khéo léo đục đẽo - Ảnh: H.Q
Vân gỗ đẹp là một trong những tiêu chí để khách hàng chọn mua trâu gỗ làng Định Quán - Ảnh: H.Q
Trâu gỗ với chú tiểu đọc sách là một trong những mẫu được khách hàng ưa chuộng - Ảnh: H.Q
Những con trâu đất đủ kích cỡ, tạo hình được ông Giáp khéo léo nhào nặn, phơi khô, mài bóng... hoàn toàn thủ công - Ảnh: H.Q
Những chú trâu đất mang thúng hàng với hoa văn thổ cẩm cách điệu độc đáo - Ảnh: H.Q
Ngoài trâu đất, phỗng đất, nghệ nhân Giáp còn nhận đặt hàng tượng đất có 1 không 2 như chú voi cõng đài sen với giá vài triệu đồng - Ảnh: H.Q
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp và tác phẩm "Chuột sa chĩnh gạo" bên cạnh đàn trâu đất đang "hong khô" chờ ngày xuất bán - Ảnh: H.Q
TTO - Theo xu hướng năm con gì tạo hình con đó, các xưởng sản xuất heo đất tại tỉnh Bình Dương đã nghiên cứu và cho ra những mẫu trâu vàng, dưa hấu để cung ứng ra thị trường dịp Tết Tân Sửu.
Xem thêm: mth.30391824172101202-tet-nod-man-oav-tad-uart-og-uart/nv.ertiout