Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 634 điểm, tương đương 2,1%, đóng cửa ở 30.303 điểm. Đây là phiên sụt giảm tồi tệ nhất của chỉ số 30 cổ phiếu bluechip này kể từ 28/10/2020 trở lại đây.
Chỉ số S&P 500 sụt 2,6%, đóng cửa ở 3.751 điểm. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số thị trường này trong ba tháng qua. Sau cú giảm mạnh ngày 27/1, S&P 500 đã đánh mất toàn bộ thành quả tăng điểm trong 2021 và hiện thấp hơn 0,1% so với mức đầu năm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng không thoát khỏi xu hướng chung, giảm 2,6% xuống còn 13.271 điểm.
Cổ phiếu Boeing lao dốc gần 4% sau khi tập đoàn chế tạo máy bay này thông báo thua lỗ kỷ lục 11,9 tỷ USD trong năm 2020 do dòng 737 Max bị cấm bay và nhu cầu hàng không sa sút trong đại dịch.
Cổ phiếu AMD sụt hơn 6% mặc dù doanh nghiệp sản xuất chip này báo cáo doanh thu và lợi nhuận vượt qua kỳ vọng vốn dĩ đã rất cao của Phố Wall. Cổ phiếu Microsoft tăng 0,3% sau khi công bố kết quả quý IV/2020 khởi sắc, doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ trong khi mảng đám mây bứt tốc.
Theo CNBC, điều làm thị trường lo lắng nhất là việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ đẩy mạnh các giao dịch đầu cơ. Các cổ phiếu bị bán khống mạnh như GameStop (GME) và AMC Entertainment tiếp tục đi lên mạnh mẽ nhờ lực mua của các nhà giao dịch nghiệp dư trong các phòng chat online.
Một số nhà đầu tư lo lắng rằng các quỹ đầu cơ bán khống GameStop và AMC đang thua lỗ nặng nề vì giá cổ phiếu lên cao và do vậy sẽ buộc phải bán cả các cổ phiếu khác để có tiền nộp ký quỹ (margin call). Hành vi đầu cơ xuất hiện tràn lan cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường đang bị định giá quá cao và một đợt điều chỉnh có thể đang rất gần.
Ông John Davi - Nhà sáng lập và Giám đốc Đầu tư của công ty quản lý quỹ Astoria Portfolio Advisors nhận xét: "Thị trường đã tăng rất mạnh và phiên sụt giảm hôm nay chỉ là hành động chốt lời bình thường. Trong hai tháng qua thị trường lên rất cao, nhiều nhà đầu tư thấy vậy nên sẽ thực hiện hành vi đầu cơ".
Riêng trong phiên 27/1, cổ phiếu GameStop đã tăng 135%, AMC nhảy vọt 301%. Trước đó vào phiên 26/1, GameStop cũng đã tăng sốc gần 93% còn AMC thêm 12%.
Bán khống là việc các quỹ đi vay cổ phiếu và bán ở thời điểm hiện tại rồi đi mua cổ phiếu để trả lại trong tương lai. Nếu giá giảm xuống đúng như kỳ vọng, giá mua vào sẽ thấp hơn giá bán ra ban đầu và quỹ bán khống sẽ có lãi.
Nếu giá tăng, bên bán khống sẽ bị lỗ, phải nộp thêm tiền ký quỹ vào tài khoản hoặc thậm chí là phải thanh lý vị thế, tức là mua vào cổ phiếu để trả lại ngay lập tức. Việc các quỹ bán khống phải mua vào lại làm tăng nhu cầu cổ phiếu và đẩy giá tiếp tục lên cao.
Theo CNBC, quỹ đầu cơ Melvin Capital - một mục tiêu mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhắm đến - đã phải đóng vị thế bán khống của mình. Nhiều quỹ khác cũng đang thua lỗ nặng nề vì bán khống GameStop và AMC khi giá tăng bằng lần.
Giữa ngày 27/1, công ty chứng khoán TD Ameritrade thông báo sẽ áp dụng một số hạn chế đối với giao dịch cổ phiếu GameStop và AMC "để giảm thiểu rủi ro cho công ty chúng tôi cũng như khách hàng".
Ông Tom Lee - Giám đốc nghiên cứu tại công ty quản lý quỹ Fundstrat Global Advisors cho biết "việc giá cổ phiếu GME và AMC tăng mạnh đang gây ra áp lực ký quỹ rất lớn cho các quỹ" và tạo bất ổn trên thị trường. Tuy nhiên ông cho rằng đợt bán tháo ngày 27/1 chỉ là tạm thời và giá cổ phiếu sẽ sớm quay trở về quỹ đạo tăng.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày 27/1 tuyên bố vẫn sẽ giữ lãi suất gần 0% và duy trì chương trình mua tài sản trị giá ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng nhưng động thái này cũng không thể chặn được đà giảm của thị trường.