Cô gái "chạn vàng"
Cô gái "chạn vàng" là từ mà tác giả Anh Đào của báo Lao động nói về cô gái đang tạo hứng khởi những ngày qua về thu nhập 330 tỷ đồng/năm, tự nguyện kê khai và nộp khoảng 24 tỷ đồng tiền thuế.
Theo tác giả, cảm hứng dư luận là từ cô ấy trẻ, giỏi và thực hiện nghĩa vụ công dân. Năm 2017, trong một diễn đàn về thương mại điện tử, ông Huỳnh Kim Tước - đại diện Facebook cho biết: Có đến 50 bạn trẻ (từ 19 đến 24 tuổi) ở đây đã trở thành triệu phú đôla nhờ kiếm tiền trên mạng Internet. Nhưng đó chưa phải là điều bất ngờ, khi ông Tước đặt câu hỏi: Các bạn trẻ triệu phú ngồi đó có muốn chia sẻ với mọi người trong diễn đàn này không? Và ông sau đó tự trả lời: Không ai muốn trả lời, đơn giản vì câu chuyện thu thuế. Theo chính vị đại diện Facebook, các bạn trẻ đâu có ngại chuyện thu thuế, họ ngại chuyện mỗi tuần có người đến nhà "hỏi thăm". Tự nhiên, từ câu chuyện nhỏ trên, lại có thể nhìn ra thành 3.
Vấn đề đầu tiên: Cá nhân có chịu nộp thuế với thu nhập khủng hay không ? Vấn đề thứ 2: làm sao có 1 cơ chế thu thuế để người ta - một cách tự nguyện - đàng hoàng, thanh thản làm một công dân có trách nhiệm ? Và vấn đề thứ 3: Đại diện Facebook nói đến chuyện ngại bị hỏi thăm, thiếu cơ chế thu thuế thanh thản, vậy Facebook nộp thuế thế nào?
Hãy đi vào vấn đề đầu tiên: Cá nhân có chịu nộp thuế với thu nhập khủng bằng Make Money Online hay không? Tờ Tuổi trẻ hôm qua cũng nhanh chóng phỏng vấn được 1 nhân vật khác ở Đà Nẵng tự nguyện kê khai và nộp 23,5 tỷ đồng tiền thuế với công việc xuất bản phần mềm và game cho máy tính. Anh này nói với báo Tuổi trẻ: "Chúng tôi xem trốn thuế là việc nguy hiểm, cứ nghĩ tới là không có tâm thế để làm việc khác. Mình xác định thuế là nghĩa vụ thì nhất định phải đóng, vì vậy tâm lý rất thoải mái. Chúng tôi sẵn sàng đóng thuế và mong Nhà nước có cơ chế kiểm soát, tối ưu hóa việc thu thuế"
Tâm lý làm ra tiền là thực hiện nghĩa vụ thuế đã nhìn thấy. Vậy cơ chế để người ta tự nguyện và thanh thản đóng thuế thì đã có chưa? Anh này nói luôn: Đi hỏi cách nộp thuế thì được bảo là đi về. Suốt mấy năm trời từ 2015 tới 2019, tôi năm lần bảy lượt đi hết Chi cục Thuế quận rồi đến Cục Thuế Đà Nẵng hỏi tìm cách nộp thuế mà không ai hiểu mình đang nói gì, không hiểu nên thu thuế như thế nào. Do lĩnh vực hoạt động của mình mới quá, người ta không hiểu được, tôi phải giải thích cho tư vấn viên cách mình kiếm tiền thế nào, thu nhập có được từ đâu. Giải thích xong nhân viên thuế bảo mình đi về, khi nào có hướng dẫn mới thu thuế. Sau này ở TP Hồ Chí Minh có vụ truy thu thuế 4,1 tỉ đồng của một thanh niên có thu nhập từ viết phần mềm cho Google thì Đà Nẵng mới gọi lên để thu thuế. Cơ chế thu thuế thanh thản vẫn chưa đủ cập nhật và linh hoạt.
Và bây giờ là vấn đề thứ 3: Facebook nói ngại bị thuế có người đến nhà hỏi thăm, vậy Facebook thực hiện nghĩa vụ thuế của mình thế nào? Facebook nói riêng và các nền tảng xuyên biên giới nói chung có thực hiện nghĩa vụ thuế ở Việt Nam hay không, câu trả lời từ ngành thuế là: Có. Hồi tháng 12, ngành thuế công bố con số 1.000 tỷ đồng thu thuế được từ các nền tảng thương mại dịch vụ số xuyên biên giới.
Báo Lao Động gọi là "như muối bỏ bể", nhẹ nhàng hơn, Vietnamnet gọi là chưa phản ánh đúng thực tế kinh doanh. Vậy là đã thu được, đã có cách thu, nhưng thu chưa nhằm nhò gì.
Theo trang Vietstock, ngành thuế thu được nếu các nền tảng xuyên biên giới có đại lý quảng cáo ở Việt Nam. Ví dụ: quý vị có kênh YouTube riêng và phát sinh thu nhập từ quảng cáo, ngành Thuế sẽ thu thuế được của các bạn và của các đại lý kinh doanh dịch vụ quảng cáo của YouTube đặt tại Việt Nam. Cách này thu được vì ngành thuế phối hợp với các ngân hàng thương mại để kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chi trả cho các tổ chức, cá nhân trong nước.
Nhưng còn rất nhiều hoạt động phát sinh doanh thu khác mà ngành thuế thì chưa thể thu được, còn các nền tảng xuyên biên giới thì "hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều". Đó là trường hợp khi các nền tảng xuyên biên giới cho phép người dùng có thể tự đăng ký và thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng để mua sản phẩm dịch vụ, Ví dụ: Người dùng trả tiền thuê bao hàng tháng cho Netflix để xem nội dung, người dùng mua quảng cáo trực tiếp từ Facebook hay đặt phòng rồi thanh toán cho Airbnb. Việc quản lý các giao dịch của cá nhân như thế là chưa làm được.
Ảnh: Dân trí
Thu thì ngành Thuế chưa có cách nào, còn các ông lớn lại thất hứa. Theo tờ Lao Động, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn yêu cầu Công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam. Nhưng tất cả đều im lặng, chưa thấy có thông tin phản hồi về sự tuân thủ quy định, chưa kể chiếu phim ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Hồi tháng 11/2020, theo Vnexpress, Netflix còn khẳng định sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng Netflix cho biết Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ chế để các doanh nghiệp như họ có thể đóng thuế. Tính đến hôm nay, Netflix chưa đóng đồng thuế nào.
Từ những chây ì và thất thu này, động thái chính sách mới nhất chính là Nghị định 126, quy định: Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài. Chưa biết hiệu quả đến đâu vì Nghị định 126 mới có hiệu lực 1 tháng nhưng từ cảm hứng của cô gái chạn vàng 330 tỷ đồng của tuần này, chúng ta lại nhìn ra cái cớ đòi thu thuế một cách thanh thản và lời hứa nộp thuế bị trì hoãn của các ông lớn công nghệ. Nếu dư luận được truyền cảm hứng từ nghĩa vụ thuế của một công dân, vậy chúng ta sẽ ứng xử như thế nào với chính mình khi mỗi tháng vẫn móc hầu bao cho những ông lớn trây ì, thất hứa nộp thuế?
VTV.vn - Cục Thuế Hà Nội cho biết, trong năm 2020 thu thuế từ hoạt động thương mại online tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019, cá biệt có 3 cá nhân nộp thuế trên 7 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!