Ít ai ngờ những vùng đất cằn cát nóng như Chu Lai, Dung Quất ngày nào nay thành gà đẻ trứng vàng cho ngân sách tỉnh. Vị thế địa phương được nâng tầm rõ rệt cùng với sự thịnh vượng của quốc gia.
Ngay từ năm 2016, Quảng Nam, sau gần 20 năm kể từ ngày thành lập, thu ngân sách nội địa trên địa bàn đã vượt con số 10.000 tỉ đồng.
Hôm qua, tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết giai đoạn 2016 - 2020 số địa phương vào nhóm có số thu ngân sách nhà nước trên 10.000 tỉ đồng từ 15 đã tăng lên 30.
Vâng, đằng sau con số hàng ngàn tỉ cho ngân sách là công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động tại dải đất nghèo miền Trung là điều trước đây không ai nghĩ tới. Theo đà phát triển này, đến lúc nào đó cũng sẽ nâng cấp như "câu lạc bộ 20.000 tỉ" chẳng hạn...
Dù là TP đầu tàu của miền Trung nhưng nhiều lần lãnh đạo TP Đà Nẵng không khỏi giật mình bởi các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bứt tốc mạnh mẽ trong đóng góp cho ngân sách.
Cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nền kinh tế địa phương đã đòi hỏi lãnh đạo những tỉnh thành phải tự thôi thúc, cải thiện, tìm giải pháp cho mình. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) tự nói lên điều đó.
Tuy nhiên cạnh tranh, chạy đua không thể trải thảm bằng mọi giá. Thời kỳ chạy đua để "lấp đầy" các khu công nghiệp địa phương về số dự án thu hút đầu tư gần như đã qua.
Sau sự cố về môi trường biển ở miền Trung, dù có chạy thế nào, cạnh tranh ra sao cũng không thể quên rằng phải phát triển theo hướng xanh - sạch - bền vững với môi trường, để còn có của ăn của để cho con cháu mai sau. Không chỉ vậy, các địa phương cũng đang cố gắng tranh thủ làm giàu bằng "kinh tế số".
Vì chỉ có theo hướng đó mới có thể đạt mục tiêu "hạnh phúc của nhân dân". Thật vậy, tăng trưởng nóng, thêm nhiều doanh nghiệp nhưng để lại hậu quả cho môi trường, chất lượng sống của người dân giảm sút do ô nhiễm, đó không thể là cuộc sống hạnh phúc.
Chúng ta không thể mãi khai thác tài nguyên. Chủ trương điều chỉnh phát triển không dựa vào tài nguyên đã dần được chứng minh qua nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực này có tỉ trọng trong tổng nguồn thu giảm dần.
Đó chính là bài học để các địa phương cạnh tranh thu hút đầu tư theo hướng xanh - sạnh trên nền tảng "kinh tế số".
Năm 2019, theo báo cáo của Google, "kinh tế số" tại Việt Nam đóng góp 5% GDP, gấp 4 lần năm 2015 và dự báo chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025, dự báo đó là một bước tiến thần tốc.
Chúng ta cũng đặt mục tiêu Việt Nam sẽ vào top 50 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến "kinh tế số", chiếm 30% GDP.
Rồi đây sẽ có thêm nhiều địa phương bước vào câu lạc bộ thu ngân sách 10.000 tỉ, thậm chí có địa phương bứt ra, vượt lên với số thu khủng hơn.
Nhưng thu bao nhiêu cũng đừng quên nguyên tắc "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế". Và đó nên là tiêu chí cho cuộc đua tăng hạng vào câu lạc bộ ngàn tỉ thu ngân sách.
TTO - Chỉ tăng 1,39% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng ước 7,83% của năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TP.HCM chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng cả nước. Thu ngân sách cũng giảm 14,2%.
Xem thêm: mth.13331357082101202-gnod-it-00001-ob-cal-uac-oav-iot-euq/nv.ertiout