vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng Nhà nước: Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

2021-01-28 11:04

Chiều ngày 27/1, Đại hội XIII tiếp tục phiên thảo luận tại Hội trường về các văn kiện. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trong bài tham luận của mình nhấn mạnh: tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Với chủ đề "Đổi mới nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng".

CHỦ ĐỘNG, THẬN TRỌNG, LINH HOẠT TRONG ĐIỀU HÀNH 

Nhận định chung về nhiệm kỳ vừa qua (2016-2020), theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tình hình kinh tế - xã hội thế giới biến động phức tạp và khó lường, xung đột chính trị, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn gia tăng. Đặc biệt năm 2020, thế giới chứng kiến Đại dịch Covid -19 bùng phát, lan rộng và tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. "Chưa bao giờ, chính phủ, các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương các nước lại đưa ra nhiều giải pháp, với quy mô lớn hàng nghìn tỷ USD để ứng phó trước tác động của đại dịch, hỗ trợ kinh tế vượt qua suy thoái".

Với đặc điểm là một nền kinh tế có độ mở cao và đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, những biến động, rủi ro của thị trường thế giới đã đặt ra nhiều thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ và công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Nhìn lại cả giai đoạn 2016-2020, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhờ bám sát mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát cho giai đoạn 2016-2020 mà Đại hội XII của Đảng đề ra là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả nhờ sự kiên định, chủ động, thận trọng và linh hoạt, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% theo đúng mục tiêu của Quốc hội đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. "Sự kiên kiên định thể hiện qua hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều ban hành chỉ thị xác định rõ mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở đó điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ, đúng thời điểm và với liều lượng hợp lý, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, phản ứng nhanh nhạy, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước".

Các công cụ chính sách được điều hành linh hoạt, tuỳ thuộc vào cung cầu của thị trường, diễn biến, bối cảnh và mục tiêu chính sách. Có thể thấy rõ qua việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, biến động hàng ngày, theo đó hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ; khi cung cầu ngoại tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, gấp khoảng 3 lần so với cuối năm 2015. Và khi thị trường thiếu hụt, tỷ giá biến động lớn, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường, tạo lòng tin đối với năng lực điều hành, góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. 

Đáng chú ý là khi đưa một lượng tiền lớn mua ngoại tệ nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát tốt tiền tệ, kiểm soát được lạm phát. Tính linh hoạt trong điều hành, theo Thống đốc còn thể hiện ở chỗ, năm 2020, trước bối cảnh doanh nghiệp và người dân chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước là một trong những bộ ngành vào cuộc rất sớm, cắt giảm lãi suất điều hành 3 lần, là NHTW giảm lãi suất điều hành mạnh nhất so với các nước trong khu vực.

Ngân hàng Nhà nước kịp thời ban hành văn bản cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán. Cho vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động…"Đây là những giải pháp kịp thời và rất thiết thực khi doanh nghiệp và người dân khó khăn trong việc trả nợ, không có đủ nguồn tiền để trả lương do sụt giảm nguồn thu. Các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần phục hồi kinh tế, đưa nước ta trở thành một trong số ít các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dương trên thế giới trong năm 2020", Thống đốc nói.

Kết quả cho thấy trong cả giai đoạn, lạm phát bình quân luôn được kiểm soát ở mức dưới 4%, theo đúng chỉ tiêu Quốc hội đề ra và thấp hơn nhiều so với mức bình quân của giai đoạn trước. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 2,5%/năm kể từ năm 2017 đến nay. Tính chung, mặt bằng lãi suất cho vay trong 5 năm qua giảm 3,7% so với giai đoạn 2011-2015, Thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao; tình trạng đô-la hóa giảm dần, niềm tin vào đồng Việt Nam ngày càng được nâng lên. 

Chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế được thực hiện hiệu quả, thu hẹp dần đối tượng cho vay ngoại tệ theo lộ trình kết hợp với các biện pháp điều hành nhằm tăng vị thế của đồng Việt Nam, nguồn vốn bằng ngoại tệ và vàng được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những yếu tố củng cố niềm tin của nhà đầu tư, góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Điểm nổi bật khác trong nhiệm kỳ 2016-2020 về điều hành chính sách tiền tệ chính là điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, phù hợp với chủ trương từng bước giảm dần tỷ lệ vốn đầu tư từ tín dụng ngân hàng, hỗ trợ đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế: Các giải pháp, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã đi đúng hướng, vừa đảm bảo an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Bình quân tín dụng tăng 15%/năm, riêng năm 2020 tăng 12,13%, đây là mức tăng phù hợp trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu do tác động của Đại dịch Covid 19. 

Điều hành tín dụng đã gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phù hợp với chủ trương từng bước giảm tỷ lệ cung cấp cho đầu tư phát triển từ kênh tín dụng ngân hàng (năm 2018, 2019, tín dụng tăng dưới 14% nhưng GDP vẫn tăng cao ở mức 7,08% và 7,02%).

Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên (như tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm gần 25%; doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế...). Tín dụng của hệ thống ngân hàng ngày càng hướng đến kinh tế tư nhân, là động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, tín dụng đối với kinh tế tư nhân tăng nhanh cả về tốc độ và tỷ trọng. Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với kinh tế tư nhân/tổng dư nợ chiếm khoảng 90%, tốc độ tăng tín dụng đối với kinh tế tư nhân qua các năm đều cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. 

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững…, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo. Các giải pháp thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh", phát triển tài chính toàn diện, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội ngày càng được quan tâm.

Hoạt động thanh toán có những bước tiến vượt bậc cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; Công nghệ thanh toán đã có bước phát triển mang tính đột phá; thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, các hoạt động chuyển đổi số, sản phẩm dịch vụ ngân hàng số phát triển mạnh mẽ. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng (trong đó, số lượng giao dịch qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tăng 344,2% về số lượng và 96,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016).Tăng trưởng thanh toán trên điện thoại di động trong nhiều năm đạt mức trên 100%/năm; giao dịch được xử lý trực tuyến trên môi trường mạng chiếm đa số so với giao dịch tại chi nhánh.

Công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được thực hiện nghiêm túc, từng bước hiệu quả, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng chống rửa tiền để nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, trong đó đến hết năm 2019, 18 tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng trước thời hạn tỷ lệ an toàn vốn; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu 12-15 tổ chức tín dụng đạt chuẩn Basel II về an toàn vốn vào năm 2020. 

Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã khắc phục hết. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ theo Nghị quyết 42 cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Công tác giám sát tiếp tục đạt được kết quả tích cực, đã có sự nhận diện, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn để kịp thời cảnh báo; đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.  

Công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 được quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

TIẾP TỤC KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ 

 Nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều bất trắc, khó lường, dịch bệnh có khả năng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và có độ mở kinh tế lớn, với tác động tiêu cực và chưa có hồi kết của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân tiếp tục khó khăn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. 

Trong bối cảnh thương mại giữa các nước lớn vẫn gia tăng, các đối tác thương mại lớn quan tâm sâu hơn về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và gia tăng giám sát thương mại đối với Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ. Bối cảnh trên đòi hỏi quyết tâm cao của toàn hệ thống Ngân hàng, sẽ tiếp tục phát huy các thành quả quan trọng đã đạt được và nhận thức rõ những thách thức đặt ra, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tham luận tại Hội trường ngày 27/1, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tới 8 mặt công tác.

Một là: Tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Cải thiện chất lượng đầu vào cho hoạch định chính sách (nâng cao chất lượng thống kê, phân tích, dự báo), chủ động, thận trọng và linh hoạt điều hành các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhất là chính sách tài khoá để ứng phó linh hoạt, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế, tiền tệ thế giới. Tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi, tạo dự trữ đệm để chống đỡ khi có các cú sốc xảy ra, góp phần tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là: thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ để tiếp tục giảm tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế; triển khai lộ trình từng bước tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam một cách thận trọng, phù hợp. Tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Ba là: tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; Tín dụng mở rộng tín dụng theo hướng  tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động. Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khuyến khích tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Bốn là: tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Tham mưu các cấp có thẩm quyền việc ban hành và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao trình độ quản trị hoạt động, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng; phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược ngành Ngân hàng đã đề trong giai đoạn 2020 - 2025. Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Năm là: tập trung hoàn thành các nhiệm vụ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo hoạt động ngân hàng thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech); Triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để cuối năm 2025 đạt được các mục tiêu của Chiến lược này đề ra cho giai đoạn 2020 – 2025.

Sáu là: thực hiện tốt chương trình cải cách thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng văn hoá công sở, văn hoá doanh nghiệp, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân...

Bẩy là: chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực ngân hàng; Triển khai công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao sự minh bạch hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu hoạt động thông tin của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện các cam kết quốc tế.

Tám là: hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, trong đó trọng tâm là tổng kết, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng chống rửa tiền tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, tăng cường thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19.Tiếp tục triển khai/giám sát Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Chương trình/Kế hoạch hành động, Đề án, kế hoạch phát triển Ngành đã ban hành.

Xem thêm: mth.61352256172101202-om-iv-et-hnik-hnid-no-tahp-mal-taos-meik-ueit-cum-hnid-neik-coun-ahn-gnah-nagn/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngân hàng Nhà nước: Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools