Tờ South China Morning Post hôm 27-1 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg nói rằng phát biểu “nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho thấy sự không nhất quán giữa hành động và lời nói của Trung Quốc.
Ông Frydenberg đã lên án gay gắt bài phát biểu của ông Tập khi đề cập các lệnh trừng phạt của Trung Quốc lên một số mặt hàng của Úc.
Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg. Ảnh: Gary Ramage/NCA NewsWire.
Lời nhận xét của ông Frydenberg đưa ra sau bài phát biểu của ông Tập tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở Davos (Thụy Sĩ) hôm 25-1.
Trong bài phát biểu, ông Tập nói rằng mối quan hệ giữa các nước nên được điều chỉnh bằng quy tắc và luật lệ chứ không phải là mệnh lệnh từ sức mạnh quyền lực.
“Kẻ mạnh không nên bắt nạt kẻ yếu. Các quyết định không nên được đưa ra chỉ để khoe mẽ sức mạnh hay nắm đấm” - ông Tập phát biểu, ngụ ý ủng hộ các nước nhỏ và đưa ra chỉ trích ngầm đối với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Frydenberg cho rằng bình luận của ông Tập không phù hợp với những hành động chèn ép kinh tế của Trung Quốc đối với Úc.
“Vâng, tôi đồng ý với quan điểm rằng nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ, nhưng dường như có một chút không nhất quán giữa lời nói và hành động [của Trung Quốc]” - ông Frydenberg nói.
Vào năm ngoái, quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đã trở nên xấu đi rõ rệt khi Úc kêu gọi thế giới điều tra nguồn gốc của dịch COVID-19 và cấm tập đoàn Huawei tham gia mạng lưới 5G tại nước này.
Đáp lại, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa chủ chốt của Úc bao gồm lúa mạch, rượu vang,...
Tháng trước, Úc đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều tra về mức thuế thương mại đối với sản phẩm lúa mạch Úc khi bán cho Trung Quốc.