Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các nhãn hàng lại đua nhau tung ra các chiến dịch quảng bá nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng và thúc đẩy doanh số bán hàng. Vài năm qua, phương án được lựa chọn hàng đầu là thực hiện MV ca nhạc với nghệ sĩ nổi tiếng, đồng thời lồng ghép hình ảnh thương hiệu trong đó. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà gần đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, khán giả đã bị “ngập” trong các MV ca nhạc với mô típ và chủ đề na ná nhau. Dẫu vậy, vẫn có những thương hiệu tạo được điểm sáng nhờ lựa chọn hướng đi khác biệt.
Một tuần trước, FPT Shop đã tung ra một bộ phim cổ trang gồm 3 tập, dài tới 90 phút với chủ đề “xuyên không” để quảng cáo cho thương hiệu của mình.
Đầu tư làm phim chuyên nghiệp
Bộ phim có tên là Gái xấu “xiên” không, được lấy bối cảnh thời Phong kiến tại Việt Nam, nhưng tất cả nội dung được đơn vị sản xuất lưu ý không phải câu chuyện có thật của bất cứ triều đại nào trong lịch sử.
Chuyện phim kể về cô gái ở thời hiện đại - Phương Giang nhận được phần quà của FPT Shop và tình cờ xuyên không về thời cổ xưa và mắc kẹt tại đây nhiều năm. Tại đây, cô trở thành một người hầu gái, có nhiệm vụ phải tìm được báu vật - chiếc iPhone 12 Pro để “nhấn nút” quay về thực tại nhưng lại nảy sinh chuyện tình cảm với vị Vương Gia điển trai, giỏi võ.
Theo chia sẻ từ nữ biên kịch, kịch bản của Gái xấu “xiên” không dài 76 trang với 34 cảnh quay. Quyết tâm làm phim cổ trang, đội ngũ của FPT Shop ban ngày vẫn đi làm, ban đêm lại nghiên cứu từ cổ phục, trò chơi dân gian đến lịch sử, điển tích...
“Sau khi cả nhóm tìm hiểu cổ phục và trang phục truyền thống các dân tộc (chọn trang phục dân tộc Thái), tôi gửi file mẫu phục trang kèm ảnh minh hoạ, chú thích chi tiết về màu, kiểu, hoa văn gửi đối tác, từ vai chính đến người hầu, thậm chí từng nhân vật mặc đồ gì cảnh nào, tôi cũng điền sẵn, màu trang phục phải hợp với nhau khi cùng xuất hiện.
Kết quả chờ 1 tháng, may ra trang phục hoàn toàn không như tưởng tượng, tôi cảm thấy vô vọng, muốn bỏ cuộc. Tôi đã muốn huỷ hết khi xem phục trang. Cuối cùng, chúng tôi mạnh bạo bỏ gần hết đồ may đem cho quần chúng và vai phụ mặc”.
Để giảm chi phí, những trang phục hiện đại của nữ chính không đi thuê mà được chọn từ tủ quần áo của các thành viên trong nhóm. Trong khi đó, những bộ cổ phục đều được thiết kế, may đo cẩn thận.
Tuy nhiên, thay vì mời nghệ sĩ nổi tiếng thì toàn bộ diễn viên, cả nhân vật chính và phụ trong phim đều là những diễn viên nghiệp dư. Đồng thời, toàn bộ quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, thực hiện chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 tháng.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Dù thời lượng kéo dài gấp nhiều lần so với các video quảng cáo thông thường, đôi khi khiến khán giả có tâm lí nản chí và ngại xem, nhưng bộ phim cổ trang của FPT Shop vẫn nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Thứ nhất, về hiệu ứng truyền thông, chỉ sau một tuần công chiếu trên Facebook, tác phẩm này đã thu hút tới 4,4 triệu lượt xem, hơn 31.000 lượt thích và 2.500 bình luận. Đây là thành tích đáng nể mà bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào cũng ao ước đạt được.
Đồng thời, việc hướng đến hình ảnh truyền thống, ca ngợi vẻ đẹp của cổ phục Việt cũng giúp Gái xấu “xiên” không nhận sự đồng thuận của công chúng.
Bình luận của khán giả về bộ phim.
Thứ hai, thúc đẩy hình ảnh thương hiệu. Là một chiến dịch quảng cáo nên không khó hiểu khi bộ phim được lồng ghép nhiều hình ảnh về sản phẩm, dịch vụ khách hàng của FPT Shop. Tuy nhiên, không chỉ riêng FPT Shop mà những “anh em” thuộc cùng hệ sinh thái là FBeauty và Nhà thuốc Long Châu cũng được “lăng-xê” ké.
Thứ ba, hiệu ứng kinh doanh. Ngoài các nhân vật chính, báu vật - iPhone 12 Pro cũng giữ vai trò chủ chốt xuyên suốt bộ phim. FPT Shop hiện là đại lý ủy quyền cao cấp nhất của Apple tại Việt Nam, cũng là đơn vị bán lẻ cho lên kệ iPhone 12 sớm nhất. Việc pr gián tiếp cho Apple còn là đòn bẩy giúp FPT Shop đẩy mạnh doanh số dòng sản phẩm chủ chốt này dịp cận Tết.
T.Dương
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị