Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2020 . Theo đó, lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn tiếp tục vượt qua con số 10.000 tỷ đồng, khoản thuế nộp ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt qua con số 2.000 tỷ đồng. Số lượng khách hàng giao dịch điện tử tăng đột biến và lượng tiền gửi không kỳ hạn chảy mạnh vào MB.
Báo cáo tài chính quý 4/2020 cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong quý này đạt 2.554 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt 2.419 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế MB đạt 10.688 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019 (10.036 tỷ đồng). Kết quả trên khiến MB ghi một dấu mốc mới trong hành trình 26 năm hoạt động khi lần đầu tiên khoản thuế nộp vào Ngân sách Nhà nước vượt qua con số 2.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế trong năm 2020 của Ngân hàng đạt 8.262 tỷ đồng, cao hơn con số 7.822 tỷ đồng của năm 2019. Lãi cơ bản trên cổ phiếu MBB năm 2020 đạt 2.993 đồng/cổ phiếu, tăng 8,5% so với chỉ tiêu này của năm 2019.
Đóng góp lớn nhất vào việc tăng trưởng hiệu quả kinh doanh của MB năm 2020 là khoản thu từ hoạt động tín dụng. Trong năm 2020, thu nhập từ lãi cho vay tại MB đạt 24.383 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2019. Trong mảng dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động này tăng gần 400 tỷ đồng năm 2020. Ngân hàng cũng tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2020 với mức trích 6.118 tỷ đồng để phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế cũng như ngành ngân hàng, trong khi con số này của năm 2019 là 4.890 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu Tập đoàn ở mức 1,09%. Tỷ lệ bao phủ dự phòng/nợ xấu ở mức 160%.
Điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của MB năm 2020 là dòng tiền tiết kiệm tiếp tục chảy mạnh vào Ngân hàng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi của khách hàng (casa) vượt qua tỷ lệ 37% (115.194 tỷ đồng/310.960 tỷ đồng). Được biết, tỷ lệ này tại ngân hàng hàng đầu Việt Nam năm 2020 là 29,7%.
Đại dịch xảy ra năm 2020 khiến xã hội phải thực hiện giãn cách trong một số khoảng thời gian và nhiều chuỗi sản xuất trong nền kinh tế bị đứt gãy, nhưng tại MB, Ngân hàng không chỉ vững vàng trong mọi mối quan hệ kết nối với thị trường, mà còn hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn đại dịch. Trong năm, Ngân hàng có 5 đợt giảm lãi suất với số tiền doanh thu trích ra để hỗ trợ Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời hơn 105.000 khách hàng có dư nợ hơn 75.000 tỷ đồng được giảm lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 1,5%.
Định vị là ngân hàng số, năm 2020, MB phát triển hàng loạt sản phẩm số nổi bật như App MBBank, Biz MBBank, mô hình giao dịch tự động SmartBank, Smart RM, giúp Ngân hàng có sự tăng trưởng đột phá về số lượng khách hàng, đạt 90 triệu giao dịch điện tử, gấp 3 lần so với 2019 và 84,4% giao dịch trên kênh số.
Chia sẻ về định hướng hoạt động của ngành ngân hàng năm 2021 mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến sẽ khoảng 12%, nhưng có sự linh hoạt tại từng ngân hàng. Công ty Quản lý quỹ Phú Hưng đánh giá cho rằng, với bộ đệm vốn dày như hiện nay, MB nhiều khả năng được giao room tăng trưởng tín dụng cao hơn các ngân hàng khác. Với nền tảng quản trị hiệu quả và hệ thống khách hàng tăng mạnh từ kênh ngân hàng số, MB nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức tài chính trung gian cho khả năng bứt phá tăng trưởng kể từ năm 2021 khi nền kinh tế đi vào giai đoạn phục hồi.
Xem thêm: mth.3763645182101202-iod-nauq-gnah-nagn-oav-hnam-yahc-nah-yk-gnohk-iug-neit/nv.ymonocenv