Bộ Công Thương họp chiều về các phương án đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 và điều tiết nguồn hàng - Ảnh: Bộ Công Thương
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp chiều 28-1 do thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì, họp khẩn với các đơn vị chức năng về tình hình ứng phó với dịch COVID-19 ngay sau khi Bộ Y tế xác nhận các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Quảng Ninh và Hải Dương.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh yêu cầu các đơn vị trong Bộ bắt tay ngay vào triển khai các công việc được giao, gồm đảm bảo cung ứng hàng hóa trong các khu vực bị phong tỏa, các khu vực cửa khẩu cũng như kiểm soát thị trường.
Để chủ động ứng phó tình hình dịch bệnh, sẽ có phương án điều tiết nguồn hàng, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội. Đặc biệt, trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của nhân dân.
Qua cập nhật báo cáo, các doanh nghiệp phân phối đã dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa sẽ tăng nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu.
Hiện các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.
Báo cáo nhanh của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho hay đã xây dựng, ban hành kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.
Hiện sức mua trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ bản ổn định, các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch được kích hoạt, không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng, hàng hóa và giá cả trên các kệ hàng vẫn đầy đủ.
Tuy nhiên, với diễn biến của dịch bệnh hết sức phức tạp và khó dự báo, kịch bản cho mọi tình huống luôn phải sẵn sàng để phù hợp với từng thời điểm.
Tương tự ở Quảng Ninh, nguồn hàng cơ bản vẫn ổn định, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng khan hiếm. Hệ thống siêu thị và doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đang áp dụng các chương trình kích cầu khuyến mại với nhiều ưu đãi về giá, kích thích người tiêu dùng mua sắm. Đồng thời phát triển hình thức bán hàng online để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, hạn chế việc tập trung đông người...
Mới có 41 tỉnh triển khai Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19
Báo cáo nhanh về việc trển khai Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, Bộ Công Thương cho hay tới ngày 28-1 đã có 41 tỉnh có báo cáo cung cấp thông tin về trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng.
Trong đó, có 12 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bắc Kạn, Đồng Nai, Quảng Bình, Hải Dương, Tiền Giang, Cà Mau, An Giang, Phú Thọ) đã cập nhật thông tin tương đối đầy đủ theo yêu cầu của Bộ Y tế. 29/41 tỉnh còn lại vẫn còn thiếu nhiều thông tin liên hệ như điện thoại, email, tên đầu mối liên hệ. 19/41 tỉnh thiếu dữ liệu về nhà hàng.
Tuy nhiên do tình hình thực tế tại các địa phương, nhất là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vẫn tồn tại chợ phiên, chợ tự phát, khó xác định được địa chỉ, cơ sở hạ tầng chưa có cũng như không có người quản lý. Do đó, tại những khu chợ này chỉ có địa chỉ xã, phường và các thông tin của cán bộ quản lý.
Đáng chú ý là chỉ có 3 tỉnh đã có đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
TTO - Sân bay quốc tế Vân Đồn tạm dừng hoạt động trong 24 giờ kể từ sáng 28-1 và đang phối hợp với cơ quan chức năng khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên sau khi nhân viên an ninh của sân bay nhiễm COVID-19.