Hiện nay, doanh thu trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội quốc tế như Google, Facebook, YouTube... rất lớn. Thế nhưng, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu các cá nhân bán hàng online có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với nhà nước?
Các chuyên gia tài chính cho rằng quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo có thể đạt tới con số 10 tỷ USD, chủ yếu do các cá nhân thực hiện. Vì vậy, đây đang là lĩnh vực khó quản lý thuế thu nhập cá nhân nhất.
Gần đây, một người nộp thuế đã khai báo với Chi cục Thuế quận Cầu Giấy có thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm cho Google Play, App Store và nộp thuế thu nhập cá nhân hơn 23 tỷ đồng.
Một trường hợp khác cũng nộp thuế thu nhập cá nhân 18,1 tỷ đồng từ thu nhập sáng tác nhiều phần mềm được các ứng dụng trên thế giới sử dụng.
Chỉ riêng năm 2020, Chi cục Thuế quận Cầu Giấy đã thu được 55 tỷ đồng tiền thuế của 61 cá nhân kinh doanh online nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau.
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo có thể đạt tới con số 10 tỷ USD. (Ảnh: NLĐ)
"Phối hợp với các cơ quan như: ngân hàng, các tổ chức thương mại, các trang web để thu thập dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về cá nhân kinh doanh, từ đó có thư mời, gửi email cho các cá nhân; đồng thời phối hợp với UBND các phương, các cơ quan quản lý của Hà Nội để đôn đốc hướng dẫn, hỗ trợ cá nhân thực hiện nghĩa vụ và kê khai nộp thuế", ông Lê Quang Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, cho biết.
Từ nhiều năm nay, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử với phương châm tuyên truyền hỗ trợ để người nộp thuế tự giác kê khai nộp thuế là chủ yếu.
Năm 2017, Cục Thuế Hà Nội đã rà soát trên 13.400 chủ tài khoản Facebook có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng và đã 3 lần nhắn tin hướng dẫn các chủ tài khoản này kê khai thuế. Kết quả là đã có trên 2.000 cá nhân đăng ký kê khai thuế.
Năm 2018 - 2019, Cục Thuế Hà Nội đã lập cơ sở dữ liệu thu thập cơ sở dữ liệu về các website bán hàng, cho thuê nhà, fanpage, chợ thương mại điện tử và đã thu được 61 tỷ đồng.
Riêng năm 2020, Cục Thuế Hà Nội đã rà soát được gần 1.200 cá nhân có hoạt động thương mại điện tử với doanh thu trên 2.200 tỷ đồng, nộp 148 tỷ đồng tiền thuế.
"Cục Thuế Hà Nội đã từng bước đi theo xu thế phát triển của thương mại điện tử và kiên trì tuyên truyền, hỗ trợ, giải thích, hướng dẫn cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động này thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật", ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, nhận định.
Mặc dù vẫn còn nhiều cá nhân kinh doanh thương mại điện tử chưa thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với nhà nước, nhưng Cục Thuế Hà Nội vẫn sẽ áp dụng giải pháp căn bản nhất là tuyên truyền và giải thích để họ hiểu, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Nhiều cá nhân bị truy thu thuế
Theo Luật Quản lý thuế, mọi cá nhân đều phải tự khai tự nộp và tự chịu trách nhiệm về kê khai thuế của mình. Cơ quan thuế đẩy mạnh hướng dẫn người nộp thuế kê khai và nộp thuế đúng. Tuy nhiên, quản lý thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử vẫn là bài toán khó với cơ quan thuế, mặc dù cơ quan này đã có nhiều biện pháp chống thất thu thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực này từ nhiều năm qua.
Thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2020 Việt Nam có khoảng 15.000 kênh YouTube, nhưng chỉ 30% trong số đó kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Những hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế và sẽ bị phạt tiền.
Trong năm 2019 - 2020, số tiền thuế thu được từ các cá nhân trên toàn quốc xấp xỉ 1.000 tỷ đồng; có trường hợp doanh nghiệp tự kê khai, có trường hợp cơ quan thuế áp dụng công tác quản lý để truy thu.
Quản lý thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử vẫn là bài toán khó với cơ quan thuế. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tại một số địa phương, nhiều trường hợp không kê khai, trốn thuế bị phát hiện. Điển hình như một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh truy thu, xử phạt 9,1 tỷ đồng.
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Cục Thuế Quảng Nam truy thu một cá nhân có doanh thu trên 20 tỷ đồng từ Google, nhưng chưa kê khai nộp thuế.
Đầu năm 2019, một cá nhân ở TP Đà Nẵng có doanh thu thu nhập từ Google hơn 281 tỷ đồng đã bị truy thu và phạt trên 23,5 tỷ đồng tiền thuế.
Tự giác nộp thuế để tránh bị phạt
Nghị định 126 cũng quy định các lập trình viên kiếm tiền từ việc viết game online, các ứng dụng trên máy tính, điện thoại hay người đăng tải các clip lên YouTube, Facebook được trả tiền có nguồn thu từ 100 triệu đồng trở lên đều phải kê khai nộp thuế. Nếu trường hợp không kê khai, trốn thuế sẽ bị phạt từ 1 - 3 lần số thuế phải nộp.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho rằng ưu tiên hàng đầu của cơ quan này là sẽ tập trung tuyên truyền để người nộp thuế tự giác nộp thuế và tránh bị xử phạt vì không kê khai nộp thuế.
Tự giác nộp thuế không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân đối với đất nước, mà còn là niềm tự hào của những người làm giàu, có thu nhập cao từ lao động chính đáng của mình. Thuế thu nhập cá nhân ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu thu thuế của ngành thuế và không chỉ là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách Nhà nước, mà còn đảm bảo thực hiện công bằng xã hội.
Việc thu nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ cho Nhà nước cần được khuyến khích và tôn vinh những người nộp thuế đầy đủ để huy động mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
VTV.vn - Trước mắt sẽ giữ nguyên hoạt động và tổ chức bộ máy của 3 Chi cục Thuế Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức trên địa bàn TP Thủ Đức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.86532439182101202-euht-nauq-oc-iov-ohk-naot-iab-ut-neid-iam-gnouht-euht-yl-nauq/et-hnik/nv.vtv