Theo CNBC, Việt Nam có khả năng sẽ là nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng nhất châu Á trong năm 2020 - Việt Nam đã đạt được kỳ tích này nhờ vào việc không có quý nào kinh tế tăng trưởng âm giữa bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới chịu thiệt hại nặng do đại dịch COVID-19.
Tới nay, các nền kinh tế châu Á chưa đưa ra báo cáo đầy đủ về kinh tế quý 4/2020 và cả năm 2020. Tuy nhiên, dựa trên các số liệu chính thức CNBC thu nhận được từ các nguồn chính thống và các viện nghiên cứu, ví dụ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), CNBC cho rằng chỉ số tăng trưởng của Việt Nam đã vượt qua tất cả các nền kinh tế châu Á khác.
Theo dự tính, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9% trong năm ngoái, cao hơn con số 2,3% của Trung Quốc trong cùng kỳ.
"Với thành tích này, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có chỉ số tăng trưởng cao nhất trong khi phần lớn thế giới đang chịu suy thoái kinh tế," các nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng Mỹ viết trong báo cáo.
Nhiều chuyên gia lạc quan rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021.
Dưới đây là một số điều đã giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực và một số thách thức trước mắt.
Kiềm chế COVID-19
Mặc dù nằm sát Trung Quốc - nơi COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên - Việt Nam chỉ ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm và 35 ca tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Cách chống dịch của Việt Nam đã được quốc tế ca ngợi là mô hình để các nước đang phát triển học tập. Mô hình này cũng đã giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2020.
Sức mạnh kinh tế có khả năng sẽ được duy trì tiếp trong năm nay - các nhà kinh tế cho hay.
Một số chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam có thể tăng 9,3% trong năm 2021 - cao hơn nhiều con số 6,7% được Ngân hàng Thế giới ước tính.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Việt Nam đạt được tăng trưởng mạnh trong ngành sản xuất một phần lớn nhờ vào hoạt động xuất khẩu liên tục và ổn định. Đây sẽ là xu hướng trong những năm tới - các nhà kinh tế nhận định.
"Chúng tôi cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ hoạt động chuyển dịch chuỗi cung cứng/đa dạng chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc trong vài năm qua. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới," Fitch Solutions viết trong báo cáo hồi tháng 12.
Việt Nam cũng đã đạt được một số thỏa thuận thương mại mới - ví dụ như với Anh và EU - và nhờ đó sẽ cải thiện các nguồn xuất khẩu hàng hóa thương mại.
Ngành dịch vụ hồi phục
Ngành dịch vụ của Việt Nam - vốn bị thiệt hại nặng sau đại dịch - đã dần hồi phục trong cuối năm 2020.
Các nhà kinh tế cho rằng sự hồi phục trên diện rộng của ngành dịch vụ - đặc biệt là ngành du lịch - sẽ quyết định cho tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.
"Tới cuối năm 2021, chúng tôi nghĩ rằng GDP Việt Nam sẽ chỉ thấp hơn 1,5% so với trường hợp không có dịch COVID-19. Đây là tỉ lệ cách biệt thấp nhất khu vực. Ngành du lịch sẽ tiếp tục gặp nhiều trở ngại trước khi hồi phục hoàn toàn, và đó là lí do có cách biệt về tăng trưởng như dự đoán," nhóm chuyên gia kinh tế cho hay.
Tất Đạt
Doanh nghiệp tiếp thị