Đến từ một quốc gia nhỏ bé của châu Âu với dân số chỉ xấp xỉ bảy triệu người, tôi đã quen với việc người ta làm mặt lúng túng mỗi khi nghe tên của quê tôi. Người thì nhầm lẫn Serbia với Xibia (Siberia), vùng đất Nga nằm ở bộ phận Bắc Á, người thì tưởng Serbia là Syria, đất nước Trung Đông bị nội chiến tàn phá.
Không riêng với người Việt, tên Serbia khiến nhiều người trên thế giới bối rối vì đất nước đã thay đổi tên ba lần trong ba thập kỷ qua: khi Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư tan rã năm 1992, Serbia và Montenegro thành lập Cộng hòa Liên bang Nam Tư, nhưng để xóa bỏ tên ''Nam Tư'' đầy kỷ niệm buồn về nội chiến, đất nước đổi tên thành Liên bang Serbia và Montenegro vào năm 2003.
Một cô gái Serbia mặc trang phục truyền thống |
Nhưng khi Montengro tuyên bố độc lập năm 2006, đất nước lại đổi tên thành Cộng hòa Serbia. Ngày nay, tôi thi thoảng vẫn nói mình đến từ Nam Tư cũ khi nói chuyện với những người lớn tuổi hơn vì họ vẫn giữ kỷ niệm về Tổng thống Tito và Nam Tư, một trong những quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu thời Chiến tranh Lạnh.
Mặc dù trông bé nhỏ trên bản đồ thế giới, Serbia vẫn được biết đến vì một số đặc điểm. Chẳng hạn, nó được coi là xứ sở của các ngôi sao thể thao, từ Novak Djokovic, tay vợt hiện được xếp hạng số 1 thế giới đến những cầu thủ bóng đá nổi tiếng như Nemanja Vidic hay Nemanja Matic. Đội tuyển bóng rổ của Serbia từng giành hai chức vô địch thế giới, đội tuyển bóng nước từng giành ba chức vô địch thế giới, và vân vân. Ngoài các thành tích thể thao, người Serbia còn hãnh diện về một một số danh nhân như Nikola Tesla, một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất lịch sử loài người hay Emir Kusturica, đạo diễn phim có tiếng tăm quốc tế đã hai lần giành Cành Cọ Vàng, giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Cannes.
Vì những lý do chính trị - lịch sử, nhiều người Serbia đã di cư sang nước ngoài và hiện tại cộng đồng Serbia ở hải ngoại gần bằng dân số người dân trong nước. Một số người có tầm vóc quốc tế như Nick Vujicic, nhà diễn thuyết truyền động lực không có tứ chi, hay Mila Jovovic, nữ diễn viên Hollywood, cũng có gốc Serbia. Thực ra, họ của người gốc Nam Tư dễ nhận biết vì hay kết thúc bằng chữ ''i'' (được dịch như là ''con trái/con gái của'').
Đồ thịt nướng là ẩm thực yêu thích ở Serbia |
Serbia chưa thu hút nhiều du khách quốc tế, nhưng nói tổng quát thì người nước ngoài hứng thú với Serbia. Trong mắt họ, Serbia là vùng đất lạ kỳ đầy sự bất ngờ và sức sống, nơi vẫn chưa phát triển hay trật tự như Tây Âu, vẫn chưa mất đi sự hồn nhiên và sống động. Người nước ngoài thấy ngạc nhiên vì các phố đi bộ và quán cà phê ngoài trời ở Serbia lúc nào cũng tấp nập, đông người như thể là ngày lễ.
Người Serbia là một dân tộc cực kỳ cởi mở và hòa đồng, thích giao du và gắn kết với nhau, thích ngày đêm ngồi la cà cùng bạn bè và trò chuyện, bàn bạc, tranh luận. Thủ đô Belgrade không có kiến trúc cổ kính, tráng lệ như các thành phố của Tây Âu nhưng nó hay được mệnh danh là một trong những thủ phủ ăn chơi về đêm của châu Âu với vô vàn quán bar và hộp đêm nhộn nhịp, nóng bỏng. Belgrade là một thành phố đầy năng lượng, trẻ trung và sáng tạo với cộng đồng nghệ sĩ và nhạc sĩ phát triển mạnh mẽ.
Âm nhạc kèn đồng truyền thống của người Serbia |
Người Serbia có dòng máu Slav, có nghĩa là họ thuộc dạng người say mê và giàu tình cảm, có khuynh hướng suy nghĩ bằng trái tim và và ứng xử một cách thiên vị, thái quá. Họ thích sống trong hiện tại, sống một cách ngẫu hứng và phóng túng, tận hưởng mỗi giây phút. Người Serbia cũng rất mến khách nói chung và mê người nước ngoài nói riêng, họ thích kết bạn với họ, chiều lòng họ, mời họ vào nhà ở, nấu ăn cho họ. Nói chung người Serbia phàm ăn, thích ăn thịt nướng, bánh mì, salad rau trộn và uống cà phê đặc, rượu mận rakija. Do vị trí địa lý đặc trưng giữa Đông và Tây, ẩm thực Serbia đã chịu sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, trong đó nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã cai trị khu vực này trong nhiều thế kỷ dưới đế chế Ottoman.
Nhưng dưới lớp vỏ bề mặt vui tính tươi tắn của người Serbia, trên thực tế họ vô cùng phức tạp, đầy mâu thuẫn và nghịch lý. Cũng do vị trí thuận lợi ở ngã tư Âu - Á, lịch sử Serbia đầy những chiến tranh và ách chiếm đóng. Dưới sự cai trị của đế chế Ottoman, Vương quốc Serbia trung cổ thịnh vượng bị suy biến thành một nước chư hầu lạc hậu và nghèo khổ. Ở Nis, quê nhà của tôi, vẫn có một di tích kỳ dị, rùng rợn tiêu biểu cho sự ác độc Ottoman: ngọn Tháp sọ được xây dựng bằng 952 hộp sọ của liệt sĩ Serbia nhằm làm cảnh báo cho những kẻ nổi dậy tương lai. Ở đầu thế kỷ 20, khi mới giành độc lập khỏi đế chế Ottoman, Serbia phải gồng mình gánh hai cuộc thế chiến (còn không nên quên rằng Chiến tranh thế giới thứ nhất được châm ngòi do chính người Serbia Gavrilo Princip bằng hành động ám sát Thái tử Áo-Hung...).
Ở thập kỷ cuối của thế kỷ qua, sự sụp đổ của Nam Tư đã kéo một loạt nội chiến ở Bosnia, Croatia và Kosovo (đánh dấu trận chiến đẫm máu nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai), kèm với vụ đánh bom của NATO năm 1999 mà bản thân tôi cũng trực tiếp trải qua. Thời kỳ đổ máu chỉ mới kết thúc khi năm 2000 khoảng một triệu người dân Serbia xuống đường biểu tình phản đối gian lận bầu cử và làm lật đổ tổng thống khét tiếng Milosevic, sự kiện thường được nhắc đến như cuộc cách mạng dân chủ cuối cùng của châu Âu.
Các biến cố lịch sử đã làm cho dân tộc Serbia trở thành con người bản lĩnh, tháo vát, nhanh nhẹn. Nhưng đồng thời, chúng đã gieo trong chúng tôi thái độ hoài nghi và bi quan về thế giới. Bị liên tục áp bức và bóc lột bởi kẻ thù, bị phản bội, lừa dối bởi đồng bào, người Serbia trở nên cay đắng và vỡ mộng, có khuynh hướng nghi ngờ mọi hành động nhân từ, luôn tỏ ra mình là nạn nhân của các ngoại lực và các mưu mô địa chính trị của bọn cường quốc, luôn đổ lỗi cho các bất công trong lịch sử để bào chữa cho sự trì trệ, suy đồi của chính mình. Nhiều người Serbia vẫn bị mắc kẹt trong quá khứ và mù lòa với thực tế hiện tại, vẫn cảm thấy mình oan ức.
Sau gần một thập niên sống ở nước ngoài, giờ tôi có thể nhìn nhận quê hương và đồng bào một cách khách quan, thực tế hơn, và tôi dần tạo khoảng cách với xu hướng thiên vị, vị kỷ của họ. Tôi ước gì họ cũng có cơ hội để trải nghiệm thế giới để mở rộng tầm nhìn và điều chỉnh nhận thức về chính bản thân mình. Bởi đó là một trong những lợi ích hàng đầu của việc lữ hành và xúc tiếp với những nền văn hóa mới: là soi gương và tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của chính mình.
Khi tôi quan sát, so sánh hai dân tộc Serbia và Việt Nam, tôi thấy một số điểm tương đồng: cả hai dân tộc đều có chất dễ gần và vui tính, coi trọng sự gắn kết với cộng đồng, mê sắc đẹp và thích phô trương. Nhưng một điểm mà người Serbia có thể học ở người Việt là sự đoàn kết toàn dân tộc. Bởi người Serbia chưa bao giờ bị rạn nứt, bất hòa, chia rẽ như bây giờ. Ở quy mô cá nhân, họ rất khéo léo, thông minh, nhưng khi phải làm cùng nhau thì họ dễ trở nên trái ngược nhau, dễ làm nảy ra những xung đột, chia rẽ. Có lẽ đội tuyển bóng đá quốc gia Serbia tiêu biểu cho tình trạng này, một đội đầy những ngôi sao quốc tế nhưng liên tục gây thất vọng và đạt những kết quả tầm thường ở các giải thi đấu quốc tế.
Tôi đã quen việc xa quê hương ở Việt Nam, nơi gần như chưa có cộng đồng người Serbia và nơi mà đại sứ quán Serbia gần nhất nằm ở Indonesia, cách thủ đô Hà Nội hàng nghìn kilômét. Tôi không nói ngoa khi khẳng định rằng Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, nơi mà tôi đã hội nhập về mặt văn hóa, ngôn ngữ, nghề nghiệp và tinh thần. Khi ngẫm lại, tôi không cảm thấy tiếc nuối vì đã vĩnh viễn rời quê hương. Nhưng một cảm giác đau xót, u sầu vẫn còn lại đâu đó trong đáy lòng, một ký ức về sự cắt đứt và tan vỡ.
Nhà văn Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt)Xem thêm: /116826-hnim-euq-ial-ios-ioig-eht-aR/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna