Hàng trăm người dân đang đứng chỉ trỏ, bàn tán, nhìn đoàn khám nghiệm với vẻ dò xét thiếu thiện cảm. Lúc kết thúc công việc đi ngang qua đám đông, chợt có tiếng nói đập vào tai chúng tôi: "Đáng đời thằng ăn trộm, điều tra làm cái gì, mất thời gian!".
Ký ức từ vụ án đánh chết trộm
Cuộc điều tra thất bại ấy vẫn luôn ám ảnh tôi, dù đã nhiều năm trôi qua. Là người chịu trách nhiệm thư ký chuyên án, tổng hợp kết quả và vạch phương hướng điều tra, nên mọi diễn biến trong công tác truy xét thủ phạm gây ra vụ án ấy, đã hằn vào đầu tôi.
Xác định tính chất phức tạp của vụ án, lãnh đạo cơ quan điều tra đã huy động một lực lượng hùng hậu xuống hiện trường. Trong lúc các điều tra viên cùng kỹ thuật hình sự tiến hành hoạt động khám nghiệm hiện trường, tử thi, thì các trinh sát hình sự toả đi nắm tin tức trong dân. Cuối ngày, chúng tôi tổ chức họp án ngay hội trường thôn. Nguyên nhân chết của nạn nhân B. được xác định là do vỡ hộp sọ cùng đa chấn thương gây ra bởi vật tày, cứng.
Các đối tượng trộm cắp bị người dân bắt giữ, đánh đập |
Điều này phù hợp với "đống" vật chứng gồm gạch đá, gậy gộc…vất ngay tại hiện trường. Tuy nhiên khó khăn lớn đã xuất hiện. Đó là hiện trường vụ án đã xáo trộn hoàn toàn do tác động của con người, đồng thời không thu được những dấu vết, vật chứng giúp truy nguyên thủ phạm. Tổ nắm tình hình báo cáo về, B. là đối tượng nghiện ma tuý, không nghề nghiệp, sinh sống bằng "nghề" trộm cắp vặt. Dân trong làng nuôi được con chó, con gà…cứ sơ sảy ra là mất.
Vì chưa "bắt tận tay, day tận trán" nên không làm gì được anh ta, nhưng nỗi ngờ vực ngày càng lớn, đến mức có tin rằng dân làng đã cắt cử lực lượng thâu đêm rình rập, theo dõi hành tung của B. "Đi đêm lắm có ngày gặp ma", rất có thể B. đã chạm trán với nhóm người này khi đột nhập vào nhà dân bắt trộm gà, rồi xảy ra cuộc rượt đuổi, truy sát từ trong làng ra cánh đồng đêm ấy. Hậu quả là B. bị đánh nhừ tử bằng gậy gộc, gạch đá để xả nỗi uất hận, dẫn đến tử vong tại chỗ. Số gà trong bao tải được "trưng bày" cạnh xác nạn nhân đã nói lên tính chất của vụ án này...
Bạo lực "vô pháp, vô thiên"
Những năm gần đây, tình trạng người dân "tự xử" - (dùng bạo lực để giải quyết các sự cố, mâu thuẫn) diễn ra rất phức tạp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Mới đây nhất là vụ một nhóm "anh em xã hội" đã tìm đánh Lê Tấn Thành - kẻ hành hung nữ sinh lớp 10 sau va chạm giao thông tại tỉnh Bình Dương. Hay là vụ hàng trăm người đã kéo đến phòng tập gym ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh để "hỏi tội" Duy Nguyễn - người có phát ngôn phản cảm về tang lễ cố nghệ sỹ Chí Tài trên mạng xã hội…
"Việc người dân chủ động, tích cực tham gia vào việc giải quyết các sự cố xảy ra trong đời sống là điều đáng biểu dương, thể hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội. Tuy nhiên việc can thiệp đó phải đúng luật, chứ không được hành xử tuỳ tiện, nhất là sử dụng bạo lực bất hợp pháp. Không thể dùng hành vi phạm pháp để xử lý một hành vi phạm pháp khác. Đồng thời, không ai được tự cho mình cái quyền phán xử và quyết định số phận người khác, vì đó là công việc của Toà án. Mọi việc nhất nhất phải được giải quyết thông qua con đường pháp luật", Thượng tá Ngô Minh An (nguyên Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an TP Hà Nội) bình luận.
Theo ông, tình trạng "tự xử" trong dân phản ánh xu hướng bạo lực trong ứng xử xã hội, là kết quả hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do nhận thức pháp luật, ý thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, yếu kém.
Với cách tiếp cận khác, luật sư Liêu Chí Trung nhìn nhận hiện tượng này là kết quả của sự suy thoái về văn hoá, đạo đức xã hội. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng trong xã hội.
Làm gì để "thượng tôn pháp luật"?
Để ngăn chặn tình trạng người dân "tự xử", theo Thượng tá Ngô Minh An cần phải bắt đầu từ việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Ông An cho rằng khi nhận thức pháp luật của người dân được nâng cao, hiểu rõ những điều pháp luật cấm cũng như những hậu quả pháp lý mà họ có thể phải gánh chịu nếu vi phạm, người ta sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đòi hỏi của pháp luật, đồng thời biết tham gia như thế nào là đúng luật, không vượt quá phạm vi, thẩm quyền… khi tham gia giải quyết các vấn đề, sự việc xảy ra trong đời sống.
Bắt giữ đối tượng trộm cắp |
"Một mặt, vừa khuyến khích người dân chủ động, tự giác tham gia vào việc giải quyết, giúp cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề, sự việc xảy ra trong xã hội, mặt khác phải tuyên truyền để họ hiểu tham gia như thế nào để không vượt quá "vạch vôi" mà pháp luật quy định", ông An nói.
Cùng bàn luận về vấn đề này, Trung tá Lê Minh Hải - (Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội) cho rằng việc xử lý nghiêm minh những người dân có hành vi thái quá, vi phạm pháp luật khi tham gia giải quyết các sự việc xảy ra trong đời sống, sẽ có tác dụng răn đe sâu sắc. Về nguyên tắc sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Chẳng hạn như việc đánh chết trộm, người phạm tội bị xử lý về tội giết người. Thông qua việc xử lý tội phạm, thấy người khác phải gánh chịu hình phạt bởi hành vi tự phát, vượt quá, mỗi người tự rút ra bài học cho mình để không phạm phải sai lầm tương tự. Đây chính là tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung của hình phạt.
Đào Trung HiếuXem thêm: /332926-nohk-tam-naig-ac-iv-gnuD/gneit-ion-na-uV/nv.moc.dnac.gtna