Trong văn học Nga, người ta thường so sánh ông với nhà thơ nổi tiếng, ca sĩ đồng quê Sergey Esenin. Cuộc đời của họ ngắn ngủi và bi kịch như nhau. Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Nikolay Rubtsov (3/1/1936-3/1/2021), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một vài nét về cuộc đời và thơ ca của ông.
Bài thơ đầu tiên được phổ nhạc
Năm 1987, ca khúc "Tôi sẽ đạp xe dài dài” của nhạc sĩ Aleksandr Barykin vang lên trên Đài truyền hình Liên Xô, ngay lập tức trở nên phổ biến, được mọi người nhớ và yêu thích. Nhưng ít ai biết rằng nó được nhạc sĩ Barykin phổ thơ của nhà thơ Nikolay Rubtsov.
Được sáng tác khi mới bắt đầu sự nghiệp thơ ca của mình, bài thơ này không thể gọi là tấm danh thiếp của Nikolay Rubtsov. Với tư cách một nhà thơ, ông trở nên nổi tiếng với các tác phẩm khác. Tuy nhiên, ca khúc “Tôi sẽ đạp xe dài dài” được khán giả ở mọi lứa tuổi mến mộ.
Nhà thơ Nga Nikolay Rubtsov. |
Trong tuyển tập “Những bụi mã đề”, bài thơ có tên là "Bó hoa". Lần đầu tiên nó được công bố vào năm 1958 trên tờ "Người thanh niên cực Bắc". Tác giả lúc đó mới 22 tuổi. Nhiều sự kiện bi đát đã xảy ra trong cuộc đời Nikolay Rubtsov.
Ngay từ thuở ấu thơ, số phận đã giáng cho ông những đòn đau. Tháng 1 năm 1941, gia đình ông chuyển đến thành phố Vologda. Đầu năm 1942, bố của nhà thơ tương lai ra mặt trận. Tháng 7 năm 1942, mẹ ông qua đời. Các anh chị lớn tuổi được những người thân nhận về nuôi, còn Nikolay phải vào trại mồ côi. Trước mắt cậu bé là tuổi thơ đói khát và cuộc chiến tranh tàn khốc.
Bị bố bỏ mặc trong trại mồ côi
Trở về từ mặt trận, bố của nhà thơ tương lai kết hôn lần thứ hai, sinh được hai người con, và bỏ mặc những đứa con từ cuộc hôn nhân đầu tiên của mình. Ông không đưa con trai út Nikolay ra khỏi trại mồ côi. Năm 1955, sau 15 năm xa cách, Nikolay tự tìm thấy bố mình. Cuộc gặp gỡ này chỉ mang lại cho ông thất vọng cay đắng.
Ở trại mồ côi, Nikolay Rubtsov là một học sinh tài năng. Học xong lớp bảy, năm 1950, ông vào học trường trung cấp lâm nghiệp, sau đó, ông quyết định thực hiện ước mơ về biển từ lâu của mình. Ông đến Biển Trắng và làm thợ đốt lò trên tàu quét mìn "Arkhangelsk".
Sau đó, ông tham gia nghĩa vụ quân sự tại Hạm đội Phương Bắc. Chính ở đây xuất hiện bài thơ "Tôi sẽ đi xe đạp dài dài". Không lâu trước khi nhập ngũ, Nikolay phải lòng một cô gái tên là Taisya, nhưng bị nàng từ chối. Người ta cho rằng Taisya chính là cô gái đã truyền cảm hứng cho chàng thi sĩ sáng tác bài thơ "Bó hoa".
Xuất ngũ, Nikolay Rubtsov đến Leningrad (nay là Saint – Petersburg) làm công nhân tại nhà máy mang tên Kirov. Trong một bức thư, ông bộc bạch: “Mình sống cô độc, không xúc động, không niềm vui đặc biệt, không cả nỗi buồn. Mình đang già đi từng chút một, mà không biết sống để làm gì".
Những suy tư này không phải là vô cớ. Vốn là người có tài năng văn học, Nikolay Rubtsov quyết định học thêm để trở thành nhà thơ chuyên nghiệp. Ông vào học tại chức lớp 9 của trường thanh niên công nhân. Năm 1962 đánh dấu một bước ngoặt đối với nhà thơ tương lai – Nikolay Rubtsov xuất bản tập thơ đầu tay của mình “Sóng và những tảng đá”, đồng thời thi đỗ vào Trường Viết văn mang tên M. Gorky ở Moskva.
Cuộc đời sinh viên báo trước những thử thách nặng nề đối với Nikolay Rubtsov. Không, vấn đề hoàn toàn không phải do kết quả học tập. Ông học giỏi, thơ ông được đăng trên các báo và tạp chí. Nguyên nhân chính thức là ông bị quy kết tội gây ẩu đả.
Tại một buổi diễn thuyết về thơ ca Xô viết ở trụ sở Hội Nhà văn, khi liệt kê các nhà thơ nổi tiếng, diễn giả không nhắc đến Sergey Esenin vốn là người mà Nikolay Rubtsov hâm mộ. Không giữ được bình tĩnh, Rubtsov quát to: "Thế Esenin ở đâu?". Người phụ trách yêu cầu nhà thơ trẻ rời khán phòng, nhưng anh đã chống lại.
Trong biên bản, hành động này được gọi là “gây ẩu đả” và trở thành lý do đuổi học. May mắn thay, trong số các giảng viên của trường có những người hiểu rõ tầm cỡ tài năng của Nikolay Rubtsov.
“Ngọn lửa Nga”
Lần khác, Nikolay Rubtsov nhận được giấy triệu tập của công an. Số là hôm đó, vừa lĩnh nhuận bút thơ, Nikolay quyết định bắt taxi. Đến nơi, vì không có tiền lẻ, nhà thơ đưa tờ giấy bạc có mệnh giá lớn cho tài xế taxi, nhưng anh ta không chịu trả lại tiền thừa. Rubtsov quyết không xuống xe và yêu cầu đưa ông đến đồn công an gần nhất.
Gã tài xế gian xảo chở Rubtsov đến đồn công an và nói: "Anh ta không muốn trả tiền taxi". Một thông báo từ đồn công an đủ để hủy hoại cuộc đời sinh viên lần nữa. Nikolay Rubtsov được chuyển sang khoa tại chức và trở về quê hương Vologda.
Những tháng hè năm 1964 ông sống ở làng Nikolskoye được các nhà sử học gọi là "mùa thu Boldino" của Nikolay Rubtsov. Cùng năm đó, chùm thơ lớn đầu tiên của ông xuất hiện trên tạp chí "dày" "Tháng Mười", ở thủ đô, với những bài thơ: "Ngôi sao đồng nội" (tặng Vladimir Sokolov), "Chạy lên đồi và rơi xuống cỏ", "Quê hương yên bình của tôi" , "Tưởng nhớ mẹ", "Gặp con ngựa trong bụi cây", "Philya hiền lành" và bài thơ “Ngọn lửa Nga” nổi tiếng, kết thúc bằng những dòng thơ sau:
Xin cảm ơn ngọn lửa Nga bình dị,
Vì người mang sâu nặng nỗi đau đời
Luôn rực cháy cho những ai lạc lối
Giữa đồng hoang, không bạn không bè
Vì người với niềm tin son sắt
Giữa bao nhiêu loạn lạc bất yên
Cứ mãi cháy, cháy sáng lòng nhân hậu
Giữa sương mù, cháy suốt, cháy thâu đêm...
Những năm tiếp theo, Nikolay Rubtsov công bố các tác phẩm mới trên tạp chí "Tuổi trẻ" và "Ngọn cờ" ở Moskva. Trong thơ ông thời kỳ này xuất hiện mô típ Kinh thánh và triết học. Tuyển tập "Ngôi sao đồng nội" đã khiến Nikolay Rubtsov trở nên nổi tiếng. Nhưng điều đó không tác động đến đời sống của ông.
Nikolay được phân chỗ ở trong một ký túc xá ở Vologda. Nhưng trong phòng còn có hai người nữa. Ông không thể làm việc ở đó. Tuy nhiên, là người lớn lên trong trại trẻ mồ côi và đã từng thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Hạm đội Phương Bắc, Nikolay Rubisov không lạ gì khó khăn.
Ông tiếp tục sáng tác những bài thơ mới và tốt nghiệp Trường Viết văn, trở thành nhà thơ nổi tiếng. Nikolay Rubtsov được kết nạp vào Hội Nhà văn Liên Xô. Vấn đề nhà ở đang được cải thiện. Ông được cấp căn hộ nhỏ một phòng ở Vologda. Giá như ông biết rằng ông sẽ chết trong chính căn phòng này...
Biết trước cái chết của mình
Nikolay Rubtsov chết một cách bi thảm vào đêm 19 tháng 1 năm 1971, ở tuổi 35. Theo hồ sơ vụ án hình sự, xung đột xảy ra giữa ông và người vợ chưa cưới Lyudmila Derbina (Granovskaya). Cuộc điều tra xác định rằng nhà thơ chết vì bị bóp cổ. Lần đầu tiên, Derbina nhìn thấy Rubtsov tại ký túc xá của Trường Viết văn. Lúc bấy giờ, Rubtsov khoác một chiếc áo bành tô tồi tàn, không được cô chú ý.
Tuy nhiên, khi những bài thơ của ông bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí “dày”, các tập thơ của ông được xuất bản, và trong giới văn học, người ta bắt đầu nói về ông, thì nhà thơ lọt vào tầm ngắm của Luydmila. Bảo rằng mình cũng làm thơ, cô đến gặp ông xin lời khuyên.
Mối quan hệ của họ phát triển nhanh chóng và sóng gió. Khi Nikolay Rubtsov được phân nhà, họ quyết định kết hôn. Ông đề nghị Lyudmila đăng ký hộ khẩu tại địa chỉ nhà mình, mà không cần chờ đăng ký kết hôn. Vào cái ngày bi thảm 18 tháng Giêng, trước khi án mạng xảy ra, họ đi giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, vợ chưa cưới của nhà thơ chỉ được đăng ký hộ khẩu với đứa con từ cuộc hôn nhân trước. Trong khi đó, diện tích căn phòng của Nikolay Rubtsov hẹp đến mức luật cấm đăng ký thêm hai người. Và họ bị từ chối. Vụ án được xét xử kín và sau đó hoàn toàn được giữ bí mật. Người ta đồn rằng thậm chí nó đã biến mất khỏi kho lưu trữ.
Điều này cho phép Derbina, sau khi ra tù theo lệnh ân xá (cô ngồi tù chưa đầy 6 năm), đưa ra giả thuyết của mình. Một cuốn hồi ký của cô đã được xuất bản. Cô đã tổ chức những buổi ra mắt cuốn sách. Nhiều lần cô được giới thiệu là góa phụ của nhà thơ.
Nhưng năm 2005, một người đồng hương của Nikolay Rubtsov ở Vologda đã xuất bản một cuốn sách giật gân về vụ án Derbina.Trong đó có những lời khai của Derbina về việc cô đã bóp cổ Rubtsov.
Điều đáng ngạc nhiên là Nikolay Rubtsov dự đoán chính xác ngày mất của mình. Ông viết: "Tôi sẽ chết vào đêm rửa tội giá băng...". Ông qua đời vào đêm 18 rạng ngày 19 tháng Giêng, đúng vào ngày lễ rửa tội. Nhà văn Viktor Astafyev nói rằng Nikolay Rubtsov là nhà thơ "được phái đến để ngợi ca mảnh đất của mình, thiên nhiên Nga và con người Nga khiếp nhược bị thời đại xua đuổi...".
Trên bia trên mộ của Nikolay Rubtsov có khắc câu thơ nổi tiếng của ông: “Hỡi nước Nga! Hãy giữ mình, giữ mình!".
Trần Hậu (Tổng hợp)Xem thêm: /421926-hnem-uey-gnan-iat-is-iht-vostbuR-yalokiN/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv