Điều tra thông tin giả về việc phong tỏa Hà Nội do Covid-19
Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Tin giả (fake news) về việc Hà Nội sắp phong tỏa xuất hiện trong một nhóm chat trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang. Hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, đề nghị cộng đồng mạng không lan truyền, chia sẻ tin giả này.
Tin phong tỏa Hà Nội do Covid-19 là tin giả mạo hoàn toàn. Ảnh: VAFC |
Ngày 29-1, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (thuộc Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát hiện tin giả về việc phong tỏa Hà Nội.
Theo VAFC, qua rà quét không gian mạng, đơn vị này phát hiện thông tin: “24h đêm mai phong tỏa Hà Nội…” xuất hiện trên mạng xã hội. Qua kiểm tra, VAFC khẳng định đây là tin giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội. VAFC cho hay sẽ chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. VAFC cũng đề nghị cộng đồng mạng không lan truyền, chia sẻ tin giả này.
Cũng trong ngày 29-1,VAFC cho hay thông tin “Khẩu trang tái chế nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam nghi có chứa Covid” cũng là tin giả mạo.
Theo đó ngày 5-8-2020 tài khoản mạng xã hội Facebook tên “Huy Hung” đã đăng tải bài viết với nội dung: “Khẩu trang tái chế nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam nghi có chứa covid. Bà con cẩn thận khi mua”. Tuy nhiên, các hình ảnh trên được lấy từ bài viết “Hình ảnh cửu vạn nườm nượp cõng hàng lậu vượt biên trái phép” của Báo Lao động điện tử (đăng ngày 16-1-2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19). Đến nay cơ quan chức năng chưa có kết luận nào về việc khẩu trang tái chế, nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam có chứa covid. Thông tin trên đã có hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, gây hoang mang trong dư luận.
Tin giả "hát karaoke tay vịn" lan truyền trong ngày 28-1. Ảnh: VAFC |
Trước đó vào ngày 28-1, VAFC cũng cho hay trong ngày trên mạng xã hội lan truyền một văn bản kê khai thông tin về lịch trình của một người được cho là nhiễm Covid-19 tên là Phạm Anh Tuấn ở Quảng Ninh, trong đó đáng chú ý là nội dung bệnh nhân khai đi hát karaoke “tay vịn”.
Theo thông tin từ đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua rà soát, tỉnh có 1 trường hợp tên P.A.T ở TP Cẩm Phả thuộc diện F1 hiện đang được cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh. Anh T đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1. Nội dung tờ khai trên không phải do anh T hay cơ quan chức năng địa phương phát hành mà do các đối tượng xấu tự biên, đăng tải.
Qua các vụ việc này Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam đề nghị cộng đồng cần cẩn trọng khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin không chính thức, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng chống dịch bệnh.
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang www.tingia.gov.vn. Bên cạnh đó chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả (nếu có) để cảnh báo người dân không chia sẻ. Hướng dẫn cách nhận biết, phòng, tránh đối phó với tin giả. Trang www.tingia.gov.vn có bốn chuyên mục là: Tiếp nhận tin phản ánh; Công bố tin giả; Thống kê tin giả; Tin tức. |
Xem thêm: lmth.91-divoc-od-ion-ah-aot-gnohp-ceiv-ev-aig-nit-gnoht-art-ueid/292313/nv.semitnogiaseht.www