Chiều muộn 29-1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Điều động 60 giáo sư, chuyên gia và hơn 1.200 nhân viên y tế hỗ trợ Hải Dương
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ này đã hỗ trợ tối đa cho Hải Dương để khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể, đảm bảo có Tết an lành cho nhân dân.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: XĐ
Bộ điều động lực lượng rất lớn, với 1.200 nhân viên y tế, trong đó có cả học sinh, sinh viên trường Y cùng 60 giáo sư, chuyên gia xuống Hải Dương để thiết lập hệ thống điều trị.
TP Chí Linh được phong tỏa, ngăn chặn lây nhiễm, ngăn lan ra vùng khác; việc lấy mẫu được triển khai trên diện rất rộng.
Theo ông Long, do tình hình, cơ sở điều trị Hải Dương không đáp ứng yêu cầu nên Bộ Y tế đã chỉ đạo thành lập 3 bệnh viện dã chiến. Trong đó, bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế huyện Chí Linh chiều nay đã xong, thực hiện tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị.
“Tình hình dịch ở Hải Dương có thể xuất hiện thêm các ca bệnh, nhất là công ty Poyun. Tại đây phát hiện 127 ca dương tính và có thể có thêm ở công nhân mắc bệnh. Đây có thể là tâm dịch của Hải Dương"- ông Long dự báo.
Từ thực tế này, lãnh đạo ngành y tế kiến nghị tất cả tỉnh, thành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt là Chỉ thị 05 vừa được ban hành. Chỉ thị này yêu cầu thực hiện nhiều biện pháp rất mạnh, phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh, cách ly 21 ngày thay vì 14 ngày như trước.
Tới đây, các trường hợp đều kéo dài 21 ngày vì lo ngại virus đã biến chủng.
Với Hải Dương, Bộ Y tế kiến nghị cách ly triệt để F1, giống như Đà Nẵng cách ly càng nhanh F1 thì càng kiểm soát nhanh dịch.
“Làm càng nhanh, càng kiểm soát tốt”- ông Long nhấn mạnh và lưu ý dù đã phong tỏa TP Chí Linh nhưng phải phong tỏa chặt chẽ hơn ở các phường Cộng Hòa, Hoàng Tiến, Lê Lợi, Văn Đức, Bắc An và Sao Đỏ.
Ông Long cũng kiến nghị cần lấy mẫu với diện rộng hơn nơi có bệnh nhân sinh sống và đề nghị tỉnh Hải Dương ngay ngày mai tăng công suất xét nghiệm. Hiện toàn bộ các mẫu xét nghiệm từ Hải Dương phải chuyển về các bệnh viện của Hà Nội để xét nghiệm nên mất nhiều thời gian.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã cho điều động và ngày mai (30-1), 25 máy xét nghiệm sẽ về đến Hải Dương, nâng công suất xét nghiệm lên khoảng 50.000 mẫu mỗi ngày, đáp ứng được yêu cầu nhanh.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã điều động một nhóm chuyên gia của CDC Đà Nẵng ra hỗ trợ cùng Hải Dương thiết lập khu vực xét nghiệm.
Với các địa phương khác, Bộ trưởng Y tế đánh giá Quảng Ninh, Hải Phòng kích hoạt phòng chống dịch rất tốt. Hà Nội có thể xuất hiện thêm một số ca rải rác, Bộ đã trao đổi và đề nghị mở rộng các ca xét nghiệm ở một số khu vực, sân bay Nội Bài cũng phải xét nghiệm toàn bộ nhân viên.
Cấp phép khẩn cấp cho vaccine phòng Covid-19 của Anh
Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nga… Bộ Y tế đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ, đặc biệt trong việc thử nghiệm các loại vaccine này khi về Việt Nam.
Ông cho biết thêm, công ty ở Anh cam kết bán cho Việt Nam nhưng chia thành các quý khác nhau. Trong khi đó, Châu Âu đang có xu hướng cấm xuất khẩu vaccine cho các nước bên ngoài nếu khu vực bên trong còn thiếu.
Còn vaccine do Việt Nam sáng chế đã thử nghiệm trong nước nhưng bắt buộc phải thử nghiệm ở các nước khác, đặc biệt là ở các nước có dịch để đánh giá được hiệu quả. Bộ Y tế dự kiến lựa chọn Ấn Độ, Indonesia để thực hiện việc này.
“Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tự nghiên cứu vaccine. Quan điểm của Bộ Y tế là thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng làm sao người dân có vaccine sớm nhất. Trong quý I, chúng tôi dự kiến sẽ có những liều vaccine đầu tiên để tiêm cho các đối tượng theo đúng báo cáo của Bộ Y tế với Chính phủ”- Bộ trưởng Y tế khẳng định.