vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành du lịch lại tiếp tục khủng hoảng vì du khách đòi hoàn tiền

2021-01-29 23:16

Ngành du lịch lại tiếp tục khủng hoảng vì du khách đòi hoàn tiền

Đào Loan

(TBKTSG Online) - Doanh nghiệp du lịch lại bước vào vòng xoáy hoãn, hủy dịch vụ do bùng phát dịch trong cộng đồng. Đến chiều nay (29-1), đa số tour đi phía Bắc đã hủy, tour và sự kiện ở các điểm đến khác cũng bị ảnh hưởng nhiều. Doanh nghiệp lại đau đầu vì nhiều khách yêu cầu hoàn tiền thay vì nhận phiếu dịch vụ.

Tàu du lịch nằm bờ ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đào Loan

Lụi tàn hy vọng kinh doanh mùa Tết

"Đội tàu ở Hạ Long chỉ mới hoạt động trở lại được chừng 10% thì giờ bằng không (0)", ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings chia sẻ. Ông cho biết đang chờ thêm thông tin về tình trạng hủy, hoãn dịch vụ của các cơ sở dịch vụ tại các điểm đến khác, trong đó, có khu nghỉ dưỡng (resort) ở Huế.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM cũng đang căng thẳng vì tình trạng hủy, hoãn tour. Khách hàng không những hủy tour đến phía Bắc mà còn yêu cầu hoãn, hủy tour đến các địa phương khác. Nhiều khách hàng là doanh nghiệp cũng yêu cầu hoãn sự kiện, chờ đến khi dịch được khống chế.

"Cứ vừa làm tour lại thì lại ồ ạt hủy, hoãn nên nhân viên chúng tôi cũng "nhát tay" luôn, không ai dám làm nữa", ông Nguyễn Thế Khải, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ nói với TBKTSG Online vào trưa nay (29-1), sau khi đã hủy toàn bộ dịch vụ cho 20 đoàn định đi du lịch phía Bắc vào dịp Tết Nguyên đán.

Cũng như nhiều công ty khác, tuy không đánh giá thị trường Tết sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng Hoàn Mỹ vẫn kỳ vọng sẽ có lượng khách kha khá, giúp công ty nhẹ thở hơn một chút sau một năm quá khó khăn nhưng thực tế đã ngược lại.

Theo ông Khải, nhà điều hành tour hiện vừa lo khách hủy tiếp tuyến miền Trung vừa phải giải quyết hậu quả của tình trạng hủy tour. Tuy du lịch bị tác động bởi dịch bệnh nhưng nhiều khách hàng không đồng ý nhận phiếu sử dụng dịch vụ cho lần sau mà yêu cầu hòan tiền.

Trong khi đó, rút kinh nghiệm từ 3 đợt bùng dịch trước, gồm đợt Tết Nguyên Đán 2000, đợt cuối tháng 7 ở Đà Nẵng và đợt dịch trong cộng đồng ở TPHCM hồi tháng 12 rồi, để giảm thiểu thiệt hại về tài chính, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ chấp thuận trả bằng phiếu sử dụng dịch vụ cho lần sau, không trả bằng tiền mặt.

Trong khi đó, một vài doanh nghiệp cho biết tình hình khác hơn một chút, là khách đi tour phía Bắc không hủy mà chỉ đổi và hoãn chuyến. Với các tuyến khác, khách vẫn đang theo dõi tình hình,

"Ở Tết này, chúng tôi không có tour ghé Vân Đồn, chỉ có đến Nội Bài rồi đi Hà Nội, Ninh Bình, Sa Pa, Mộc Châu. Hiện khách chưa hủy nhưng chúng tôi có các chính sách như nếu có thông báo giãn cách thì sẽ dời ngày hoặc điều chỉnh tour", bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nói.

Theo đó, năm nay tour Tết bán muộn, khách hàng cũng mua tour muộn hơn trước. Chỉ sau khi đợt dịch hồi đầu tháng 12 ở TPHCM được khống chế thì doanh nghiệp mới chính thức đẩy tour Tết. Nhiều khách hàng giữ chỗ nhưng mới chuyển tiền mua tour trong khoảng 2 tuần gần đây. Một số tuyến như Phú Quốc, Côn Đảo đang bán rất tốt, nhà tour chưa kịp mừng thì lại xảy ra dịch.

"Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình để kịp thời điều chỉnh", bà Trà nói.

Phục hồi, không biết đến bao giờ

Trả lời TBKTSG Online về việc, liệu thị trường sẽ chuyển biến tích cực hơn hay không nếu dịch được khống chế trước Tết, nhiều doanh nhân cho rằng, không có nhiều hy vọng vì hiện tại không thể biết chắc chắn tình hình để chuẩn bị. Thêm vào đó, nhiều khách hàng cũng không muốn đi chơi vì lo dịch có thể bùng phát.

Về ảnh hưởng của đợt bùng dịch lần này với du lịch, doanh nghiệp cho rằng, do lượng khách đi du lịch lần này không nhiều như đợt bùng dịch hồi cuối tháng 7 năm ngoái ở Đà Nẵng nên không quá căng thẳng để giải quyết tình trạng ứ khách hay căng thẳng tìm cách đưa khách về nhà. 

Tuy nhiên, tác động với du lịch lại rất trầm trọng, giống như một cơn lốc xoáy vào căn nhà đã xiêu vẹo sau nhiều cơn bão lớn, làm cho thời gian hồi phục của du lịch kéo dài hơn. Thậm chí, nhiều doanh nhân dự đoán, sẽ có sự chuyển đổi lớn về nhân sự sau Tết Nguyên Đán vì tương lai của du lịch càng mịt mờ hơn.

"Chúng tôi tính sẽ dựa vào thị trường nội địa để chờ đến khi mở cửa lại thị trường quốc tế vào cuối năm nay nhưng giờ thấy khó quá, có thể lại phải án binh bất động", ông Khải của Hoàn Mỹ nói.

Doanh nhân này cho biết, dù đã chuyển đổi sang nhiều dịch vụ cho du khách trong nước nhưng hiện mới chỉ có 30% nhân viên có thể đi làm lại.

Ông Ngô Minh Đức của HG Holdings cũng cho rằng, con đường phục hồi của du lịch sẽ chông chênh hơn sau đợt bùng dịch lần này. Khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực tiếp tục đè nặng và là những thách thức rất lớn để doanh nghiệp tồn tại, chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường.

"Có khi năm nay lại tệ hơn năm 2020 vì nhiều doanh nghiệp du lịch đã tê liệt ở những đợt trước, số còn có chút sức lực để hoạt động thì lại gặp phải biến cố", ông nói.

Theo đó, trước đây nhiều dự báo cho rằng du lịch có thể hồi phục trong vòng từ 2 năm rưỡi đến 4 năm nhưng với tình hình như hiện tại, chẳng ai dám đoán về thời điểm phục hồi. "Chỉ biết là sẽ còn rất xa", ông nói.

Mời đọc thêm:

Năm 2021: Doanh nghiệp du lịch tiếp tục 'ngóng' hỗ trợ thuế, phí

Xem thêm: lmth.neit-naoh-iod-hcahk-ud-iv-gnaoh-gnuhk-cut-peit-ial-hcil-ud-hnagn/772313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành du lịch lại tiếp tục khủng hoảng vì du khách đòi hoàn tiền”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools