Theo ông Nghĩa, ché rượu cần là một vật phẩm không thể thiếu của người dân tộc Cơ Tu trong dịp Tết. Rượu cần thường để mời mọi người trong dịp năm mới.
Là một trong những người “giữ lửa” nghề nấu rượu cần Cơ Tu ở thôn Phú Túc, ông Nghĩa tiết lộ khâu nguyên liệu là điều quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của rượu.
Theo đó, người làm rượu cần phải nắm được kiến thức căn bản như chọn nếp rẫy, men rượu phải được lấy từ những người uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nghề nấu rượu cần được ông Nghĩa gìn giữ và phát triển từ nhiều năm nay.
Cụ thể, nếp phải lấy từ khu vực huyện Tây Giang, huyện Đông Giang (Quảng Nam) và được ngâm trong khoảng 12 tiếng. Trấu không được nát và phải chọn rửa cho thật sạch, sau đó đem trấu trộn với nếp và đem đi hong chung.
“Tác dụng của trấu là sẽ tạo thuận lợi cho việc lên men rượu”, ông Nghĩa nói. Cuối cùng, đem nguyên liệu trải nguội, trộn men và ủ từ 12-24 giờ, tiếp đến bỏ vào ché ủ một thời gian là có thể dùng được.
Ông Nghĩa cho hay: “Thông thường, một nồi rượu có 15 kg gạo, 3 kg trấu và men. Để ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì mất khoảng 8 tiếng, sản phẩm thu được là 40 lít cho 10 ché rượu”
Những ché đựng rượu bằng gốm được gia đình ông Nghĩa mua từ Hà Nội với 2 loại ché 3 lít và 8 lít. Công việc nấu rượu diễn ra thường xuyên nên một năm ông nhập về khoảng 3.000 ché. Mỗi ché rượu hoàn chỉnh được bán ra thị trường có giá từ 200.000-500.000 đồng.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động buôn bán rượu cần của ông Nghĩa gặp nhiều khó khăn.
Tết Tân Sửu đã cận kề, nhưng lượng khách tới đặt mua rượu vẫn ít hơn năm ngoái khiến doanh thu bị sụt giảm. Mặc dù rất khó khăn trong việc phát triển, nhưng ông Nghĩa vẫn quyết tâm giữ nghề làm rượu truyền thống.
Rượu cần được ủ trong ché từ 3 đến 18 tháng mới có thể sử dụng được.
Nói về việc làm rượu cần, ông Nguyễn Tân (Chủ tịch UBND xã Hòa Phú) cho biết, trong năm mới xã sẽ hỗ trợ thêm kinh phí để ông Nghĩa đưa sản phẩm rượu cần ở thôn Phú Túc tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá thương hiệu.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhiều thiết bị nấu rượu để giúp cho ông Nghĩa có thể cơ giới hóa, tăng năng suất. Nhằm góp phần gìn giữ và phát triển rượu cần của người dân tộc Cơ Tu”, ông Tân nói.
Được biết, dịp Tết này lò rượu cần nhà ông Nghĩa sẽ bán ra thì trường khoảng 1.000 chum phục vụ người dân.