- Đại sứ Palestine: Việt Nam sẽ giành được những thành tựu mới
- Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink: “Ước gì có thể ở Việt Nam mãi mãi...”
Yêu Việt Nam như một bản năng
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hebron, miền Nam Palestine và là người thuộc dòng họ Altumaizi, Saadi Salama biết đến Việt Nam từ rất sớm. Đại sứ Palestine kể rằng, khi còn là thiếu niên, ông vẫn thường được nghe những câu chuyện từ các bô lão trong làng về một đất nước Việt Nam kiên cường, có nhiều điểm tương đồng với Palestine trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Thậm chí, phong trào cách mạng quê ông diễn ra sôi nổi đến mức người ta còn mệnh danh nơi đây là “Hà Nội của Palestine”.
Đại sứ Saadi Salaman trả lời phỏng vấn báo giới bên lề phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII. |
“Từ đó, tôi gắn bó với Hà Nội, với Việt Nam một cách lạ kỳ. Năm 1975, khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi thực sự ngưỡng mộ và ước mình có một lần trong đời được đến đất nước của niềm tin và sức mạnh ấy”, Đại sứ Saadi Salama kể.
Thế là, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tham gia hoạt động cách mạng và được Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) mời nhận học bổng ở nước ngoài, Saadi Salama đã chọn Việt Nam và quyết tâm trở thành một chuyên gia Việt Nam học. Năm 1980, ông trở thành một trong những du học sinh Palestine đến Việt Nam. Và đến giờ, sau 41 năm, những hình ảnh đầu tiên về đất nước Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của Đại sứ Saadi Salama.
“Tôi vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi khi lần đầu bước chân ra khỏi máy bay. Vừa đến nơi, tôi đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu và tình cảm từ những cán bộ cửa khẩu. Khi đó, tôi mang visa do Đại sứ quán Việt Nam tại Syria cấp. Cán bộ cửa khẩu biết tôi là người Palestine, đã hỏi han đủ chuyện và chúc mừng tôi. Chắc họ biết tôi là một trong số ít người Palestine thời đó đến Việt Nam học tập và làm việc. Ngồi trong ô tô của trường đến đón, dán mắt vào ô cửa kính, tôi thấy mọi thứ thật khác lạ nhưng cũng rất đỗi thân thương. Dọc đường đi, tôi nhìn thấy xung quanh có rất nhiều quán ghi hai chữ “Cơm, Phở”. Tôi không biết “Cơm, Phở” là cái gì, lại nghĩ đây là một tập đoàn kinh tế lớn. Người dân đi lại trên đường bằng đạp xe, hoặc đi xe bò. Họ ăn mặc rất giống nhau, nam thì quần áo kaki, đội mũ cối; nữ thì áo trắng, quần lụa đen và đầu đội nón lá. Nhiều người trong số họ cầm theo chiếc cặp lồng. Khi đến ký túc xá, tôi được dẫn vào phòng, trong phòng có 2 chiếc giường, mỗi giường đều có 4 cái cột, trên cột lại có những tấm vải. Tôi không hiểu cái đó để làm gì...”, Đại sứ Saadi Salama nhớ lại.
Đại sứ Palestine Saadi Salama luôn dành một tình cảm đặc biệt với Việt Nam. |
Cũng theo lời kể của ông, những ngày đầu đến Việt Nam, ông rất thích không khí gió nhẹ se se lạnh của mùa thu. Những hàng cây lá rụng ở ký túc xá đem đến cho ông cái cảm giác thanh bình và yên tĩnh đến lạ lùng. Nhưng đến mùa đông, rồi mùa xuân, nhất là không khí nồm ẩm sau Tết âm lịch lại là một “sự tra tấn” không hề nhỏ.
Dẫu vậy, Đại sứ Saadi Salama vẫn cảm thấy thân thuộc với Hà Nội, với cách sống của người Việt Nam và đặc biệt và với món “cơm luộc” theo cách gọi của ông. Nguyên do là vì tại Palestine, cơm phải được nấu với gia vị và nước dùng chứ không nấu đơn giản bằng nước lã.
“Ban đầu, vì không quen món “cơm luộc”, tôi chỉ ăn bánh mỳ và bơ. Sau một thời gian thì tôi tập ăn “cơm luộc” cùng thịt kho và canh rau cải. Ai ngờ hai món đó sau này lại chính là món “khoái khẩu”. Rồi ở đến tháng thứ 3, tôi mới biết đến món phở và hiểu rằng “Cơm, Phở” chả phải tên công ty mà nó là món ăn ưa thích của người Việt Nam”, Đại sứ Saadi Salama chia sẻ.
Hiểu văn hóa Việt như một người bạn
Giờ đây, những sự khác biệt ban đầu đã trở thành những thói quen thân thuộc và với tình yêu mãnh liệt, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của Đại sứ Palestine. Ông tâm sự, mỗi tuần phải ăn phở ít nhất một lần và hầu như không bao giờ quên sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày với vợ con, bạn bè, đồng nghiệp... Thậm chí, Đại sứ Palestine còn sử dụng tiếng Việt thuần thục như một người Việt Nam.
Dịp tết cổ truyền năm 2018, trong lần tham gia một chương trình về Tết của Đài VTC quay trên hồ Tây, Đại sứ Saadi Salama đã mang lại sự ngạc nhiên lớn đối với khán giả Việt Nam khi trò chuyện với một cụ già 86 tuổi về những phong tục cổ truyền tết âm lịch của Việt Nam như việc thả cá chép trước 12h ngày 23 tháng Chạp hay chuyện xông đất đầu năm...
Cái gì ông cũng tìm hiểu cặn kẽ, chi tiết đến mức “sành sỏi”. Có nhà nghiên cứu văn hoá Việt còn trêu đùa rằng, Đại sứ Palestine chính là một mẫu người về “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Khi được hỏi về bí quyết nói thành thạo tiếng Việt, ông cười và nói rằng, không cần quá nhiều nỗ lực học mà phải đọc tiếng Việt mỗi ngày. Với ông, nói tiếng Việt giống như một bản năng tự nhiên và nguyên tắc cơ bản với người nước ngoài học tiếng Việt là cần nắm vững cách phát âm, cách viết chính tả.
Đại sứ Palestine nói: “Tôi đã cố gắng sử dụng tiếng Việt thường xuyên, tìm hiểu ngôn ngữ này qua việc đọc nhiều sách tiếng Việt. Chính tình yêu Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến quyết định học thành công tiếng Việt của tôi”.
Đại sứ Saadi Salaman kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 đúng ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. |
Thêm vào đó, việc có một nửa kia của cuộc đời là người Việt Nam cũng giúp Đại sứ Saadi Salama có lợi thế hơn trong việc học tiếng Việt. Ông nói: “Tôi yêu các Tết xưa của Việt Nam, cách mọi người chào hỏi và quan tâm lẫn nhau. Tôi yêu cả lịch sử và nền văn hóa đa dạng của Việt Nam. Người Việt Nam thật kiên cường, dũng cảm, dám đấu tranh và hy sinh để xây dựng và bảo vệ đất nước. Phụ nữ Việt Nam thì thật là duyên dáng, tình cảm. Tôi thấy, phụ nữ luôn tạo cảm hứng mạnh để người Việt Nam tin tưởng vào tương lai. Họ không chỉ là người vợ, người mẹ, mà từng là những chiến sĩ cầm súng bảo vệ đất nước, đóng góp tích cực vào việc giải phóng dân tộc. Họ cũng là hậu phương trong cả thời chiến và thời bình. Nhìn về những giá trị văn hóa của người Việt Nam thì phụ nữ là nhân tố quan trọng để duy trì những giá trị tốt đẹp của người Việt. Phụ nữ Việt Nam là quà tặng tuyệt vời cho đất nước Việt Nam”.
Gắn bó với dải đất hình chữ S như một người con
Nhớ lại mối tình của chàng trai Palestine tuổi đôi mươi với cô gái Hà Thành nhẹ nhàng, khéo léo thuở nào, Đại sứ Saadi Salama khẳng định: “Lựa chọn điểm đến là Việt Nam đã mang đến cho tôi cơ hội gặp được cô gái Hà Nội xinh đẹp và kết quả là hiện tại, chúng tôi có với nhau 4 người con. Tôi luôn cho rằng, đó là điều may mắn trong cuộc đời mình, bởi tôi không chỉ trở thành cầu nối giữa hai dân tộc, mà còn là rể Việt. Vợ tôi sau khi kết hôn đã lui về chăm sóc con cái. Người Palestine có câu nói rất hay, tương tự như một thành ngữ của người Việt, đó là “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tương lai”. Người đàn ông đóng vai trò trụ cột và là người định hướng cho con cái nhưng người phụ nữ mới chính là nhân tố quan trọng tạo lập và vun vén cho hạnh phúc của cả gia đình”.
Đại sứ Saadi Salaman phát biểu trong hội thảo phụ nữ với an ninh và hòa bình. |
Bên cạnh đó, với “chàng rể” người Palestine này, “quê ngoại Việt Nam” còn là nguồn cảm hứng vô tận trong công việc ngoại giao và viết sách. Đại sứ Saadi Salama cho hay ông từng gặp gỡ, trò chuyện với nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, từng viết báo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dịch sách về chiến thắng Điện Biên Phủ từ tiếng Việt sang tiếng Arab.
41 năm gắn bó với Việt Nam, trong đó có 18 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ông cảm thấy mình luôn phải có trách nhiệm giới thiệu Việt Nam với người dân Palestine nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Thừa nhận mình may mắn được chứng kiến và trải nghiệm những đổi thay và sự phát triển nhanh chóng ở Việt Nam trong những thời điểm quan trọng..., Đại sứ Saadi Salama nhận xét: “Trong 12 năm giữ cương vị Đại sứ Palestine tại Việt Nam (từ năm 2009), Việt Nam đã mang lại cho tôi nhiều nguồn cảm hứng. Để nói hết thì có khi tôi phải viết hẳn một cuốn sách. Đằng sau thành tựu mà Việt Nam đạt được, đó chính là những chính sách phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với tình hình thực tế, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Các quyết sách đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa Việt Nam vượt qua các cuộc khủng hoảng, phát triển vươn lên và nhận được sự khâm phục của các quốc gia trên thế giới”.
Chia sẻ thêm về những kỷ niệm trong 3 lần dự Đại hội Đảng ở Việt Nam, Đại sứ Saadi Salama nhấn mạnh: “Tôi từng dự Đại hội Đảng VI, Đại hội XI và lần này là Đại hội XIII. Một điều tôi thấy ở tất cả các đại hội của Việt Nam là với chính sách đối ngoại, Việt Nam có một nền độc lập thực sự. Việt Nam không phải là thành viên của bất cứ liên minh nào. Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước trên một nguyên tắc rất rõ ràng là không sử dụng bạo lực đe dọa, dùng biện pháp hòa bình để giải quyết các bất đồng, hợp tác cùng có lợi và phát triển để tồn tại. Những nguyên tắc đó, giúp Việt Nam có được sự ủng hộ của nhiều quốc gia và ngày càng có vị trí trên bản đồ chính trị thế giới.
Riêng với lần này, khi phiên khai mạc Đại hội, nghe Báo cáo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh những hướng đi Việt Nam cần theo đuổi, để đất nước ngày càng giàu mạnh và phát triển, chúng tôi rất ấn tượng. Tôi cũng như nhiều đại sứ khác đều tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò là thành viên tích cực để đóng góp cho xã hội phát triển cùng có lợi, xây dựng nền hòa bình cho cả thế giới, đồng thời đóng góp những bài học kinh nghiệm của mình cho cộng đồng thế giới.
Xin chúc mừng Việt Nam và chúng tôi rất tự hào khi được sinh sống và làm việc tại quốc gia đang có những thành công trong nỗ lực ứng phó đại dịch COVID-19. Việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã giúp Việt Nam giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị và an ninh tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Là một người bạn của Việt Nam và là một nhà ngoại giao, tôi luôn gửi những thông điệp cho bạn bè quốc tế và đất nước Palestine về một Việt Nam đầy hứa hẹn”.
Huyền ChiXem thêm: /363926-gnaD-ioh-iaD-ud-nal-3-us-iaD-iagN/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna