- “Tết sum vầy – Trọn yêu thương” của những chiến sĩ “Gác Cổng trời”
- “Tết sum vầy” với đoàn viên công đoàn tại Quảng Nam
- Trao quà xuân sớm, góp Tết sum vầy
Việt Nam là một quốc gia có tới 54 dân tộc với những hệ lịch pháp và cách đón năm mới khác nhau. Lịch Dương (chỉ ra vị trí của trái đất trong chuyển động của nó xung quanh mặt trời, cụ thể là lịch Gregory), được sử dụng kể từ khi có sự tiếp thu của nền văn minh phương Tây và hội nhập quốc tế.
Cùng với điểm đón năm mới theo Dương lịch, Noel, ngày Quốc tế Lao động, ngày Quốc tế Phụ nữ… đã mang đến một sự thay đổi lớn trong tâm thức người Việt, cũng như sự trăn trở giữa bản sắc và hội nhập mà câu chuyện gộp Tết, giữ Tết là một ví dụ. Hay nói cách khác: Vì sao chúng ta phải cần có Tết? Và giữ Tết, xây Tết thế nào cho đúng, cho thực sự có ý nghĩa là điều băn khoăn dáng bàn.
Người Việt coi trọng Tết Nguyên đán và Tết là dịp gia đình con cháu đoàn viên sum vầy bên nhau. |
Tết đơn giản là về nhà sum họp?
Tết ở đây với nghĩa là Tết Nguyên đán (khởi đầu một năm mới) là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền của người Việt (nói riêng) và nhiều dân tộc ở phương Đông (nói chung) như phong tục, lễ hội, tô tem… Từ góc độ xã hội, độ tuổi của dân số có sự chuyển dịch.
Theo sự phân tích của Liên hợp quốc, từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số với tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới. Thông tin này không chỉ liên quan đến nguồn lao động, an sinh xã hội mà còn tác động đến tâm lý xã hội. Số đông ở vào độ tuổi phải lo toan, họ là những người nắm giữ kinh tế gia đình, thay vì độ tuổi còn được sống vô tư đầy mơ mộng.
Tết Việt từ lâu đã không còn là dịp tận hưởng thành quả lao động với ý nghĩa “ăn Tết” như ngóng đợi ngày Ba mươi Tết đụng lợn, nấu bánh chưng… Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, tạo nên sự bão hòa về nhu cầu ẩm thực.
Con người ngày nay có xu thế sợ những đồ ăn chứa nhiều chất đạm, gây tăng cân lại vốn là những món ăn mang hồn vía Tết như thịt đông, bánh chưng, chè kho, mứt… Bên cạnh đó, sự phát triển của các dịch vụ, cộng với sự eo hẹp về thời gian trong xã hội công nghiệp càng tạo ra sự lệch pha giữa Tết và cuộc sống hôm nay.
Tết thay đổi bắt nguồn từ sự thay đổi cơ cấu kinh tế trong xã hội. Con người của sản xuất nông nghiệp ít khi ra khỏi lũy tre làng. Con người hôm nay có thể đến bất kì vùng, miền nào để mưu sinh. Mỗi dịp Tết đến là cuộc vật lộn với tàu, xe trên hành trình từ vài trăm đến cả ngày km để trở về với gia đình, quê hương.
Nhưng, dẫu cuộc sống có sự biến đổi như thế nào, Tết vẫn luôn tồn tại, luôn cần phải có vì đó là nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Là sự hướng về cội nguồn, gốc gác của gia đình, dòng tộc, dân tộc. Là dịp để từng con người thực hiện những giá trị nhân văn mà với bất cứ ly do gì họ đều không thể chối bỏ.
Trước hết, đó là sự sum họp. Dù ở địa vị xã hội nào, người ta cũng cần ít nhất là một ngày hoặc vài tiếng đồng hồ khi năm hết Tết đến để về gặp bố mẹ, anh chị em, họ hàng, thắp hương ông bà tổ tiên…
Chúng ta dâng chút lễ thành kính, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ hay đơn giản là nói lời chúc may mắn đến bạn bè, người thân, cho con cháu sống ở xa được dịp nhận họ hàng... Thử hỏi nếu không có dịp Tết, chúng ta sẽ có cơ hội thực hiện không? Trong khi hướng về nguồn cội là một nhu cầu tất yếu trong đời sống tinh thần.
Tết của người Việt không phải một nghi thức với quy ước nghiêm ngặt. Tết đơn giản là được về nhà, được trở lại với những giá trị tinh thần vốn có như ngôi thứ trong gia đình, dòng tộc, niềm tự hào về dòng họ, cha ông mình đã vượt qua gian khó, hiểm nguy mà vun đắp nên sự phồn thịnh hôm nay.
Đừng để phải sợ Tết
Nhắc đến Tết, hẳn chúng ta sẽ có một liệt kê về những hệ lụy như: dọn dẹp nhà cửa, bày biện, họ hàng tọc mạch chuyện cá nhân, moi móc nhau, chi phí cho lì xì, quà cáp; sợ ra đường vì dễ xảy ra tai nạn, sợ những trận rượu bia, hàng hóa tăng giá… Nếu để ý và suy nghĩ kĩ, đó không phải là sự kế thừa, tiếp nối của chén rượu ngày xuân, tục mừng tuổi, Tết sum vầy mà là những “sản phẩm” của Tết hiện đại theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa” một cách lãng phí, phù phiếm và thiếu đi văn hóa.
Tết của chúng ta hôm nay không thể không thừa nhận có nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều gia đình đang đón Tết với gánh nặng hình thức và lãng phí. Thiết nghĩ, cũng như nhiều nghi thức, phong tục, quy ước khác trong xã hội, một biểu tượng văn hóa cao quý như Tết cổ truyền cần thật sự khoa học, văn minh, tự do. Tết không phải là thứ để chính chúng ra trói buộc chính bản thân mình vào các lễ nghĩa mệt mỏi khác.
Vấn đề này cần sự dũng cảm của từng cá nhân để “cởi trói” cho bản thân mình, cho những người thân thiết cũng như giảm gánh nặng cho xã hội về an toàn giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường hay vô tình tiếp tay cho sự tăng giá trục lợi của một bộ phận tiểu thương…
Điều này cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ, triệt để của các nhà quan lý văn hóa, cũng như sự nghiên cứu tỉ mỉ, nhận diện xu hướng đón Tết của nhân dân và tìm ra những hình thức đón Tết vừa phù hợp vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc như ý kiến của TS Trần Hữu Sơn: “Chúng ta muốn bảo tồn được di sản văn hóa Tết trong dòng chảy toàn cầu hóa thì cần có những chính sách đề cao giá trị Tết Việt, khuyến khích cộng đồng tự sáng tạo, tự tổ chức các hình thức đón Tết. Ở đây, vai trò của cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất. Chỉ có cộng đồng mới bảo tồn, phát huy được di sản văn hóa Tết. Do đó, mọi chính sách đều hướng về cộng đồng, trao quyền cho cộng đồng”.
Vẫn cần có một cái Tết cho mỗi tâm hồn?
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Tết tạo nên một biểu tượng hội nhập và khẳng định tính cộng đồng quốc gia và điều đó đã diễn ra liên tục suốt chiều dài lịch sử. Đó là sự đồng thuận rất tự nhiên về văn hóa, trong đó có đóng góp vô song của Tết”.
Quan điểm này liệu có lỗi thời, trái ngược với những hệ lụy của việc nghỉ Tết trong những năm qua hay không? Theo thông kê về tai nạn giao thông trong dịp nghỉ Tết của 3 năm trở lại đây: Tết Bính Tuất 2018, cả nước đã xảy ra gần 220 vụ tai nạn giao thông làm chết 195 người, bị thương 199 người; Tết Kỷ Hợi 2019, cả nước xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông làm 183 người chết và 241 người bị thương; Tết Canh Tý 2020, cả nước đã xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông, làm chết 122 người, bị thương 150 người… Xét trên phương diện kinh tế, việc nghỉ Tết Nguyên đán cũng kéo theo những ảnh hưởng đáng kể.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng nhận định: “Trên phương diện kinh tế, với lịch nghỉ Tết quá dài ngoại trừ việc có thể thúc đẩy nhu cầu mua sắm trong dân, đẩy sức cầu của nền kinh tế đi lên còn lại thời gian nghỉ Tết dài gây ra tiêu cực.
Thứ nhất kỳ nghỉ kéo dài làm giảm năng lực làm việc. Năng lực làm việc của người Việt Nam đã thấp lại thêm ngày nghỉ Tết dài, nền kinh tế sẽ mất sức lao động, tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Do đó nếu tính thiệt hại về GDP với 9 ngày nghỉ trên 365 ngày thì sẽ mất khoảng 2% GDP, một thiệt hại rất lớn.
Thứ hai về khía cạnh hội nhập toàn cầu, việc để ngày nghỉ Tết quá dài có những tiêu cực, bởi trong khi cả thế giới làm việc vào giữa tháng 2 (năm 2015) thì mình lại nghỉ đến 9 ngày. Như chúng ta cũng biết thời gian đầu năm là giai đoạn quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế thì mình lại nghỉ dài hạn”.
Từ những nhận định trái chiều này, chúng ta có thể rút ra: số vụ tai nạn giao thông tăng trong dịp nghỉ Tết xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện rượu bia. Đây hoàn toàn là lỗi do chính mỗi người chúng ta. Những thói quen sử dụng nhiều đồ uống có cồn và điều khiển xe không tuân thủ luật giao thông là một bất cập trong nhiều năm qua.
Sau khi Nghị định 100 của Chính phủ (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) được ban hành đã làm giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông, cho thấy nếu được xử lý nghiêm vẫn khắc phục được tình trạng này. Trên lĩnh vực kinh tế và khía cạnh hội nhập, việc phân công lao động hợp lý vẫn duy trì được tiến độ, năng xuất công việc. Việc nghỉ Tết dài 9 ngày hoàn toàn chấp nhận được vì cả một năm làm việc bận rộn, vất vả. Thời gian nghỉ Tết là dịp gia đình con cái họ tộc quây quần bên nhau, có những sinh hoạt chiều sâu nhằm gắn kết nhau trong truyền thống đoàn viên của dân tộc.
Xét một cách tổng thể, mỗi con người dù được học tập, có tay nghề, kĩ năng, tài sản lớn đến đâu vẫn cần có một nền tảng văn hóa. Nền tảng ấy sẽ giúp mỗi con người chúng ta có lập trường tư tưởng, hiểu biết, tình cảm, thái độ. Tết Nguyên đán không đơn thuần chỉ là hoạt động giải trí mà còn là cơ hội duy nhất trong một năm để gắn kết, củng cố khối đoàn kết dân tộc.
Chúng ta không thể thay thế Tết Nguyên đán bằng các hoạt động văn hóa nào khác bởi Tết là nơi lưu giữ kí ức dân tộc, là niềm tự hào, là bản sắc giúp chúng ta hội nhập và phát triển… Vì thế mà cần phải có Tết, và nên xây dựng một cái Tết thực sự ý nghĩa, thiết thực với đời sống hôm nay mới là điều quan trọng.
PGS.TS Trần Trọng Dương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): Tết Nguyên đán là cái Tết Cả quan trọng nhất trong năm
Tết Nguyên đán, từ xưa đến nay vẫn vậy, luôn là một tập tục văn hóa lâu đời của người Việt. Người Việt coi đây là cái Tết quan trọng nhất trong năm, nên còn gọi là Tết Cả, hay trong khẩu ngữ thường ngày, người ta chỉ nói ngắn gọn bằng từ "Tết".
Trong khi các Tết khác như Tết Đoan Ngọ, Tết Trùng dương, Tết Trung thu,... đều là những nghi tiết nhân dịp các thời điểm trong năm với các mục đích và ý nghĩa cụ thể liên quan đến thời gian, chỉ hạn chế trong một số tập tục trò chơi, diễn ra trong thời gian một ngày, hoặc một buổi trong ngày, thì Tết Nguyên đán có thời gian rất dài.
Tính khởi đầu từ Tết ông Công ông Táo (hăm ba tháng chạp) dựng cây nêu, đến lễ cúng thần hành khiển đêm giao thừa, Tết mùng một,... trải dài cho đến tận tiết hạ nêu, và rằm Nguyên tiêu. Có thể nói, Tết Nguyên đán là một "bảo tàng nhân văn sống động", nơi chất chứa những truyền thống văn hóa, những tập tục nghìn đời, nơi mà tất cả âm thanh, màu sắc, hương vị... đều trở thành những biểu tượng lâu bền cho truyền thống của dân tộc.
Cho đến tận ngày nay, ta thấy, gần một tháng liền, gần trăm triệu người đều cuốn theo vòng quay của Tết Nguyên đán - một cái Tết kết thúc năm cũ mở ra năm mới. Dù ăn đâu làm đâu, ai cũng phải xếp một cái lịch về quê, hay về nhà sum họp gia đình, nấu nồi bánh chưng, bày mâm cỗ, thắp nén nhang trên ban thờ tổ tiên, thăm nom ông bà cha mẹ, anh em xóm giềng, lễ Tết thầy cô chú bác,....
Có thể nói, Tết Nguyên Đán không đơn thuần là biểu tượng, mà là nội hàm văn hóa, là nội lực văn hóa, là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị đạo đức, tính nhân văn, tinh thần đoàn kết. Tết Nguyên Đán hun đúc tình yêu gia đình gia tộc, mở rộng ra đến tình làng nghĩa xóm, và rộng hơn là tình yêu quê hương đất nước. Nếu bỏ Tết Nguyên Đán, thay bằng Tết Tây hay đi du lịch đây đó, có lẽ người Việt sẽ mất đi cái phần quan trọng nhất: hồn quê hương.
Đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam): Giữ Tết là giữ văn hóa truyền thống
Theo tôi, cỏ cây, hoa lá còn có tâm hồn huống chi con người. Con người mà không có tâm hồn thì khác gì sống thực vật đâu. Giữa nhịp sống hối hả hiện nay, dường như con người ta vô cảm hơn, lạnh lùng hơn, tàn nhẫn hơn... điều đó thực sự rất đáng sợ.
Tết Nguyên đán đối với tôi thiêng liêng lắm, nó vừa mang nét văn hóa của đất nước, vừa mang đời sống tâm linh. Vừa mang hồn cốt dân tộc, vừa mang ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên. Tết Nguyên đán là nét văn hóa của người Việt Nam ta, mất văn hóa là chúng ta mất tất cả.
TS Nguyễn Yến Ngọc (Đại học St FX Nova Scotia-Canada): Tết cổ truyền là một di sản văn hóa tinh thần của người Việt
Tôi là một người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sau đó đã có một thời gian gần 12 năm sống ở Úc và hiện tại đang sống và làm việc ở Canada. Tôi dạy ngành tài chính ở một trường Đại học ở bờ Đông Canada.
Tôi đã được đón rất nhiều cái Tết cổ truyền (Tết Nguyên đán) của dân tộc từ bé đến lớn, và tôi luôn cố gắng về thăm quê hương vào dịp Tết Nguyên đán để được hưởng cái không khí sum họp đầm ấm với người thân, bà con làng xóm, quê nhà.
Tôi luôn nhớ những buổi mai hơi se se vào ngày Tết, khi mà mẹ tôi đi chợ mua về những chậu hoa vạn thọ vàng ươm, hoa cúc vàng tươi, và những bông mai vàng khoe sắc thắm hương ngan ngát nhẹ nhàng trên bàn Phật và trên chiếc tủ búp-phê nhỏ nhắn mặt kính đặt dựa tường ở phòng khách.
Nhà tôi luôn thức đón giao thừa, xem pháo hoa trên ti vi và ngồi uống với nhau một vài tách trà đầu năm, sau đó gia đình tôi dùng một cỗ bài để bói xem năm sau ai may mắn hơn. Mùng một Tết cả nhà đi về nội thăm ông bà nội, cô chú bác và những láng giềng nhà nội. Mùng hai Tết là về ngoại và có khi ở lại bên ngoại đến Mùng ba Tết.
Mọi người đều tất bật chuẩn bị Tết, trẻ em có quần áo mới, có lì xì, nhà có bánh mứt, bánh tét, bánh chưng, có hoa kiểng. Người lớn diện những bộ cánh đẹp đẽ chỉn chu và nét mặt rạng rỡ thư giãn thăm hỏi bà con, láng giềng, chúc sức khỏe và chúc nhau một năm mới an khang thịnh vượng. Tôi nghĩ cái Tết cổ truyền là một di sản văn hóa tinh thần, cũng là một thói quen và một tài sản về văn hóa của tất cả mọi người ở Việt Nam.
Là một người Việt ở nước ngoài, nơi mà Tết Nguyên đán không được tổ chức rộng rãi và hoàn toàn không được nghỉ lễ, tôi vẫn thấy lòng nôn nao mỗi khi Tết về, khi nhìn những bức ảnh hoa mai, hoa đào tụ họp đón Tết qua Facebook, qua Skype do người thân gửi qua.
Nao nao lòng, và đôi khi thấy ghen tị với những người ở Việt Nam đang được sống trong không khí đầm ấm thân tình đó. Những cộng đồng người Việt nho nhỏ ở đây (cả Úc và Canada) cũng tổ chức Tết, thường là cùng với cộng đồng người Trung Quốc. Những cửa hàng người Việt cũng dán giấy đỏ, trang trí mừng Tết. Đôi khi trang trí cả một con đường hay một trung tâm mua sắm nhỏ của người Việt. Đôi nhà hàng Việt Nam phát lì xì cho trẻ con vào những ngày Tết.
Mọi người, đều cố gắng giữ lại những truyền thống tươi đẹp của đất nước như một mong muốn gìn giữ và nhớ về cội nguồn của mình. Dẫu ngày Tết ở xứ người không thể có được không khí và hương vị như ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam, thì nó cũng mang lại chút ấm cúng nao nao trong lòng những người xa quê. Ai cũng cố gắng liên lạc, gọi điện, Skype, chat với người thân ở Việt Nam để chúc nhau một cái Tết đầm ấm.
Nếu người Việt xa xứ cùng nghĩ như vậy thì tôi nghĩ trong lòng những người Việt ở Việt Nam, những ngày Tết Âm lịch dường như là một điều thiêng liêng không thể thay thế được. Tôi hoàn toàn không tán thành ý xóa bỏ ngày Tết cổ truyền của dân tộc để thay bằng việc tổ chức ăn mừng vào những ngày lễ Giáng sinh và năm mới theo Dương lịch như của phương Tây.
Tôi không bài bác những ngày lễ này, nó là nét văn hóa của riêng họ, họ gìn giữ. Tết Nguyên đán cũng là một nét văn hóa của riêng ta, ta phải gìn giữ. Tôi có nhiều bạn bè, đồng nghiệp từ những đất nước khác nhau, Ấn Độ, Pakistan, v.v… Họ đều có những kỳ nghỉ cổ truyền riêng và có những hình thức tổ chức chào mừng riêng của họ. Ví dụ ai cũng biết đến tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo hay lễ hội Diwali của Ấn Độ.
Nếu những đất nước đó có ý thức giữ gìn văn hóa của họ thì chẳng có lý do gì Việt Nam sử dụng lý do tiết kiệm để xóa bỏ một kỳ nghỉ truyền thống, không thể thay thế trong lòng mỗi người Việt Nam vậy.
Việt PhươngXem thêm: /131926-gnud-ohc-oas-teT-teT-iahp-oas-iV/na-gnoc-ehgn-nav-nad-neid/nv.moc.dnac.acnv