Sáng 30-1, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, đại diện các Sở ban ngành đã có nhiều thắc mắc và đề nghị hướng dẫn cụ thể việc tổ chức cách ly, hoạt động tiệc tùng cuối năm trong thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Hủy tiệc tất niên hàng loạt
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết đã thống kê được 1.253 khách từ TP.HCM đi Hải Dương và Vân Đồn (Quảng Ninh) trong tháng 1-2021.
Ngoài ra, theo thống kê của các cơ sở lưu trú du lịch, có 155 khách đến từ Hải Dương, Quảng Ninh. Số khách này đã được chuyển danh sách để Trung tâm Y tế các quận, huyện truy vết.
“Hiện nay, các khách sạn trên địa bàn nhận được hàng loạt hủy tiệc cuối năm. Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành cũng bị hủy tour hàng loạt như đợt dịch trước xảy ra tại Đà Nẵng. Vì vậy, đề nghị có hướng dẫn cụ thể để cho các đơn vị trong ngành du lịch thực hiện” - bà Hoa nói.
Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM ngày 30-1. Ảnh: TTBC
Đại diện Ban Quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết do phát sinh đợt dịch mới, nhiều công nhân dù có kế hoạch về quê ăn Tết đã thay đổi ý định, thậm chí không nhận vé tàu xe hỗ trợ về quê nữa. 70% trong số 276.000 công nhân sẽ ở lại ăn Tết ở TP.HCM.
HEPZA đề nghị có hướng dẫn cách ly cụ thể nếu công nhân về quê ăn Tết thì quay trở lại sẽ thực hiện cách ly và chi trả lương, thưởng ra sao.
Các ý kiến khác đề nghị ngành y tế có hướng dẫn cụ thể về các hoạt động sự kiện lễ hội tập trung đông người; người về từ vùng dịch được cách ly, xét nghiệm ra sao, đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân ăn Tết ra sao?
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tình hình diễn biến dịch bệnh từng ngày rất khó dự đoán. Do đó TP sẽ truy xuất những người từ Hải Dương và Quảng Ninh trở về trong thời gian vừa qua để đánh giá nguy cơ.
Mỗi quận huyện tự đánh giá tùy theo tình hình để quyết định về việc cho tổ chức các sự kiện cấp địa phương và có báo trước với Sở Y tế, phối hợp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) để hướng dẫn đảm bảo phòng dịch, đảm bảo an toàn nhất.
Về việc cách ly người về từ vùng dịch, Sở Y tế sẽ dựa theo thông báo của Chính Phủ, Bộ Y tế để hướng dẫn cách ly.
Tổ chức sự kiện phải đảm bảo “5K”
Tại cuộc họp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá cao các quận, huyện đã thực hiện nghiêm túc và kích hoạt phòng chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, chuẩn bị các điều kiện cơ bản ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP.
“Đến thời điểm này, có thể khẳng định TP chưa có dịch bệnh, chỉ có nguy cơ dịch bệnh phát sinh, xâm nhập từ bên ngoài vào, chưa đến mức thực hiện các biện pháp phức tạp, căng thẳng. Đây chỉ là nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài vào..” - ông Hoan nêu.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chỉ đạo tại cuộc họp Phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM ngày 30-1. Ảnh: TTBC
Theo ông Hoan, trường hợp ca bệnh phát hiện ở quận 11 dù đã được kiểm soát, chưa lây ra cộng đồng nhưng TP vẫn còn ở thế bị động. Phó Chủ tịch TP hoan nghênh trường hợp này đã tự giác khai báo vì sức khỏe của cộng đồng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch TP cũng cảnh báo TP vẫn thuộc diện có nguy cơ cao, dịch bệnh xâm nhập và đang trong thời điểm Tết đến Xuân về, các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội đều dồn sức cho giai đoạn này. Toàn bộ hệ thống phải hết sức cảnh giác ứng phó tình huống khi dịch bệnh xâm nhập.
Phó Chủ tịch nêu ra 8 nội dung TP Thủ Đức, các quận huyện, cơ quan ban ngành cần thực hiện, cụ thể:
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 28-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấ do chủng mới của virus Corona gây ra; Thông báo số 67 ngày 28-1-2021 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng, chống dịch COVID-19.
- Tuyên truyền, vận động người dân tự giác, chủ động khai báo y tế. Các ngành, đơn vị cần tập trung truy vết các trường hợp tiếp xúc gần ca nghi nhiễm vừa phát hiện.
- Tuân thủ nghiêm và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện biện pháp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế trong mọi hoạt động của đơn vị và địa phương.
Đăc biệt, bắt buộc đeo khẩu trang, khử khuẩn tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, có nguy cơ cao như cơ sở khám chữa bệnh, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, bến cảng, sân bay, ga tàu, các nơi vui chơi giải trí..., trên các phương tiện giao thông công cộng; nhắc nhở và xử phạt người không đeo khẩu trang theo quy định.
- Đối với các lễ hội, sự kiện tập trung đông người, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND quận, huyện cần lưu ý và cập nhật tình hình dịch bệnh để chủ động xem xét, quyết định quy mô, tính chất, thời điểm tổ chức phù hợp. Các cơ quan Nhà nước cần làm gương trong vấn đề này.
Đối với các sự kiện cấp Thành phố: vẫn tổ chức bình thường nhưng rút ngắn thời gian hoạt động, giảm bớt quy mô, bố trí ngồi giãn cách, thực hiện 5K và đo thân nhiệt nghiêm ngặt.
- Các Sở ngành, đơn vị khẩn trương kế hoạch kiểm tra việc kích hoạt và thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí an toàn với dịch bệnh COVID-19 trong từng ngành.
- Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể cho người dân về quê ăn Tết theo phương châm “an toàn – lành mạnh – vui tươi – tiết kiệm”. Trong đó, không nên về quê nơi đang có dịch bệnh, nếu về thì quay lại phải thực hiện cách ly theo đúng quy định; đối với các vùng quê chưa có dịch bệnh thì cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với người dân ở lại Thành phố đón Tết cần đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu yếu phẩm, địa điểm vui chơi an toàn và thực hiện phòng chống dịch nghiêm túc.
- Ngành y tế cần sẵn sàng các phương án về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống có thể xảy ra.
- Về các khu cách ly, ngành nào đang quản lý khu cách ly hay được phân công nhiệm vụ gì thì chịu trách nhiệm bố trí lực lượng để túc trực và các nguồn lực liên quan để sẵn sàng khi có lệnh điều động phục vụ theo quy định.