Mức miễn dịch do vắc xin của Pfizer/BioNTech lên đến 95% - Ảnh: USNEWS.COM
Sau khi khỏi bệnh COVID-19, chúng ta có được miễn dịch để khỏi bị nhiễm lại lần hai hay không? Sau lần nhiễm thứ nhất, có cần tiếp tục tiêm chủng vắc xin COVID-19 không?
Những thắc mắc này đã được giải đáp qua nghiên cứu của 6 nhà khoa học Pháp được công bố trên tạp chí y học Clinical Infectious Diseases (Anh) ngày 27-1. Nghiên cứu có đầu đề "Bảo vệ nhân viên y tế tái nhiễm SRAS-CoV-2".
Kháng thể trung hòa sống tối thiểu 6 tháng
Vào tháng 6 và 7-2020, sau khi đợt dịch đầu tiên ở Pháp dừng lại, phòng thí nghiệm virus học thuộc bệnh viện Đại học Toulouse đã quyết định tiến hành một cuộc khảo sát lớn đối với đội ngũ y-bác sĩ.
Kết quả xét nghiệm 8.758 mẫu huyết thanh đã tìm thấy 276 mẫu dương tính. Trong số đó hơn 95% trường hợp đã tìm thấy kháng thể trung hòa chống SARS-CoV-2.
Không hài lòng với kết quả này, nhóm nghiên cứu quyết định theo dõi các ca dương tính trong thời gian 6 tháng để xác định xem kháng thể trung hòa còn hoạt động hay không.
Đến tháng 12-2020, các trường hợp tham gia nghiên cứu được lấy mẫu xét nghiệm lần nữa. Kết quả cho thấy sau 167 ngày theo dõi, 96,7% có số lượng kháng thể trung hòa ổn định hoặc tăng thêm.
TS toán học ứng dụng và thống kê sinh học Chloé Diméglio (tác giả chính của nghiên cứu) giải thích: "Như vậy các kháng thể chống SARS-CoV-2 vẫn duy trì sau 6 tháng hoặc thậm chí còn tăng thêm. Đây là tin rất tốt".
Trong 276 ca dương tính được theo dõi có 5 ca tái nhiễm, đạt tỉ lệ 1,8%.
TS Chloé Diméglio nhận xét dù mức kháng thể trung hòa thấp hay cao cũng không liên quan đến tình trạng tái nhiễm và không có bằng chứng cho thấy nếu đã nhiễm COVID-19 có triệu chứng lần đầu thì sẽ không có triệu chứng khi nhiễm lần hai hoặc ngược lại.
TS Chloé Diméglio - Ảnh: LADEPECHE.FR
Khả năng miễn dịch của vắc xin vẫn cao hơn
Báo 20 Minutes ghi nhận ba điều: do chỉ có 5 ca tái nhiễm nên khó phân tích khoa học chuyên sâu, không ai trong số người nhiễm và tái nhiễm nhập viện và không rõ tái nhiễm có phải do biến thể virus corona mới gây ra hay không vì tải lượng virus ở lần nhiễm thứ hai thấp hơn nên khó giải trình tự gen.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục xem xét nhóm có kết quả âm tính trong tháng 6 và 7-2020 sau đó đã qua xét nghiệm PCR vì lại có triệu chứng nhiễm hoặc có tiếp xúc với ca nhiễm. Rốt cuộc có thêm 12,1% bị nhiễm.
So sánh tỉ lệ tái nhiễm 1,8% của nhóm tái nhiễm với kết quả xét nghiệm vào tháng 12-2020 của nhóm âm tính lần đầu, TS Chloé Diméglio kết luận: "Khi bạn đã nhiễm lần đầu với SARS-CoV-2, bạn có 84,8% cơ hội sẽ không bị tái nhiễm".
Thật ra nếu các kháng thể trung hòa xuất hiện trong lần nhiễm COVID-19 đầu tiên có thể tạo khả năng bảo vệ do miễn dịch tự nhiên đạt mức 84,8% thì tỉ lệ này vẫn còn thấp so với tỉ lệ miễn dịch do vắc xin cung cấp.
TS Chloé Diméglio lưu ý: "Mức miễn dịch do các vắc xin của Pfizer và Moderna mang lại đạt đến 95%. Bởi vậy mọi người nên quan tâm đến tiêm chủng vắc xin ngay cả trong trường hợp đã nhiễm bệnh COVID-19 lần đầu".
Nhân viên cứu hỏa và dịch vụ cứu hộ Pháp đi máy bay trực thăng mang 2 thùng chứa vắc xin COVID-19 đến đảo Hoëdic (tỉnh Morbihan) ngày 29-1 - Ảnh: AFP
TTO - Tái nhiễm COVID-19 là hiện tượng chưa được hiểu rõ tường tận, một thách thức đối với khoa học hiện nay. Nó có thể quyết định liệu con người có phải sống chung thường trực với căn bệnh trong nhiều năm tới hay không.
Xem thêm: mth.93300056103101202-meihn-iat-ib-gnohk-91-divoc-iohk-ad-iougn-001-58-ned/nv.ertiout