Loạt bê bối liên quan đến cáo buộc gian lận khiến nhiều ông lớn trên thế giới thiệt hại hàng tỉ USD trong năm 2020 đã được Fortune điểm lại.
Hàng tỉ USD bị thổi bay cùng sự sụp đổ của Wirecard
Tháng 6.2020, thông tin lỗ hổng tài khoản Wirecard được công bố bởi các kiểm toán viên của Ernst&Young, những bí mật đen tối đằng sau cái tên Wirecard dần được hé lộ. Ngay lập tức, CEO của Wirecard là Markus Braun đã bị bắt vì vô số tội danh sai phạm vào ngày 23.6.
Theo nghiên cứu của Ernst&Young, lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán của Wirecard chỉ trị giá bằng 1/4 số tài sản mà họ có. Đây chính là điểm nghi vấn lớn nhất dẫn tới câu hỏi: Liệu Markus Braun đang có làm ăn phi pháp?
Đối diện với sức ép dư luận, Wirecard không thể giải thích cho lỗ hổng 2,1 tỉ USD xuất hiện trong bảng cân đối kế toán của mình.
Với vị trí CEO tại Wirecard, Markus Braun được trả khoảng 3 triệu USD mỗi năm. Ông này đã sử dụng hàng triệu USD tiền riêng và mượn khoảng 150 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche để đầu tư vào Wirecard.
Bằng vị thế của mình, “ông trùm tài chính” Markus Braun đã thực hiện khai khống cho Wirecard 2,1 tỉ USD. Như vậy, để thu hút thêm các nhà đầu tư và khách hàng, ông đã thổi phồng tài sản và doanh thu của công ty thông qua các giao dịch giả với cái gọi là bên “mua thứ ba” để tạo nên vỏ bọc một công ty vững mạnh về tài chính.
“Bên mua thứ ba” mà Wirecard khai khống chính là hai ngân hàng ở Philippines. Trước phát hiện sai phạm của Wirecard, chính phủ Philippines đã phải vào cuộc để làm rõ sự việc. Ngoài việc phủ nhận hợp tác với Wirecard, hai ngân hàng ở Philippines cũng cáo buộc công ty này sử dụng tên tuổi của mình để che đậy hành vi gian dối trong kinh doanh.
Câu chuyện của Wirecard được đánh giá một vụ bê bối "2 trong 1", khi công ty này sụp đổ vào tháng 6 khiến các nhà đầu tư mất hàng tỉ USD.
Luckin Coffee "xào nấu" số liệu, nâng khống doanh thu
Được thành lập vào tháng 10.2017, chuỗi cà phê mới nổi này đã phát triển với tốc độ chóng mặt để vượt qua Starbucks trở thành hãng sản xuất cà phê lớn nhất Trung Quốc vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, sau đó không lâu, những gian lận về doanh thu của công ty này bị tiết lộ, khiến giá trị vốn hóa của họ bị "bốc hơi" đến 5 tỉ USD.
Cụ thể, ngày 3.4.2020, hãng kiểm toán Ernst & Young xác nhận đã phát hiện ra các vấn đề của Luckin Coffee trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của chuỗi cà phê này. Sau đó, Ernst & Young đã hối thúc hội đồng quản trị của Luckin Coffee tiến hành cuộc điều tra nội bộ nói trên. Cùng ngày, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết sẽ mở cuộc điều tra về vụ việc.
Ngày 5.4, Luckin Coffee ra thông báo xin lỗi công chúng sau khi một cuộc điều tra nội bộ cho thấy các số liệu giả mạo đã nâng khống doanh thu của công ty thêm 2,2 tỉ nhân dân tệ (310 triệu USD) trong năm 2019.
Luckin Coffee cũng cảnh báo giới đầu tư không nên tin vào các báo cáo tài chính của công ty này trong 9 tháng đầu năm 2019.
Bản công bố thông tin cho biết, Jian Liu, Giám đốc hoạt động của Luckin Coffee và một số nhân viên dưới quyền trực tiếp của ông này đã bị đình chỉ công việc vì có liên quan đến việc giả mạo số liệu doanh thu.
Những gian lận liên quan tới PPP
Kế hoạch khổng lồ trị giá 670 tỉ USD mang tên Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) là chương trình cứu trợ lớn nhất dành cho doanh nghiệp nhỏ trong lịch sử Mỹ. Tuy nhiên, 9 tháng sau khi được ban hành, PPP nhanh chóng mang nhiều tai tiếng như lãng phí, không công bằng và gian lận mà các nhà phê bình cho rằng do quản lý yếu kém và sự thiếu minh bạch từ phía chính quyền ông Trump.
Về phần mình, chính quyền ông Trump chỉ ra những thành công của chương trình trong việc phân bổ hơn 520 tỉ USD cho khoảng 5,2 triệu doanh nghiệp Mỹ, cho phép nhiều người có việc làm và giữ người lao động trong biên chế của họ trong thời kỳ kinh tế khó khăn nghiêm trọng.
Trong khi đó, những người nổi tiếng, giàu có và các chính trị gia có mối quan hệ tốt lại thấy quá thuận lợi để có được số tiền họ mong muốn.
Ngân hàng Wells Fargo tạo hàng triệu tài khoản giả
Vụ bê bối này của Wells Fargo kéo dài từ năm 2016 đến năm 2020.
Cụ thể, ngày 8.9.2016, truyền thông đưa tin ngân hàng này đã tạo hơn 2 triệu tài khoản giả mạo và sẽ phải nộp phạt 185 triệu USD.
Wells Fargo đối diện với các cuộc điều trần của Quốc hội, CEO John Stumpf đột ngột nghỉ hưu.
Tháng 1.2020, Stumpf đã đồng ý trả khoản tiền phạt 17,5 triệu USD cho Văn phòng Kiểm soát tiền tệ vì vai trò của ông trong vụ bê bối.
Tháng 2.2020, Wells Fargo đồng ý trả 3 tỉ USD để giải quyết các cuộc điều tra hình sự và dân sự liên bang về vụ bê bối trên.
Vào tháng 11.2020, Stumpf đã đồng ý trả cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) một khoản tiền phạt 2,5 triệu USD. SEC cũng đưa ra cáo buộc chống lại Carrie L. Tolstedt, người lãnh đạo ngân hàng bán lẻ của Wells Fargo trong thời gian các tài khoản giả được tạo ra.
Qua điều tra, các cơ quan chức năng của Mỹ phát hiện Wells Fargo đã tạo 3,5 triệu tài khoản giả chứ không phải 2 triệu và đã tính phí bảo hiểm ô tô đối với hơn 800.000 khách hàng vay mua ô tô dù họ không cần hoặc thậm chí không biết đến khoản tiền này.
Xem thêm: odl.258578-0202-man-gnort-dsu-it-gnah-ioh-cob-mal-nal-naig-uv-gnuhn/et-hnik/nv.gnodoal