Cỗ cúng ông Táo của gia đình bà Lại Đoan Trang, ngõ Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - Ảnh: VŨ THỊ TUYẾT NHUNG
Cỗ cúng Táo quân chỉ cần rất đơn giản. Cốt yếu có hoa quả, bộ mũ mãng, bộ ba cá vàng cho tam vị chầu trời.
Bà LẠI ĐOAN TRANG
Đây chính là cành đào để bà Trang dâng lên ban thờ gia tiên trong ngày lễ tiễn tam vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ - là các vị thần cai quản phúc họa, may rủi trong các gia đình - lên chầu Ngọc Hoàng báo cáo các công việc người trần gian.
Theo cách nói thông thường là lễ tiễn vợ chồng ông Công, ông Táo lên chầu trời. Lễ cúng diễn ra vào ngày 23 tháng chạp âm lịch là khởi đầu kỳ Tết Cả lớn nhất trong năm, cùng với lễ cúng tất niên 30 tháng chạp, lễ cúng nguyên đán mồng một tháng giêng năm mới và lễ cúng hóa vàng từ mùng 3 đến mùng 7 tháng giêng.
Mâm cỗ cúng Táo quân của gia đình bà Trang - Ảnh: VŨ THỊ TUYẾT NHUNG
Cỗ cúng Táo Quân chỉ cần rất đơn giản...
Sáng sớm, bà Trang đã gọi cô cháu gái trở dậy xóc âu gạo nếp cái hoa vàng đã ngâm từ tối hôm trước cho dóc nước. Rồi bà bổ đôi quả gấc nếp, bóc những cùi hạt mềm mại đỏ rực, dùng đôi đũa cả đánh lẫn với chút muối cùng rượu trắng cho nhừ nhuyễn, đoạn đem trộn vào chỗ gạo nếp cùng chút dầu ăn, đổ vào chõ nước sôi sùng sục trên bếp.
Trong lúc chờ xôi chín, hai bà cháu tranh thủ làm sạch và luộc chín con gà ri ta, giống gà nhỏ xương, chắc thịt. Và thái thêm củ su hào cả cà rốt, ngâm thêm vài lạng miến dong và mấy tai nấm hương mộc nhĩ, đặng nấu thêm mấy món đồ cúng.
Bà Trang giảng giải: "Cỗ cúng tất niên cần rất đầy đủ các món giò nem ninh mọc, bò, gà, thịt đông, dưa hành... nhưng cỗ cúng Táo Quân chỉ cần rất đơn giản. Cốt yếu có hoa quả, bộ mũ mãng, bộ ba cá vàng cho tam vị chầu trời.
Và chắc chắn phải có đĩa xôi hay đĩa bánh chưng và đĩa thịt hoặc đĩa giò. Trà rượu thì đương nhiên. Nhưng cỗ bàn thì tùy theo từng gia đình, trước cúng sau ăn, không có quy định bài bản nào cả".
Bà Trang nói đúng, và nhiều người cho rằng phong tục cúng ông Táo ở miền Trung với miền Nam còn đơn giản hơn miền Bắc rất nhiều. Gần đây có một số gia đình cúng toàn đồ chay. Dù khác nhau, nhưng cứ bắt đầu từ 23 tháng chạp không khí tết nhất đã rộn ràng lắm.
Món xào công phu của bà Trang - Ảnh: VŨ THỊ TUYẾT NHUNG
Nồi canh bóng lăn tăn sôi trên bếp, mùi nước luộc gà quyện mùi tôm khô, nấm hương bốc hương ngào ngạt. Bà Trang nhẹ thay thả mấy miếng bóng thái hình thoi đã tẩy sạch sẽ bằng gừng tươi, rượu trắng, đã ướp nước mắm hạt tiêu vừa vặn, rồi bắc nhanh khỏi bếp.
Cô cháu gái bà Trang cũng vừa chặt xong đĩa thịt gà, úp từ đĩa nọ sang đĩa kia cho phần da vàng ruộm lên trên, rồi rắc vào mấy sợi lá chanh xanh biếc. Bà Trang nhanh tay phi chảo hành mỡ thơm sực nức, xào thêm đĩa hạnh nhân:
"Món này là món cổ Hà Nội, thường xào su hào cà rốt, hạt đậu Hà Lan cùng mề gà, thịt nạc với hạt hạnh nhân. Sang thời bao cấp mới đổi xào với lạc rang. Chao hạt lạc qua chút dầu cho bóng bẩy, cô thấy không?
Chần các loại chân tẩy thái xúc xắc trong nước muối rồi thả vào nước lạnh thì xào lên màu đẹp mà giòn ngon".
Món hạnh nhân mà bà Trang nói, các ông uống rượu thường rất thích. Nhưng không hiểu sao bây giờ không mấy khi thấy lại món này. Có lẽ là xào chuẩn đúng độ giòn ngon cũng hơi khó.
Bà Trang mỉm cười giấu một niềm kiêu hãnh kín đáo. Bà với tay rắc thêm nắm miến vào nồi nước luộc gà cùng đĩa lòng tiết đã xào qua với mộc nhĩ nấm hương và gọi cháu gái sắp mâm cúng lên chiếc đôn cao trước ban thờ.
Bởi lễ cúng tam vị thần phải đặt cao hơn lễ cúng gia tiên. Bà vào nhà trong thay chiếc áo đỏ rồi thắp tuần nhang mới, xuýt xoa khấn vái thành kính.
Bà Trang cùng con cháu thắp hương - Ảnh: VŨ THỊ TUYẾT NHUNG
Các lễ tục cổ truyền
Bà Trang được sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức cũ tại phố cổ thuốc Bắc. Bởi vậy từ thời con gái, bà đã được rèn giũa rất cẩn thận các công việc nội trợ gia đình cũng như được học hỏi, thực hành thuần thục các lễ tục văn hóa cổ truyền.
Gia đình bà hiện sinh sống tại ngõ Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng. Hiện trong nhà bà còn giữ được cả cuốn kinh lễ riêng cúng trong ngày lễ tiễn Táo Quân truyền lại từ mấy đời trước. Nội dung cuốn kinh chủ yếu cũng là cầu cho gia đạo thịnh vượng, an vui, cháu con phương trưởng giỏi giang và hiếu thuận.
Non trưa, bà Trang sai cô cháu gái đem bộ ba cá vàng ra thả phóng sinh tại gương hồ gần nhà, ý là để kịp tiễn vợ chồng Táo Quân và chầu trời trước giờ ngọ theo phong tục truyền thống.
Lúc ấy, vợ chồng con giai con dâu cũng vừa đưa đứa cháu gái sang gửi quà biếu tết bên nhà ngoại trở về. Bà Trang tươi cười hỏi han cô con dâu: "Ông bà bên nhà chuẩn bị tết đã đầy đủ chưa các con?".
Cô con dâu tươi cười: "Dạ vâng, đủ đầy hết. Mẹ ngồi nghỉ chút đi. Để con và cháu vào vái trong ban thờ rồi hạ lễ dọn cơm ngay đây ạ". Tết đã về trong không gian cổ kính, trong sắc hoa đào và thơm ngát khói hương.
TTO - Đối với Hứa Vĩ Văn, món ăn ngày tết anh thích nhất là bánh lá liễu (hay bánh trái đào) màu hồng bắt mắt của người Triều Châu (người Tiều) mà bà nội anh vẫn làm mỗi dịp tết, trong những năm tháng tuổi thơ...
Xem thêm: mth.14550718013101202-man-tahn-nol-ac-tet-yk-uad-iohk-oat-gno-gnoc-gno-gnuc-oc-mal/nv.ertiout