Triển vọng xuất khẩu năm 2021 nhìn từ 2020
Nguyễn Duy Nghĩa
(TBKTSG) - Xuất khẩu đã trở thành động lực quan trọng giúp kinh tế Việt Nam đạt được tăng trưởng dương, thuộc nhóm nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Năm 2021, Việt Nam chỉ đặt ra mục tiêu khiêm tốn là tăng trưởng xuất khẩu đạt 4,5%, thấp hơn cả mức đạt được trong năm 2020. Mục tiêu này, tuy thấp, nhưng cũng đầy thách thức.
Con tôm đã khom mình hết cỡ nhưng không gồng nổi sự giảm sút của ngành thủy sản.. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ |
Trước hết, hãy nhìn lại
Năm 2021 Việt Nam đưa ra mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 4,5% và duy trì mạch xuất siêu, thấp hơn mức tăng xuất khẩu 6,5% của năm 2020 so với năm 2019. Nông nghiệp vẫn là một trong những ngành có nhiều cơ hội, nhất là khi nhiều mặt hàng đã được giảm thuế trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), nhưng khó khăn cũng không nhỏ.
EVFTA đã có hiệu lực. Khoảng 840 dòng thuế, trong đó phần lớn có thuế suất từ 6-22%, sẽ về 0%... Trong đó, thuế nhập khẩu tôm vào Liên minh châu Âu (EU) có thuế suất 0%, lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh là Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Năm 2020 xuất khẩu tôm tăng 12%. Tuy vậy, dù con tôm đã khom mình hết cỡ nhưng không gồng nổi sự giảm sút của ngành thủy sản. Xuất khẩu thủy sản năm 2020 giảm 2,5%, là năm giảm thứ ba liên tiếp, do ba năm qua chúng ta vẫn chưa khắc phục được thẻ vàng của EU và dư lượng chất kháng sinh vẫn làm khách hàng nghi ngại.
Khép lại vụ vải thiều năm 2020 bội thu, 47,5% sản lượng được xuất khẩu. Bưởi đào Bắc Giang tới được Pháp. Chi Lê mở cửa cho bưởi tươi Việt Nam. Chuối bày bán ở siêu thị Hàn Quốc. Dừa tươi Việt Nam chiếm thị phần 61,4% trong tổng lượng dừa tươi nhập khẩu vào Thái Lan (năm trước đó là 51,3%)... Nhưng để vào được chợ “Tây”, rau quả Việt quá tốn kém, nhiêu khê, trong đó phải qua chiếu xạ. Vừa qua chuyên gia chiếu xạ người Mỹ vướng dịch, chậm sang, thế là tắc. Năm 2020 xuất khẩu rau quả xuống dốc tiếp, từ mức 3,8 tỉ đô la năm 2018 đến năm 2020 chỉ còn 3,2 tỉ đô la.
Năm 2020, xuất khẩu gạo vượt Thái Lan song đây có thể chỉ là bước đột phá tạm thời, bởi nền tảng của ngành lúa gạo của nước này vẫn rất mạnh. Thái Lan đã từng sáu lần giành giải nhất trong 12 cuộc thi gạo ngon nhất thế giới do Hội nghị Lúa gạo thế giới đã tổ chức. Thực hiện chiến lược lúa gạo năm năm vừa được công bố, Thái Lan đang đẩy mạnh phát triển 12 giống lúa mới, bao gồm bốn giống lúa cho gạo trắng hạt cứng, bốn giống lúa cho gạo trắng hạt mềm, hai giống gạo thơm Hom Mali và hai giống gạo dinh dưỡng cao.
Ở thị trường EU, gạo Việt Nam mới được cấp hạn ngạch 80.000 tấn mỗi năm, trong đó gạo chưa xay xát là 20.000 tấn, gạo xay xát và gạo thơm, mỗi loại 30.000 tấn, nhưng kèm một số ràng buộc như gạo thơm phải được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng; lô ruộng lúa thơm phải được kiểm tra đảm bảo độ thuần giống (phần trăm số cây) không nhỏ hơn 95%.
Kim ngạch xuất khẩu hạt điều năm 2020 kém năm 2019 khoảng 3% do giá xuất khẩu giảm 14% vì khách hàng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng; số vụ tranh chấp gia tăng, nhiều lô hàng bị trả về và phụ thuộc vào điều thô nhập khẩu. Năm 2020 nhập khẩu điều thô giảm 17% so với 2019.
Tính chung, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông thủy sản năm 2019 giảm 4,5% so với năm 2018, năm 2020 giảm tiếp 2,5% so với năm 2019 với 6/9 mặt hàng giảm là: thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu. Việc thất bát của mỗi mặt hàng có nguyên cớ riêng, song hầu hết đều có mẫu số chung là việc chế biến thủ công, đông lạnh và phơi nắng là chính.
Còn với nhóm tài nguyên - khoáng sản, những năm gần đây Việt Nam đã chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu. Chỉ riêng hai mặt hàng xăng dầu và than đá, năm 2020 Việt Nam đã nhập nhiều hơn xuất trên 5,7 tỉ đô la Mỹ.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến có kim ngạch xuất khẩu tăng trong năm 2020, nhưng các mặt hàng chủ lực như điện thoại, hàng điện tử, dệt may, da giày, túi xách... lại giảm. Trong đó, hàng dệt may giảm 10,2%, da giày và túi xách giảm 11%, điện thoại tuy chỉ giảm 1% nhưng con số tuyệt đối giảm xấp xỉ kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng vải mành kỹ thuật.
Và ngày càng khó hơn
Năm 2020 Việt Nam vướng vào 37 vụ bị điều tra, tăng 21 vụ so với năm 2019, gồm điều tra chống bán phá giá 20 vụ; chống trợ cấp 5 vụ; tự vệ 10 vụ; chống các biện pháp lẩn tránh phòng vệ thương mại 2 vụ. Đó là chưa kể nỗi lo về cước phí vận tải biển đã tăng vọt trong năm qua và chưa biết có sớm “bình thường cũ” trở lại được hay không.
Trung Quốc, thị trường xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam, đã không còn là khách hàng dễ tính. Xuất khẩu sang nước này giờ phải đủ bốn loại giấy tờ: tờ khai báo hải quan; chứng nhận kiểm nghiệm kiểm dịch; chứng nhận cách ly và sát trùng; báo cáo đạt yêu cầu về xét nghiệm nucleic acid coronavirus.
Trong cán cân ngoại thương, Việt Nam đã xuất siêu liên tục trong năm năm qua. Nhưng thành tích này có được là nhờ mức xuất siêu vượt trội của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó riêng năm 2020 xuất siêu của khối này lên tới 34,5 tỉ đô la. Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước thì chỉ toàn nhập siêu. Điều đó cũng có nghĩa là để tăng được xuất khẩu thì Việt Nam phải tăng nhập khẩu. Nếu nhìn sâu hơn vào cơ cấu hàng nhập, với nguyên liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất chiếm tỷ lệ áp đảo thì sẽ nhận ra ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam yếu cỡ nào.
Xem thêm: lmth.0202-ut-nihn-1202-man-uahk-taux-gnov-neirt/781313/nv.semitnogiaseht.www