Diễn đàn Vietnam Travel Bloggers & Youtubers gồm các bạn trẻ yêu du lịch. Trong tháng 12 năm 2020, cùng với công ty du lịch Hà Giang Trẻ - một trong những đơn vị tổ chức tour rất có ý thức bảo vệ môi trường (không sử dụng túi nylon trên xe), họ đã kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan chung khi du lịch Hà Giang.
Cả nhóm gần 10 người đã nhặt rác dọc con đường dốc dài 700m từ đường nhựa xuống bến thuyền sông Nho Quế, và hai bên đường, sau đó gom cho vào bao. Lượng rác ở đây khá lớn, hết vỏ bánh, kẹo, đến thuốc lá, vỏ chai, nắp chai, bim bim... Khi thấy các bạn trẻ chung tay nhặt rác, nhiều khách du lịch cũng tình nguyện tham gia cùng để hưởng ứng. Có những người thấy vậy liền tự động viên và nhắc nhở nhau không xả rác.
Trần Việt Anh, blogger của Dulichbui24.com và người sáng lập diễn đàn Vietnam Travel Bloggers & Youtubers cho biết: "Đây là một trải nghiệm đặc biệt với các thành viên trong nhóm vì đã làm một việc ý nghĩa vì không phải ai đi du lịch cũng nhặt rác. Chúng tôi mong muốn, mỗi khách du lịch sau khi ăn xong không xả rác ra môi trường, hay tại điểm du lịch, giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên từ những việc làm nhỏ nhất."
Đồng quan điểm với Việt Anh là anh Nguyễn Văn Long, sinh năm 1984, sinh ra và lớn lên tại Từ Liêm, Hà Nội, nhưng bén duyên với mảnh đất Hội An từ năm 2014. Khi đặt chân đến đây, nhận thấy tiềm năng du lịch của phố cổ mang tầm quốc tế, nhưng khúc sông Thu Bồn quá bẩn khiến cho các tour của anh không thu hút được nhiều khách. Bản thân là một người chuyên tour về sinh thái và cộng đồng tại khu vực phía bắc trước đó, khi đứng trước thực tế này, anh không cho phép mình bỏ cuộc.
Sau đợt cách ly thứ nhất của mùa dịch Covi-19 năm 2020, anh tích cực khuyến khích mọi người tham gia làm sạch cảnh quan. Thật ra, loại hình tour này được anh khởi xướng kể từ tháng 2 năm 2016. Khi thấy anh Long bắt tay vào làm tour vớt rác, nhiều người dân trong khu phố cổ không hiểu những gì anh làm và cho rằng anh lập dị khi một mình vớt rác ven sông trong trời nắng nóng. Tuy vậy, anh vẫn kiên trì với công việc mà anh đặt tên là “du lịch trách nhiệm”.
Giá tour là 15 USD/người cho cả khách nước ngoài đang cư trú hay đến du lịch tại Hội An, và người dân hay du khách Việt Nam nào muốn tham gia vào ngày trong tuần. Thứ bảy hàng tuần, anh Long xem đây là hoạt động thiện nguyện giúp người dân và du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nên không thu phí. Sau một thời gian, anh nhận thấy càng nhiều người hiểu công việc của mình và họ đến giúp đỡ anh thu gom khác, thậm chí còn giới thiệu cho bạn bè kể cả Việt Nam và nước ngoài về loại hình tour đặc biệt: chèo thuyền kayak đi vớt rác. Các booking tour loại hình này chiếm 15% thu nhập của công ty, anh Long cho biết.
Một người nước ngoài ở Hội An tham gia nhặt rác ven sông. Ảnh: NVCC.
Điểm xuất phát từ sông Hoài, đoạn xã Cẩm Thanh vào trong phố cổ với quãng đường là 6km. Hiện nay anh có khoảng 50 thuyền kayak phục vụ khách, mỗi tour có khoảng 10-20 người tham gia. “Trước khi đi, chúng tôi có một đội ngũ hướng dẫn khách cách chèo thuyền, đồng thời sử dụng dụng cụ vớt rác hay đẩy ghe rác vào bờ. Với chi phí 15 USD/người, chi phí này sẽ được sử dụng vào việc mua bao tải, thuê ghe thuyền thu gom rác, và đem rác lên bờ đi tiêu hủy”, anh nói.
Anh Long đang hướng dẫn cho khách chèo thuyền kayak đi vớt rác. Ảnh: NVCC.
Sau một thời gian cống hiến, loại hình tour này được chính quyền Hội An xem như một sản phẩm du lịch độc đáo nhằm quảng bá hình ảnh của Hội An đến thế giới trong các hội thảo về du lịch. Điều Long cảm thấy hạnh phúc nhất là được người dân ủng hộ tham gia hết mình. Sau khi quảng cáo tour trên mạng, nhiều du khách đến du lịch Hội An, người nước ngoài ở Hội An lâu năm cũng giới thiệu bạn bè đến tham gia.
Từng là hướng dẫn viên du lịch đi nhiều quốc gia trên thế giới, Huỳnh Văn No, quê Gò Quao, tỉnh Kiên Giang quyết tâm lập nhà máy sản xuất ống hút cỏ sậy và cỏ bàng cũng như giỏ đan lát để góp phần tăng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Huỳnh Văn No luôn trăn trở biện pháp hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Ảnh: NVCC
Vào những ngày cận Tết, nông dân tất bật hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho ra lò sản phẩm để kịp giao cho khách. Những đơn đặt hàng trong tỉnh và một số đối tác nước ngoài đã được hoàn thành. Anh cùng các nhân công đóng gói sản phẩm.
Hiện xưởng của anh đang tạo công ăn việc làm cho 12-15 nhân công địa phương với mức thu nhập 150.000-170.000 đồng một ngày một người. Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến công việc sản xuất của anh nhưng không vì vậy mà anh nản chí. “Vì bản thân từng là hướng dẫn viên du lịch và hay đi du lịch, tôi muốn sử dụng sản phẩm tự nhiên để hạn chế phần nào rác thải nhựa ra môi trường, hy vọng tất cả mọi người và những ai làm nghề du lịch sẽ sử dụng ống hút cỏ bàng hay cỏ sậy thay vì ống hút nhựa”, ông chủ sinh năm 1993 bộc bạch.
Thanh Thu
Doanh nghiệp tiếp thị