Những biến động dữ dội tuần qua không phải là bất ngờ, có chăng cường độ sốc một phiên là do ảnh hưởng tâm lý từ thông tin bùng phát trở lại của dịch Covid.
Tuần trước, đa số chuyên gia đều cho rằng thị trường chưa thể tạo đáy được ở nhịp phục hồi chỉ sau phiên giảm ngày 19/1. Những phiên tăng sau đó đã không thu hút được thanh khoản tốt. Việc thị trường sụt giảm mạnh hai ngày đầu tuần qua là hoạt động bán kế tiếp. Phiên sụt giảm lịch sử ngày 28/1 có sự tác động tâm lý của thông tin covid.
Đánh giá về ảnh hưởng của diễn biến covid, các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ không phản ứng sốc như hồi tháng 3 năm ngoái. Kết quả kinh doanh các quý cuối năm 2020 cho thấy khả năng đề kháng tốt của doanh nghiệp niêm yết. Tuy vậy thời điểm hiện tại thị trường đang trống vắng thông tin hỗ trợ cũng như nguy cơ các thị trường thế giới đạt đỉnh. Do đó thị trường trong nước có thể vẫn còn tiếp tục điều chỉnh.
Đánh giá rủi ro vẫn còn cao, các chuyên gia không thực hiện bắt đáy trong phiên cuối tuần qua, hoặc có thì chỉ ở mức tỷ trọng rất nhỏ. Các chuyên gia cho rằng vẫn có thể xuất hiện thêm một nhịp giảm nữa hoặc những rung lắc mạnh khi lượng hàng bắt đáy xuất hiện trở lại.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Một tuần lễ rúng động với các nhà đầu tư mới khi VN-Index bốc hơi hơn 110 điểm. Sự thận trọng của anh chị trong tuần trước đã tránh được rủi ro lớn, dù thông tin tái bùng phát Covid trong nước xuất hiện khá đột ngột. Phiên lao dốc kỷ lục tuần qua có phải là phản ứng với thông tin này?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi thì giai đoạn nhịp giảm đợt này cũng như phiên lao dốc kỷ lục phiên thứ 5 nguyên nhân chủ yếu không phải do đợt bùng phát Covid trong nước, mặc dù tin thông tin Covid làm đà giảm của phiên thứ 5 mạnh hơn và khốc liệt hơn. Nguyên nhân chủ yếu của nhịp giảm lần này theo tôi chủ yếu do:
i) Thị trường đã có một nhịp tăng quá mạnh và quá nóng trong một thời gian dài, nhiều mã đã tăng quá giá trị thật rất nhiều.
ii) Lượng margin giai đoạn vừa rồi quá căng. Tôi đang nói đến margin nổi (tiền công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư sử dụng) và margin chìm (tiền nhà đầu tư vay bạn bè người thân, ngân hàng,...) khi thị trường đảo chiều thì đây là áp lực cực lớn khiến thị trường có giai đoạn giảm mạnh như hiện giờ.
iii) Giá tăng đã phản ánh hết báo cáo tài chính, nhiều mã báo cáo tài chính không tốt nhưng giai đoạn trước đó vẫn tăng.
iv) Thị trường giai đoạn tết thường nhiều nhà đầu tư cần rút tiền cũng như giai đoạn tới chuẩn bị rơi vào giai đoạn vùng trũng thông tin.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Theo tôi diễn biến tiêu cực của thị trường trong tuần qua là tổng hòa của nhiều yếu tố như diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu, áp lực chốt lời tích lũy vùng giá cao, thị giá hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư với mùa báo cáo kết quả kinh doanh và cuộc họp chính sách của FED…
Dù vậy, để khiến thị trường có thể lao dốc mạnh như tuần qua với chỉ số VNIndex bốc hơi hơn 110 điểm, nguyên nhân chính vẫn đến từ việc xuất hiện các ổ dịch Covid-19 mới tại Việt Nam, thông tin khiến nhà đầu tư nhận ra rủi ro bùng phát dịch trong nước là hoàn toàn hiện hữu.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi cho đây là phản ứng có tính chất cộng hưởng từ các yếu tố như chỉ số VN-Index đã vài lần không vượt được mức đỉnh 1,200 điểm trong bối cảnh áp lực chốt lời trước kỳ nghỉ của một bộ phận nhà đầu tư gia tăng và lo ngại về một đợt bùng phát mới của dịch bệnh COVID-19.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Phiên lao dốc kỷ lục 6,67% trong tuần vừa qua đến từ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố không thuận lợi như: 1) Chứng khoán thế giới điều chỉnh từ vùng đỉnh, 2) Thông tin tái bùng phát Covid trong nước xuất hiện khá đột ngột và 3) Nhịp bắt đáy lần đầu tiên không thành công.
Đây không phải lần đầu tiên thị trường phản ứng với thông tin đến từ covid nhưng không phải là nguyên nhân chính. Tuần vừa qua cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của thị trường trong nước trong bối cảnh một số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đang bước vào pha điều chỉnh kể từ vùng đỉnh lịch sử.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Thị trường đã có nhiều phiên tăng điểm liên tục. Ngay trong tuần giao dịch trước đó chúng ta đã chứng kiến chuỗi phiên có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã phản ứng ngay khi không tăng nữa và thanh khoản khá thấp.
Tôi cho rằng chuỗi phiên điều chỉnh mạnh là 1 hệ lụy - hoạt động chốt lời đã diễn ra kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu bên cạnh thông tin COVID-19 cũng làm trầm trọng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Nhìn chung diễn biến điều chỉnh mạng kết hợp của nhiều yếu tốt bắt đầu từ hoạt động bán chốt lời cổ phiếu.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Kết quả kinh doanh đã xuất hiện hết và thị trường không còn thông tin hỗ trợ trong ngắn hạn, trong khi chứng khoán thế giới cũng có nguy cơ đạt đỉnh. Thông tin dịch bệnh quay lại có thể ảnh hưởng như thế nào, liệu có khiến kỳ vọng trên thị trường thay đổi?
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Theo nhận định của tôi thì có lẽ lo ngại về ảnh hưởng của một đợt bùng phát mới của dịch bệnh đối với thị trường chứng khoán sẽ không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng trong bối cảnh nhà đầu tư cũng đã không còn bị lâm vào kịch bản quá bất ngờ như khi dịch bệnh xảy ra vào Quý 1/2020.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Đúng thế - tâm lý lạc quan đối với thị trường đã thay đổi và chúng ta cũng phải thích nghi với những biến động, diễn biến mới để có thể đưa ra chiến lược đầu tư thận trọng và phù hợp.
Câu chuyện bùng phát dịch COVID-19 trở lại hiện nay có lẽ là thông tin ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư cũng như thị trường trong ngắn hạn. Tôi cho rằng diễn biến thị trường sẽ còn những điều chỉnh khó khăn trước mắt, nhưng sẽ khó cản bước hồi phục dần trong giai đoạn Quý I/2021.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi giai đoạn này chỉ là nhịp chỉnh tạo chiếu nghỉ cũng như "reset" lại dòng tiền để hướng đến đỉnh cao mới. Thông tin dịch bệnh quay lại chỉ ảnh hưởng ngắn hạn tới thị trường và không anh hưởng đến xu hướng trung và dài hạn của thị trường.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Từ kết quả kinh doanh ở năm covid lần thứ 1, nhà đầu tư đã có thêm cơ sở qua đó đánh giá lại kỳ vọng cho bức tranh của doanh nghiệp, ngành nghề cũng như thị trường trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh có thể quay lại.
Nhìn chung, triển vọng đối với thị trường chứng khoán vẫn rất tích cực dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh. Hỗ trợ thị trường là môi trường lãi suất thấp, chính phủ và ngân hàng trung ướng các nước vẫn tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, bên cạnh đó là dòng tiền từ các nhà đầu tư mới. Trong ngắn hạn, thị trường có thể điều chỉnh trước khi hướng tới các đỉnh mới cao hơn.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh đến thời điểm hiện tại cơ bản đã tương đối đầy đủ. Dù chưa làm các thống kê cụ thể, tôi đánh giá bức tranh chung về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 là tương đối tích cực, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Trong ngắn hạn, các thông tin đáng chú ý tiếp theo tác động đến thị trường sẽ bao gồm các số liệu vĩ mô tháng 1, diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu và đặc biệt quan trọng là thông tin về diễn biến dịch Covid-19 chủng mới tại Việt nam.
Kỳ vọng của thị trường là yếu tố rất dễ thay đổi và tôi không loại trừ khả năng dịch Covid-19 sẽ còn các tác động tiêu cực trong tuần tới.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Về mặt kỹ thuật VN-Index xuống quanh 1.000 điểm là vượt quá dự kiến của anh chị trong nhịp điều chỉnh này. Liệu thị trường đã chạm đáy thực sự hay chưa?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Hiện chưa có nhiều cơ sở để cho rằng thị trường đã tạo đáy, có chăng đây là nhịp nghỉ hoặc tái phân phối sau chuỗi giảm mạnh vừa qua.
Về mặt kỹ thuật, thị trường đã có đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước nên các phiên tăng điểm sau đó nhiều khả năng là hồi kỹ thuật, bên cạnh đó biên độ dao động của thị trường hiện đang rất lớn, đó là dấu hiệu ít thấy ở các vùng thị trường tạo đáy.
Trong ngắn hạn, nhịp giảm trong tuần vừa qua có thể coi là đợt bắt đáy lần thứ 2, do vậy cần phải xem kết quả đợt bắt đáy này hiệu quả đến đâu để xác nhận đáy của thị trường.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Khi thị trường điều chỉnh tôi cũng đã nghĩ đến việc VN-Index có khả năng điều chỉnh về khu vực 1040 1080 điểm. Cho dù tuột mốc 1.000 điểm nhưng thị trường đã bật lại nhanh với thanh khoản tốt để đứng trên ngưỡng 1040 điểm. Tôi cho rằng thị trường đã tạo đáy ngắn hạn và cần thêm thời gian hồi phục và tạo đáy 2 cao hơn đâu đó quanh mốc 1080 - 1100 điểm.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
The tôi rất khó để đưa ra dự đoán vùng đáy thị trường ở thời điểm hiện tại khi mà diễn biến dịch Covid-19 chủng mới còn là ẩn số.
Trong kịch bản tích cực, dịch sớm kết thúc như các lần trước, thị trường chứng khoán toàn cầu biến động ổn định, việc chỉ số VN-Index đã tạo xong đáy và quay trở lại xu hướng tăng là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên tôi không đánh giá cao kịch bản này và tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
VNindex chỉnh về mức quanh 1.000 không nằm ngoài dự đoán của tôi vì đây là ngưỡng hỗ trợ khá mạnh của thị trường. Theo tôi thị trường vẫn có khả năng cao sẽ có nhịp giảm thủng mốc hỗ trợ mạnh 1.000 điểm để giũ hàng bắt đáy cũng như những nhà đầu tư vẫn nắm giữ cổ phiếu từ nhịp trước đó.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Nếu theo lý thyết sóng Elliot thì chỉ số VN-Index hiện đang ở trong sóng điều chỉnh 4 và do đó có thể tạo đáy thấp nhất ở trong vùng 910 – 915 điểm.
Tuy vậy đây là trong kịch bản thị trường phản ứng thái quá và chúng tôi cũng hy vọng sẽ không xảy ra trường hợp này. Bên cạnh đó, mức điều chỉnh hiện tại cũng khá lành mạnh khi chỉ số VN-Index đã giảm gần 200 điểm tính từ mức đỉnh 1,200 điểm xuống quanh ngưỡng hỗ trợ mạnh 1,000 điểm, tương ứng với mức điều chỉnh gần 17%.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Nhà đầu tư bắt đáy mạnh mẽ trong phiên cuối tuần, anh chị có mua vào hay không. Anh chị đánh giá rủi ro trong hoạt động bắt đáy này như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Phiên cuối tuần tôi có tham gia giải ngân nhưng với tỷ trọng nhỏ 15% tài khoản với mục đích mua test (Giai đoạn trước đó tôi đã thoát hết ở nhịp hồi phục kỹ thuật và nắm giữ hoàn toàn tiền mặt). Hoạt động bắt đáy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhất là những nhà đầu tư không kiểm soát được tâm lý tham gia bắt đáy với tỷ trọng lớn nhất là dùng cả margin nữa. Khi thị trường giũ tiếp nhịp nữa những nhà đầu tư mua đuổi tỷ trọng lớn phiên cuối tuần rất dễ bị tâm lý và bán tháo cổ phiếu.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi có tham gia bắt đáy đầu phiên cuối tuần với tỷ trọng nhỏ một số cổ phiếu lớn. Tôi cho rằng thị trường vẫn không quả quá tệ - diễn biến hồi phục cũng sẽ diễn ra trong giai đoạn tới. Tất nhiên câu chuyện COVID-19 cũng là đáng lo ngại.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi cho rằng nhà đầu tư đã bắt đầu có thể tham gia giải ngân tuy nhiên chỉ nên thực hiện với một phần giá trị danh mục của mình trong bối cảnh rủi ro tham gia trở lại thị trường trong thời điểm hiện tại là không quá lớn.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tôi không tham gia trong phiên hồi phục này, hoạt động bắt đáy luôn có rủi ro cao cũng như tỷ lệ risk/reward không phù hợp, hơn nữa cũng cần xem các nhịp retest sẽ diễn ra như thế nào. Bên cạnh đó thông tin hỗ trợ đang cạn dần trong khi chứng khoán thế giới đang trong nhịp điều chỉnh.
Đối với nhà đầu tư, tuy vào vị thế hiện tại và mức chịu đựng rủi ro, có thể bắt đáy hoặc không, nếu đang có vị thế thì có thể tham gia bắt đáy để tận dụng lượng hàng sẵn có, hoạt động này có rủi ro cao nên sẽ phù hợp với các tổ chức lớn.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức trung bình thấp khi mà các yếu tố tác động đến thị trường còn diễn biến phức tạp và khó đánh giá. Hoạt động bắt đáy trong phiên cuối tuần phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, ứng với câu nói "high risk high return", và không thể kết luận là đúng hay sai.
Xem thêm: mth.48335915113101202-divoc-noc-iat-od-gnud-neit-gnod-eht-ux/nv.ymonocenv