Ngày 29-1, trung tâm tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở Bruay-la-Buissière (Pháp) tạm đóng cửa hai ngày mỗi tuần do thiếu vắc xin - Ảnh: lavenirdelartois.fr
Chính phủ Đức đã dọa sẽ đưa ra tòa đối với các hãng dược không tôn trọng nghĩa vụ hợp đồng về cung cấp vắc xin COVID-19 cho Liên minh châu Âu (EU).
Trả lời báo Die Welt ngày 31-1, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tuyên bố: "Nếu hiển nhiên các công ty không tôn trọng nghĩa vụ, chúng tôi sẽ phải quyết định về hậu quả pháp lý".
Tại sao lại chậm trễ giao vắc xin?
Trung tuần tháng 1-2021, Công ty Pfizer (Mỹ) thông báo giảm cung ứng vắc xin COVID-19 để cải tiến dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Puurs (Bỉ) nhằm tăng thêm công suất.
Pfizer giải thích sự việc này tác động tạm thời đối với các lô hàng từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2-2021 nhưng sau đó sản lượng vắc xin cung cấp sẽ tăng đáng kể vào cuối tháng 2 và tháng 3.
Kế đến Công ty dược AstraZeneca (Anh) thông báo trong quý 1-2021 giảm 40% số liều vắc xin đã cam kết với EU do một nhà máy ở châu Âu giảm công suất.
Trả lời báo Le Figaro ngày 22-1, ông Pascal Soriot - giám đốc điều hành AstraZeneca - giải thích: "Các vấn đề chúng tôi đang vấp phải liên quan đến sản xuất dược chất. Chúng tôi nghĩ đã giải quyết được vấn đề nhưng lại chậm hơn hai tháng so với mong muốn".
Trong khi Ủy ban châu Âu (EC) nghi bên AstraZeneca "đánh lẻ" lấy vắc xin đã cam kết cung cấp cho EU để giao cho Anh, ông Pascal Soriot lại đổ thừa cho hợp đồng.
Ông giải thích: "Hợp đồng đã ký với Anh vào tháng 6-2020, tức 3 tháng trước hợp đồng của EU. Chính phủ Anh đã quy định sản phẩm từ chuỗi cung ứng của Anh sẽ được giao cho Anh trước. Còn hợp đồng với EU chỉ quy định các điểm sản xuất của Anh là một lựa chọn cho châu Âu nhưng chỉ sau này mới tính đến".
Gần đây nhất vào ngày 28-1, Công ty Moderna (Mỹ) thông báo giảm 25% vắc xin giao cho EU và hy vọng đến cuối tháng 3 mới cung cấp đầy đủ.
Nhà máy sản xuất vắc xin COVID-19 của Pfizer ở Puurs (Bỉ) - Ảnh: brusselstimes.com
Gặp trục trặc về công nghệ?
Vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech được phát triển theo công nghệ ARN thông tin. Về lý thuyết, loại vắc xin này rất dễ sản xuất ở quy mô công nghiệp. ARN thông tin (mRNA) phải được bọc trong lớp hạt nano lipid (chất béo) nhưng đến nay vẫn chưa thể sản xuất hạt lipid trên quy mô lớn.
TS Dietmar Katinger - giám đốc Công ty Polymun Scientific (Áo) chuyên cung cấp hạt lipid cho BioNTech - giải thích trên báo Le Monde: "Từ lâu đây là thị trường ngách khá kỳ lạ. Rất ít công ty sản xuất chúng".
Kế đến là quy trình sản xuất vắc xin rất khó ổn định. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) từng lo ngại số lượng ARN hiệu quả có thể thay đổi rất nhiều giữa các lô vắc xin. Trong khi đó, Pfizer chưa bao giờ sản xuất vắc xin theo công nghệ ARN thông tin.
Vắc xin của AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford có chút khác biệt. Đây là loại vắc xin truyền thống sử dụng công nghệ vector virus, tức sử dụng phiên bản yếu của adenovirus nhiễm cho tinh tinh nhằm biểu hiện protein S trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Như vậy phải nuôi cấy hàng loạt tế bào động vật và cần môi trường lý tưởng (rất khó kiểm soát) về nhiệt độ, áp suất, độ axít, thành phần dinh dưỡng. Sau đó còn phải sàng lọc virus cẩn thận.
Khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng gồm kiểm tra độ tinh khiết, hiệu lực, độ an toàn vi sinh vật và tính vô hại cũng mất không ít thời gian.
Công ty Novasep ở Pháp - nhà thầu phụ của AstraZeneca chuyên sản xuất vector virus ở Bỉ - tiết lộ rằng sản lượng một chủng tế bào dùng để nhân virus không đủ, nhưng bên AstraZeneca không đưa ra bình luận nào.
Vắc xin COVID-19 của Moderna được giao đến Antwerp (Bỉ) ngày 16-1 - Ảnh: BELGA
Chậm trễ là chuyện bình thường?
Ông Stéphane Bancel - giám đốc điều hành Moderna - biện bạch trên kênh truyền hình LCI: "Thường phải mất từ 3-4 năm để xây dựng công cụ công nghiệp sản xuất một loại vắc xin mới. Thời gian phê duyệt vắc xin vừa qua chưa đầy 12 tháng dẫn đến vấn đề chung liên quan đến khởi động dây chuyền sản xuất. Công việc khởi động thường chậm trên thực tế trong khi không có kho dự trữ trước. Vì vậy, có chênh nhau thời gian cung cấp là chuyện bình thường".
TS Sylvie Briand - giám đốc phụ trách nguy cơ dịch bệnh và đại dịch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cũng giải thích với kênh truyền hình France Info: "Sản xuất hàng loạt không đạt như dự kiến. Hầu hết các loại vắc xin này là vắc xin mới nên các dây chuyền sản xuất có hạn chế. Pfizer và Moderna đã đầu tư từ vài tháng nay để cố tăng sản lượng nhưng rõ ràng không đủ vào lúc này".
Bộ trưởng phụ trách công nghiệp Pháp Agnès Pannier-Runacher nhận xét trên kênh truyền hình BFMTV là do các hãng dược phải cấp thiết cải tiến quy trình sản xuất nên giao vắc xin chậm trễ là "chuyện bình thường".
Bà giải thích: "AstraZeneca đang gặp khó khăn trong xây dựng năng lực công nghiệp… Đây là điều rất phổ biến. Tôi đã từng làm việc trong ngành sản xuất và tôi muốn nói trong lúc các bạn nỗ lực duy trì sản xuất công nghiệp đạt chất lượng và sản lượng tốt, chuyện chênh nhau một hoặc hai tuần là rất bình thường".
Để thúc đẩy các hãng dược giao vắc xin đúng hợp đồng, Chính phủ Pháp đã đề nghị Tập đoàn Sanofi cung ứng dây chuyền sản xuất cho Pfizer/BioNTech. Dự kiến từ tháng 7-2021, Sanofi sẽ sản xuất hơn 125 triệu liều vắc xin tại nhà máy ở Frankfurt (Đức).
Dây chuyền sản xuất vắc xin COVID-19 của AstraZeneca - Ảnh: AFP
TTO - Israel đánh giá chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đã phát huy hiệu quả. Các chuyên gia nhận định cần phải có nghiên cứu khoa học thêm. Vài tháng nữa thông tin mới rõ ràng hơn.
Xem thêm: mth.68144404113101202-tauht-yk-iol-od-iahp-oc-mahc-oaig-91-divoc-augn-nix-cav/nv.ertiout