Đêm 29 Tết năm Tân Sửu, chương trình Táo Quân chào đón năm Nhâm Dần được phát sóng. Đây là năm đầu tiên trong lịch sử Táo Quân, 2 nghệ sĩ Xuân Bắc và Công Lý không góp mặt trong vai trò Nam Tào và Bắc Đẩu, nhường chỗ cho 2 nghệ sĩ trẻ là Đỗ Duy Nam và Trung Ruồi, nhưng người cũng thường xuyên xuất hiện trong các chương trình giải trí của VTV những năm qua.
Theo thông báo từ Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình (TVad), giá quảng cáo của chương trình Gặp nhau cuối năm 2022 không thay đổi so với năm 2021.
Cụ thể, slot quảng cáo 30 giây có giá 650 triệu đồng. Các slot 20-15-10 giây có giá tương ứng là 487,5 - 390 - 325 triệu đồng.
Nếu có ai đó nói rằng Táo Quân năm nay quảng cáo nhiều hơn mọi năm, thì đó chỉ là cảm giác, bởi trên thực tế, chương trình Táo Quân năm nào cũng có "quota" 20 phút dành cho quảng cáo, chia làm 4 lần, mỗi lần 5 phút.
Thống kê chương trình Táo Quân 2022 cho thấy, đã có 28 thương hiệu mua quảng cáo với tổng thời lượng 11 phút 55 giây, đem về cho VTV khoảng 28 tỷ đồng.
Cũng như các năm trước, thời lượng quảng cáo được đa số các hãng lựa chọn vẫn là 30 giây (28 lần quảng cáo) và 15 giây (17 lần quảng cáo).
Quảng cáo nhiều nhất năm nay là Vietinbank, với tổng thời lượng lên tới 140 giây, cao gấp đôi so với các thương hiệu xếp sau. Đây là lần đầu tiên 1 ngân hàng "chiếm sóng" quảng cáo của Táo Quân và cũng là ngân hàng duy nhất xuất hiện trong Táo Quân 2022. Năm ngoái, có 2 ngân hàng quảng cáo trong Táo Quân 2021, là Vietcombank (70 giây) và SeABank (30 giây).
Có 4 thương hiệu quảng cáo 70 giây, gồm Silicone Apollo, Shopee, Thời trang Elise và VnPay. 5 thương hiệu quảng cáo 60 giây có Vua Nệm, Gran Melia, Vietnam Airlines, Sino, Omachi.
Ngoài ra, một số thương hiệu không chỉ xuất hiện trong phần quảng cáo, mà còn xuất hiện trên cả bảng chữ chạy bên dưới màn hình, và xuất hiện trên panel quảng cáo 5 giây góc bên dưới màn hình xuyên suốt chương trình Táo Quân.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị