Tết cổ truyền dân tộc luôn mang lại những cảm xúc hoài niệm, thổn thức với những người con xa xứ. Dù ở nơi đâu, họ vẫn luôn nhớ về nguồn cội. Với nghệ sĩ, cảm xúc ấy lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết.
NSƯT Kim Tiểu Long: Nhớ thương bữa cơm của mẹ
Vừa trở về nhà sau một ngày tất bật, NSƯT Kim Tiểu Long không giấu được sự mỏi mệt. Tuy nhiên nhắc về Tết cổ truyền của dân tộc, anh hạnh phúc nghẹn ngào. Những kí ức của những ngày tháng cũ vẫn như ngày hôm qua.
NSƯT Kim Tiểu Long. Ảnh: NVCC
“Tôi qua Mỹ năm 35 tuổi, đến nay cũng 12 năm có lẻ rồi. Hồi xưa, lúc còn ăn mặn, Tết gia đình tôi thường có nồi khổ qua nhồi thịt, món thịt heo kho hột vịt, hột gà… Ngày còn sống, mẹ tôi vẫn nấu, sau này mẹ mất thì có út, có bà cô nấu. Bản thân tôi xưa giờ rất dễ ăn, chưa bao giờ tôi ăn gì mà thấy không ngon.
Tôi không phân biệt món ăn ngon quá hay dở quá. Nhưng với tôi, ngon nhất vẫn là cơm mẹ nấu. Cơm của ông bà, cha mẹ, cái ngon nó khác lắm, không phải ngon từ sơn hào hải vị đắt đỏ, mà đó là cái ngon của hạnh phúc, đoàn viên”- từ Mỹ, NSƯT Kim Tiểu Long chia sẻ với PLO.
Hôm nay, ở Việt Nam là ngày 29 tháng Chạp, ngày cuối cùng của năm 2021. NSƯT Kim Tiểu Long nói ở Mỹ là ngày 28 Tết. Những ngày này, anh vẫn tất bật chạy show, cả trong những ngày Tết. Đêm giao thừa, hát xong, anh sẽ chạy về nhà, chỉ 5-10 phút là về tới, anh sẽ cùng gia đình đi chùa, hái lộc đầu năm, rồi đi thăm hỏi chúc tết người thân, anh em, bạn bè, đồng nghiệp…
“Sáng mai dậy, tôi sẽ đi mua mấy cặp dưa hấu, mua hoa cúc về cúng hai bên. Bánh chưng thì thường mọi người chuẩn bị rồi. Tôi vẫn sống bằng nghề ca hát, nuôi con”- anh nói.
Những năm trước, anh thường thu xếp về Việt Nam trước Tết nhưng hai năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, anh không về được.
“Năm nay, tới mồng 5 Tết tôi sẽ bay về Việt Nam. Dịch bệnh dạy tôi nhiều bài học, cuộc đời vô thường lắm, cứ sống nhẹ nhàng, tự nhiên, giúp được gì ai thì mình giúp, được sống một ngày cứ sống tốt, sống vui một ngày, đừng nghĩ đến những chuyên xa xôi. Sân si chỉ khiến cuộc sống nặng nề, phức tạp. Hiện tại tôi sống an nhàn, không đau khổ, không hận thù. Với tôi, có sức khoẻ là có tất cả”- NSƯT Kim Tiểu Long chia sẻ.
Những ngày Tết kề cận, ba nuôi của anh vẫn làm những món ăn đặc trưng của Việt Nam như gói bánh chưng, tự tay làm giò thủ… Anh ăn chay trường đã nhiều năm nay nhưng nhìn thấy những món ăn ba làm, vẫn nôn nao lắm. Anh nhớ Tết, nhớ quê nhà…
Ca sĩ Quang Thành 20 năm xa quê: ‘Vật chất không là tất cả!’
Năm nay, tròn 20 năm ca sĩ Quang Thành đón Tết xa quê hương. “Năm 2002 là năm đầu tiên tôi đón Tết một mình. Cái Tết đầu tiên xa nhà, cũng hồi hộp đón giao thừa nhưng cảm giác lạc lõng lắm vì không có gia đình ở bên. Tôi nhớ những cái Tết ở Việt Nam, cùng thức đón giao thừa với gia đình, có mẹ, lì xì cho các cháu, đến thăm hỏi nhà người này, người kia. Đi xa quê hương rồi mới nghiệm ra một điều - vật chất không là tất cả”- từ Mỹ, ca sĩ Quang Thành nói với PLO.
Ca sĩ, nhà biên tập Quang Thành bên mẹ. Ảnh: NVCC
Năm nay là cái Tết đầu tiên cả gia đình anh đoàn tụ đủ đầy nhất. Nam ca sĩ chia sẻ nhiều người vẫn nghĩ xa quê, phong tục tập quán sẽ dần mai một hay lai đi nhưng không phải. Với anh và bạn bè, những người quen biết ở Mỹ, những lễ hội, món ăn, tục lệ ở Việt Nam trong những ngày Tết kề cận theo thời gian càng đậm đà hơn.
“Người Việt mình đi đâu cũng hãnh diện về những phong tục tập quán đã được duy trì, gìn giữ qua bao thế hệ; các nhà hàng, chợ Việt Nam đông hơn, các loại mắm, bánh chưng cũng đủ đầy. Trước Tết, nghệ sĩ chúng tôi gặp nhau, các bộ môn cải lương, kịch nói, quay rầm rộ trước tết, quay hình phát trong dịp Tết. Nghệ sĩ biếu quà cho nhau. Cô Khánh Ly kho cá rất ngon, cô thường kho cá biếu mọi người. Tôi thì biếu bánh chưng. Mồng 1 Tết, nghệ sĩ gọi điện chúc tết nhau qua điện thoại, đi thăm nhà nhau…”- ca sĩ Quang Thành tâm sự.
“Từ khi có mẹ qua đây cùng tôi, ngôi nhà có bóng dáng của mẹ khiến những phong tục tập quán xưa của Việt Nam càng hiện rõ. Trước tết chúng tôi sẽ dọn nhà, trang hoàng nhà cửa, sắp xếp trang trí cành mai cành đào, câu đối đỏ…đều có hết. Những cái tết sau, có người lớn, có mẹ, nhà tôi có nồi thịt kho, dưa món,… Tuần này, tôi đi hát trước tết để kịp về đón giao thừa với gia đình của mình. Giao thừa tôi sẽ ở nhà, qua mồng 1, 2, 3 tôi đi hát ở chùa…”- ca sĩ, nhà biên tập Quang Thành chia sẻ thêm.
Hôm nay, ở Việt Nam đã là 29 Tết. Đêm nay, hàng triệu người Việt sẽ thức đón giao thừa. Với những người con xa xứ như NSƯT Kim Tiểu Long, ca sĩ Quang Thành..., dù có xa quê bao nhiêu năm, "mùi Tết" vẫn luôn là kí ức là kỉ niệm, là những năm tháng không thể nào quên.