Trương Bảo Xuyên (thứ hai từ phải sang) tại một sự kiện liên hoan cuối năm của cộng đồng người Việt ở Perth, Úc
Dịp Tết Nhâm Dần năm nay, nhiều bà con kiều bào không thể về quê hương do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Họ đành ôm nỗi nhớ quê hương vào lòng.
* Trương Bảo Xuyên (thành phố Perth, Úc):
Về Việt Nam ngày nào cũng Tết
Đã ăn 2 cái Tết xa quê giữa dịch bệnh nhưng năm nay tôi lại chuẩn bị đón giao thừa ở xứ người. Lo cho người thân, thèm không khí xuân rộn ràng, đầm ấm ở Việt Nam, tôi luôn mong sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.
Sống ở Úc hơn 6 năm, gần một nửa thời gian đó tôi sống chung với dịch COVID-19. Vé máy bay đã đặt từ 3 năm trước tôi vẫn giữ để trở về Việt Nam ngay khi có thể. Năm đầu tiên bị kẹt lại, tôi vẫn nhớ như in mình đã chuẩn bị mọi thứ để về ăn Tết, mua sẵn ít quà bánh cho người thân. Nhưng rồi dịch trở nên nghiêm trọng, tôi phải ở lại.
Không về được, buồn quá ngày nào tôi cũng gọi về cho gia đình. Tôi đặt người quen gửi hoa giấy cho mẹ chưng Tết để bù đắp. Hoa giấy như thay tôi ôm vào lòng mẹ. Mẹ thích lắm, vẫn giữ mấy chậu hoa để chưng Tết năm nay.
Một mâm ngũ quả cúng giao thừa của người Việt ở Đan Mạch gồm dưa lưới, xoài, thơm, cam, táo - Ảnh: Quế Viên
Thời gian đầu Úc áp dụng các biện pháp chống dịch rất nghiêm ngặt. Nhưng hơn cả lo lắng cho mình, tôi lo và nhớ gia đình. Mỗi ngày tôi lo sợ phập phồng, lo cho sức khỏe của người thân.
Đau lòng nhất là khi mỗi lần gọi điện thoại về mẹ lại nói, dịch bệnh nhiều quá ở quê, riết rồi không biết lúc nào thì đến lượt mình. Bây giờ biết cha mẹ đã tiêm ngừa hết, tôi cũng yên tâm phần nào.
Mới đó đã hơn 2 năm trôi qua. Tình hình dịch bệnh ở Úc vẫn còn phức tạp và Chính phủ Úc chưa mở cửa lại các đường bay quốc tế.
Vì vậy mọi công việc đều bị đình trệ lại, kinh tế chậm xuống và cuộc sống người dân cũng gặp nhiều khó khăn khi phải vừa chống vừa sống chung với dịch.
Cá nhân tôi cũng gặp khó khăn vì dịch bệnh khi việc kinh doanh của nhà hàng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi cũng không còn thường xuyên ca hát (nghề tay trái của tôi là ca sĩ) như trước.
Sống ở khu vực không có nhiều người Việt, lại thêm dịch bệnh nên tôi luôn tự nhủ phải tự mình vượt qua khó khăn.
Tôi may mắn có người yêu và gia đình người yêu coi tôi như thành viên trong gia đình. Tết năm nay cận kề rồi, chắc lại ăn Tết xứ người, gọi điện thăm và chúc Tết người thân rồi ở nhà tự đón Tết mình cùng vài người bạn.
Tự đón Tết 2 lần nhưng tôi vẫn phải gọi về để mẹ bày cách nấu thịt kho trứng, khổ qua, bày mâm cúng ông bà tổ tiên. Tôi mua được ít hoa về chưng Tết, bánh chưng bánh tét. Vừa đủ để đỡ nhớ nhà.
Những ngày Tết ở Việt Nam rất vui và mỗi lần trở về tôi đều dành hết thời gian cho gia đình. Nhưng giờ không biết bao giờ mới được về. Nếu về Việt Nam thì chắc ngày nào với tôi cũng là Tết.
Tết im ắng vì dịch bệnh
Hai năm qua các hoạt động mừng Tết của cộng đồng người Việt ở Perth cũng trở nên im ắng.
Năm nay hội chợ Tết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2021 (tức sau Tết) và có thể bị hủy nếu tình hình dịch bệnh phức tạp. Song cộng đồng người Việt rất mong chờ rằng năm nay sẽ có hội chợ Tết để mọi người được có nơi giải trí đúng nghĩa hương vị Tết quê nhà.
Tổ chức được hội chợ Tết cũng gửi đi thông điệp dịch bệnh đã ổn định và cuộc sống dần trở lại bình thường.
* Huỳnh Thành Nhân (Toronto, Canada):
Hẹn đón Tết ở Việt Nam
Ảnh kỷ niệm của gia đình năm 2020 sau 10 năm Huỳnh Thành Nhân du học và đón Tết xa nhà
Năm 2021, cái Tết COVID-19 đầy ám ảnh của nhiều người, với tôi lại là cái Tết đặc biệt vì là lần đầu tiên tôi đón Tết xa quê cùng vợ. Do ngày Tết cũng giữa mùa đông ở Canada, vợ chồng tôi không đi ra ngoài dạo chơi mà mọi ấm áp, yêu thương vun vén vào trong.
Chúng tôi làm mâm cúng nhỏ, nấu xôi, chè. Nhang tàn thì đĩa xôi cũng lạnh như muốn đông đá. Bên ngoài tuyết trắng xóa, nhưng trong lòng tôi rất ấm áp. Có người mình thương cùng đón Tết, hạnh phúc này thật mãn nguyện. Tết của vợ chồng tôi khá đơn giản. Chúng tôi tranh thủ đi chùa, đi chơi phố châu Á mua bao lì xì để mừng tuổi nhau ngày mùng 1.
Về Tết Nhâm Dần sắp tới, tôi dự định sẽ nghỉ hai ngày phép. Như mọi năm, tối giao thừa, hai vợ chồng sẽ gọi điện về gia đình hai bên. Đêm giao thừa mọi người ở Việt Nam khá bận, nên thường là để cuộc gọi video nhưng mọi người làm việc của mình.
Tôi đã quen với việc đón Tết qua màn hình nên tự hứa với lòng nếu sống xa Việt Nam thì sẽ luôn ưu tiên về quê ngày Tết. Khi có con sẽ càng như vậy để bé biết về quê hương, về phong tục lì xì mà trẻ em nào cũng thích.
Với tôi, Tết Việt là một cảm giác không dễ có. Tôi đã đón Tết cùng bạn bè Việt Nam, bạn bè châu Á ở Canada, có vui nhưng cái cảm giác ấm áp, sum vầy của ngày Tết bên gia đình rất đặc biệt và rất khác.
Cây mai làm bằng chỉ sợi của nhà tạo mẫu gốc Việt Đoàn Phương - Ảnh: Quế Viên
Gia đình luôn cho tôi cảm giác dù xa dù gần, dù không nói chuyện nhiều, nhưng mình ở đâu, làm gì, gia đình sẽ vẫn luôn ở đó và hỗ trợ hết sức có thể. Tôi vẫn nhớ mãi cái Tết năm 2020.
Năm đó, tôi về Đà Lạt làm đám cưới với người bạn thuở ấu thơ và lần đầu đón Tết ở Việt Nam sau khoảng 10 năm học ở Mỹ và Canada. Ba má tôi dọn dẹp nhà cửa, trưng hoa mai, hoa đào. Ngoài sân có hoa lan má trồng, có bưởi, bơ, chuối ba trồng.
Không khí đó, hình ảnh đó như đưa tôi trở lại thời thơ ấu với những cái Tết được ở nhà với gia đình. Tất cả những gì diễn ra xung quanh tôi năm đó đều rất là Tết. Mọi người đi bộ khá đông ngoài đường. Tôi cảm nhận được không khí Tết qua mùi hương, màu sắc, đồ ăn xung quanh.
Tôi đang là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu sinh học phân tử và tế bào Donnelly và Trung tâm Nghiên cứu kháng thể Toronto. Tôi tin lĩnh vực nghiên cứu của mình đang phát triển và trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa ở Việt Nam.
Tôi hy vọng một ngày có thể mở công ty của riêng mình và tin tưởng quê hương sẽ cho tôi cơ hội để thực hiện ước mơ này. Có thể sẽ trong vòng 5 năm hoặc ngắn hơn, chúng tôi sẽ đón Tết ở Việt Nam.
* Quế viên (thị trấn Rørvig, Vestsjalland, Đan Mạch):
Ăn Tết với người Đan Mạch
Tác giả Quế Viên (đứng) mặc áo dài mừng Tết Kỷ Hợi 2019 với đồng hương Việt Nam và bạn bè Đan Mạch (phía sau) tại nhà
Mỗi khi Tết đến, người trong nước hay hỏi người Việt sống ở nước ngoài, gọi chung là "Việt kiều", "Ở bển/bên đó có ăn Tết không?", còn người sống ở nước ngoài thì hỏi nhau "Năm nay ăn Tết thế nào?".
Đối với nhiều người Việt định cư ở nước ngoài, Tết lại trở nên quan trọng hơn lúc còn ở nhà. Có lẽ vì trong tâm khảm, Tết là một phần của quê hương. Thế nên dù bận rộn thế nào, ai nấy cũng bày vẽ chút đỉnh cho có hương vị Tết.
Một cô bạn tôi bỏ nhiều buổi tối ngồi tỉ mẩn dùng đồ đan móc để móc chỉ sợi thành những bông mai vàng, làm cây mai bonsai chưng Tết. Nhưng đón Tết ở phương xa phải "chín bỏ làm mười".
Không có mãng cầu, dừa trái mà muốn "cầu dừa đủ x(o)ài" thì tạm chưng bưởi, thơm, xoài, cam, táo, cũng đủ năm loại, năm sắc, tượng trưng cho ngũ hành.
Những năm gần đây ẩm thực Việt được biết đến nhiều tại Bắc Âu, nên vật liệu nấu ăn dễ mua hơn trước, chuyện ăn Tết cũng dễ dàng hơn. Sinh sống ở nước ngoài, hầu như ai cũng biết nấu ăn chút đỉnh vì khi thấy nhớ hương vị quê nhà, chỉ có cách tự lăn vào bếp.
Các cửa hàng thực phẩm của người Thái có bánh phở khô, bún khô, bánh hỏi khô... nhập từ Việt Nam, rau quả tươi đưa từ Bangkok qua, rau muống, cà pháo, khổ qua có đủ. Người Đan rất thích gỏi cuốn nên nhiều siêu thị Đan Mạch có bán bánh tráng Safoco. Một cửa hàng thực phẩm Á tại Taastrup - ngoại ô Copenhagen, có cả cánh gà đông lạnh, nước mắm Thanh Hà, nước dừa tươi Foco của Bến Tre.
Dễ kiếm hơn là cải xanh, cải ngọt, cải làn... do người gốc Việt tại Hà Lan trồng, trong khi giò bì, giò lụa, nem chua nhập từ Pháp sang. Các hội Tết của người Việt có đủ bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, xôi vị... do các nhóm chị em tình nguyện chung sức thực hiện.
Mấy năm qua gia đình chúng tôi thường dành một ngày cuối tuần trước rằm tháng giêng để mời một số bạn bè, Đan và Việt, đến dùng một bữa cơm, tạm gọi là ăn Tết. Các món Việt hợp khẩu vị người Đan vì không có quá nhiều dầu mỡ, không quá cay, cũng không quá mặn hay quá ngọt.
Những câu chuyện quanh bàn ăn ngày Tết cũng là dịp để cho người gốc Việt giới thiệu với bạn bè người Đan đôi chút về quê hương. Sau trái dưa đỏ là cả câu chuyện về Mai An Tiêm, một điển hình cho sự phấn đấu của người Việt ở phương xa.
Các gia đình Việt ăn Tết Tân Sửu năm ngoái hy vọng và cầu nguyện năm mới tình hình sẽ sáng sủa hơn. Tuy nhiên diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đón Tết Nhâm Dần của cộng đồng người Việt ở Đan Mạch.
Từ tháng 10-2021, Chính phủ Đan Mạch đã áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội và ngày càng siết chặt hơn theo sự phát triển khó lường của dịch bệnh. Nên nhiều người gốc Việt ở Đan dự định ai ở nhà nấy cho yên. Nhiều người cũng phải tạm thời gác lại chuyện về quê ăn Tết. Vài người bạn tôi đã sớm lên kế hoạch "Tết livestream".
Tối giao thừa ở quê nhà, chẳng ai có thể đi ngủ sớm nên cũng tiện cho chuyện ghi hình. Nếu chịu khó thu xếp thời gian, có thể cùng bè bạn hát "Ly rượu mừng", "Đón Xuân" qua gọi video. Không như những năm xưa, khi mạng xã hội các loại chưa phát triển, có những ngày Tết bật karaoke ngồi hát "Xuân họp mặt" một mình.
Tết với những người phương xa chỉ gói gọn trong một vài hôm rồi lại trở về với cuộc sống thường nhật, hòa với nhịp sống, với môi trường xung quanh. Rồi đúng một năm sau sự nôn nao vì Tết lại quay về, khi quê hương vẫn ở trong lòng thì không có chuyện không ăn Tết!
Tết của trẻ nhỏ
Với những người trẻ, Tết có những ý nghĩa khác. Có lần tôi hỏi một bé Đan - Việt 5 tuổi có biết Tết là gì không, có thích Tết không. Bé đáp là có.
Tết được mẹ cho mặc áo dài chụp hình, được tới hội trường xem văn nghệ, có mấy anh chị múa lân rất vui, được ăn nhiều món ngon. Bé khoe còn biết nói "Chúc mừng năm mới" bằng tiếng Việt để chúc Tết bà cố với ông bà ngoại qua video.
Hiện có khoảng 16.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Đan Mạch.
TTO - Video Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink chúc Tết bằng hình thức hát rap được truyền thông quốc tế gọi là "món quà bất ngờ" gửi tới những người đón Tết, là điều mà có lẽ gần như không ai có thể tưởng tượng.
Xem thêm: mth.73474054171102202-tet-oc-gnohk-eht-gnohk-gnol-gnort-gnouh-euq/nv.ertiout