Theo các sách tử vi, người sinh năm Nhâm Dần thường nhạy cảm, cởi mở và ít nóng nảy hơn so với những tuổi Dần còn lại. Người sinh năm này cũng có khả năng kiểm soát cảm xúc và tập trung chú ý tốt hơn. Mạnh mẽ không kém các tuổi Dần khác, nhưng Nhâm Dần không phải vật lộn để kiểm soát sức mạnh của mình. Họ ít tức giận hơn khi mọi việc không diễn ra như dự định, và có thể thích ứng tốt hơn với những thay đổi thói quen vào phút chót.
Đặc biệt người tuổi Nhâm Dần có trực giác tốt và thực tế hơn, cũng như rất giỏi trong giao tiếp và ít mắc sai lầm trong các nhận định của mình. Họ có tài thuyết phục, ăn nói cực kỳ lưu loát và có thể thành công trong thương thảo.
Sau đây là một số tỷ phú nổi bật mang tuổi Nhâm Dần (sinh năm 1962) trong top 200 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Nguyễn Duy Hưng
Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI
Ông Nguyễn Duy Hưng vốn sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo, bố mẹ đều là giáo viên. Ông Hưng may mắn khi được lựa chọn đi du học Đông Âu, để trở thành một nhà khoa học. Nhưng khi trở về, Nguyễn Duy hưng lại làm cho một cơ quan quản lý nhà nước. Sau 3 năm làm việc trong môi trường nhà nước, ông Hưng xin nghỉ để ra ngoài kinh doanh.
Ông Nguyễn Duy Hưng khởi đầu với một công ty về cung cấp dịch vụ làm sạch cao ốc và công trình công cộng có tên PAN Pacific. Ông Hưng luôn ấp ủ việc tổ chức một kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp trong nước. Công ty Chứng khoán SSI ra đời cuối năm 1999, cùng năm với sự ra đời của thị trường chứng khoán tại Việt Nam, là công ty tư nhân đầu tiên được cấp phép thành lập. Vốn điều lệ của SSI chỉ 6 tỷ đồng thì đến năm 2022 đã lên đến 9.847,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Hưng từng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba nhờ những đóng góp cho sự phát triển thị trường chứng khoán.
Hiện vị tỷ phú này đang đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau như: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI); Chủ tịch HĐQT CTCP Xuyên Thái Bình (PAN); Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM); Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH NDH Việt Nam. Tính đến thời điểm ngày 25/1/2022, giá trị vốn hóa tài sản của ông Nguyễn Duy Hưng ở mức 5.249 tỷ đồng.
Đỗ Quang Hiển
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB
Ông Đỗ Quang Hiển hay còn được gọi là Bầu Hiển. Ông là người nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T. Ông cũng là Chủ tịch HĐQT của: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF); Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS); Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land); Tổng Công ty Bảo hiểm BSH; CTCP Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang.
Ông Hiển vốn học khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1984-1987, sau khi tốt nghiệp ngành vật lý vô tuyến, ông làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình, Đài Phát thanh Hà Nội. Sau đó ông Hiển chuyển sang làm kỹ sư tại Công ty điện tử Hà Nội rồi gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia. Năm 1993, ông nghỉ nhà nước để ra ngoài kinh doanh. Hãng T&T của ông lúc đầu buôn bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông.
Khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, Đỗ Quang Hiển lan sang thị trường xe gắn máy, đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe gắn máy.
Năm 2007, ông đầu tư vào lĩnh vực tài chính, trở thành cổ đông chính (14%) và Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC).
Về mặt thể thao, năm 2006, bầu Hiển thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, câu lạc bộ này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009.
Ông Hiển có hai người con trai gồm Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989 và Đỗ Vinh Quang sinh năm 1995. Đỗ Quang Vinh hiện đang làm phó tổng giám đốc tại SHB.
Tính đến ngày 25/1/2022, vốn hóa giá trị tài sản của tỷ phú Đỗ Quang Hiển là 1.428 tỷ đồng.
Huỳnh Bích Ngọc
Phó chủ tịch HĐQT Thành Thành Công
Bà Huỳnh Bích Ngọc là một nữ doanh nhân nổi tiếng và quyền lực tại Việt Nam. Hiện bà Ngọc giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công- Biên Hòa và phó chủ tịch HĐQT tập đoàn Thành Thành Công.
Gia đình bà Ngọc cũng là một gia đình nổi tiếng trong giới kinh doanh: chồng là ông Đặng Văn Thành - chủ tịch Thành Thành Công, con trai cả Đặng Hồng Anh là Chủ tịch Sacomreal, con gái Đặng Huỳnh Ức My là công chúa ngành mía đường.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Doanh nhân Sài Gòn, bà Ngọc từng chia sẻ cơ duyên đến với nghề đường của vợ chồng bà đơn giản là vì mưu sinh. Lúc đó kinh doanh mật rỉ đường là nghề của dì ông Đặng Văn Thành, thế là hai người thành lập cơ sở Thành Công sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc...
Thời gian đầu, cơ sở Thành Công do một mình ông Thành quản lý, bà Ngọc chỉ làm thủ quỹ và nội trợ. Đến năm 1991, khi ông Thành quyết định chuyển sang lĩnh vực mới là ngân hàng (Sacombank), bà Ngọc mới thay chồng quản lý tiếp và sau đó là sự ra đời của Thành Thành Công.
Hiện giá trị tài sản của nữ tỷ phú này tính đến ngày 25/1/2022 là 1.574 tỷ đồng.
Nguyễn Mạnh Tuấn
Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn là 1 trong những người bạn sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân và cùng khởi nghiệp cùng tỷ phú Trần Đình Long. Từ năm 1996 đến năm 2000, ông Tuấn là phó giám đốc công ty ống thép Hòa Phát đồng thời là trưởng phòng kinh doanh. Từ năm 2004, ông Tuấn chuyển lên vị trí giám đốc công ty TNHH Ông thép Hòa Phát kiêm Giám đốc thương mại Hòa Phát. Từ năm 2007, vị tỷ phú sinh năm Nhâm Dần này giữ vị trí phó chủ tịch tập đoàn.
Mảng thép mà ông Tuấn phụ trách hiện là trụ cột của tập đoàn Hòa Phát. Giá trị vốn hóa của khối tài sản ông Tuấn sở hữu trên thị trường chứng khoán tính đến ngày 25/1/2022 là 4.088 tỷ đồng.
Ông Tuấn là người kín tiếng khi chưa từng xuất hiện trên truyền thông bao giờ.
Trịnh Văn Tuấn
Chủ tịch HĐQT CTCP Xây lắp điện 1 (PC1)
Ông Trịnh Văn Tuấn vốn xuất thân là Kỹ sư Điện, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông Tuấn giữ vị trí trưởng phòng kinh doanh xí nghiệp xây dựng điện từ năm 1999. Sau đó ông Tuấn được bổ nhiệm lên vị trí Phó giám đốc xí nghiệp lắp máy và xây dựng điện dân dựng. Từ năm 2003, ông Tuấn lên vị trí giám đốc xí nghiệp lắp trạm và xây dựng CTCP Xây lắp điện 1. Đến năm 2005 thì giữ vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị đến nay. Hiện ông Tuấn sở hữu 21% vốn cổ phần CTCP Xây lắp điện 1 với giá trị vốn hóa tài sản khoảng 1.588 tỷ đồng (tính tại ngày 25/1/2022).
Ngoài vị trí chủ tịch PC1, vị tỷ phú tuổi Nhâm Dần này còn là chủ tịch HĐQT tại CTCP Lắp máy công nghiệp Việt nam và CTCP Thủy điện Trung Thu.
Vị chủ tịch Trịnh Văn Tuấn của PC1 cũng chưa từng xuất hiện trên truyền thông bao giờ.
http://tintuc.vdong.vn/02/1209182.htmThảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị