Thủ tướng trò chuyện qua bộ đàm với các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: VGP
Trao đổi với báo chí ngày 31-1 tức ngày 29 tết, Bộ trưởng Long cho biết đây là kết quả của một quá trình chúng ta đã triển khai trong năm qua, từ tiêm chủng, chuẩn bị năng lực cho hệ thống y tế, kinh nghiệm điều trị, tổ chức phân tuyến...
"Tuy nhiên chúng ta không được chủ quan và giảm sự nỗ lực vì trong dịp tết nhu cầu giao lưu, đi lại tăng mạnh, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, thăm hỏi người thân. Tôi đề nghị vẫn phải áp dụng 5K, đeo khẩu trang khi đi chơi, thăm hỏi dịp tết... Trong tết này, các cơ sở điều trị COVID-19 đều đang hoạt động như bình thường"- ông Long nói.
Ông Long cũng báo tin vui cho cán bộ y tế đã vất vả suốt năm qua và đang chăm sóc, điều trị người bệnh, tổ chức tiêm chủng ngay cả trong dịp tết là đang xây dựng nghị định trình Chính phủ mức phục cấp 100% lương đối với nhân viên y tế thôn bản, y tế dự phòng... Hiện hành phụ cấp cao nhất cho cán bộ y tế là 40-70% lương cơ bản.
Có nhiều ý kiến cho rằng chủng Omicron không đáng lo ngại khi hầu hết trong số gần 200 ca đã ghi nhận tại Việt Nam đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, ông Long cho rằng điều lo ngại nhất của chủng Omicron là tốc độ lây nhiễm nhanh, chủng Delta đã lây lan nhanh nhưng Omicron còn nhanh hơn. Với người chưa tiêm vắc xin nguy cơ lây nhiễm tăng gấp 7 lần so với Delta, với người đã tiêm cao gấp 3 lần.
"Đây là điều lo ngại nên chúng ta vẫn đang quản lý giám sát ca mắc Omicron chặt chẽ để ngăn lây nhiễm trong cộng đồng. Tỉ lệ ca mắc Omicron diễn biến nhẹ là có, nhưng nếu số ca mắc tăng lên thì số ca nặng cũng sẽ tăng lên nên vẫn phải có những biện pháp y tế công cộng để ca mắc mới không tăng nhanh quá mức" - ông Long nói.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Quản lý F0 tại nhà như thế nào, khi nào được coi là "dấu hiệu chuyển nặng"?
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, cơ sở quản lý sức khỏe người mắc COVID-19 hướng dẫn người mắc COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào Phiếu theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà, 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị.
Các chỉ số, triệu chứn cần theo dõi hàng ngày gồm nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể), các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…
Phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay với Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:
1) Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
2) Nhịp thở
- Người lớn: nhịp thở ≥ 20 lần/phút
- Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,
- Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút
(Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).
3) SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.
5) Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
6) Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
7) Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
8) Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
9) Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...
10) Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
11) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.
Người mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.
Y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM được tặng thư pháp trong chương trình Tết sớm - Ảnh: THU HIẾN
TP.HCM: Mức độ dịch có tín hiệu lạc quan cho người dân đón Tết
Theo Sở Y tế TP.HCM, TP.HCM đang là địa phương có tỉ lệ bao phủ vắc xin mũi 1, 2, 3 cao nhất nước/dân số/vắc xin phân bổ.
Trong 3 tuần vừa qua, TP liên tục duy trì cấp độ dịch ở mức 1 (vùng xanh), số ca mắc mới cũng giảm dưới 200 ca/ngày. Nếu tính tỉ lệ trên 100.000 dân có thể TP.HCM là địa phương đang có số ca mắc thấp nhất hiện nay.
Những thông tin trên là một tín hiệu lạc quan với người dân TP.HCM trong không khí Tết đến, xuân về.
Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít nước mà chủng Omicron chưa chiếm ưu thế (chủng Delta vẫn chiếm ưu thế). Tuy Omicron có vẻ không quá nghiêm trọng nhưng khi số ca mắc tăng cao sẽ kéo theo số ca nặng sẽ tăng, nhất là khi tốc độ lây nhiễm của chủng Omicron quá nhanh.
Các chuyên gia cho rằng trong dịp Tết này, ý thức tuân thủ 5K của mỗi người dân vẫn vô cùng quan trọng vì nguy cơ mắc bệnh luôn hiện hữu. Người dân trong những ngày Tết khi ra ngoài phải mang khẩu trang, hạn chế tập trung quá đông người trong không gian hẹp, kín.
Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10,11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hà Nội đón "em bé Nhâm Dần" đầu tiên
Đúng giao thừa năm Nhâm Dần, Bệnh viện Phụ sản trung ương đã đón "em bé Nhâm Dần" đầu tiên của Hà Nội. Bé là con trai thứ 2 của chị Nguyễn Thị Châm ở Cầu Giấy, Hà Nội, nặng 3,3 kg và chào đời bằng phương pháp sinh thường.
Ông Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện phụ sản trung ương là người trực tiếp đón em bé chào đời. Ông cho biết rất hãn hữu mới có em bé chào đời đúng giao thừa mà sinh thường như bé trai này.
"Mẹ bé đã có dấu hiệu chuyển dạ từ 8-9h tối nhưng đặc biệt làm sao bé đợi đúng giao thừa mới ra đời. Cách đây vài năm tôi cũng đón một em bé như vậy, đúng thời khắc bé chào đời là pháo hoa ở bờ Hồ Hoàn Kiếm bừng sáng. Năm nay không bắn pháo hoa nhưng thời điểm cũng đúng thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới"- ông Cường nói.
Năm 2021 Bệnh viện Phụ sản trung ương đón khoảng 20.000 em bé, trong đó có 1 bé sinh non chỉ nặng 400 gr và bệnh viện đã nuôi dưỡng thành công, hiện bé nặng khoảng 1,5 kg.
Em bé Nhâm Dần đầu tiên của Hà Nội - Ảnh: L.ANH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội ngày 31-1 thông tin trong 24 giờ ghi nhận 2.724 ca COVID-19, giảm 200 ca so với hôm qua, 412 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (164); Đông Anh (121); Đống Đa (112); Chương Mỹ (103); Bắc Từ Liêm (95)... Từ ngày 29-4-2021 đến nay Hà Nội ghi nhận 134.669 ca COVID-19.
Tới hết ngày 30-1, toàn thành phố có 66.409 F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (151 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (168 ca), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.070 ca). Số theo dõi cách ly tại nhà là gần 61.000 người.
Hôm qua, Hà Nội ghi nhận 25 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29-4-2021 đến nay là 636 người, chiếm 0,46% tổng số ca nhiễm.
- Chiều tối 31-1, Hà Nam công bố thêm 159 ca COVID-19. Trong đó có 144 F0 được phát hiện qua sàng lọc y tế, các trường hợp còn lại là F1 của các bệnh nhân đã được ghi nhận trước đó. Trong ngày 30-1, Hà Nam cũng ghi nhận 160 ca COVID-19 ; ngày 29-1 là 158 ca COVID-19. Tính từ ngày 19-9-2021 đến thời điểm hiện tại, Hà Nam ghi nhận 5.720 ca COVID-19, trong đó đã có 4.753 người đã khỏi bệnh.
TTO - Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.275.727 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.268.708 ca, trong đó có 2.019.633 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.