Cua biển Cà Mau được nuôi dưỡng dưới tán rừng ngập mặn nên chất lượng thịt thơm ngon khó có nơi nào sánh bằng nên người tiêu dùng ưa chuộng. Tận dụng lợi thế trên, nhiều hộ dân ở huyện Năm Căn đã thực hiện mô hình "vỗ béo cua mẹ" (hay còn gọi là sản xuất cua ốp trứng) để cung ứng cho thị trường, đặc biệt là vào dịp Tết. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Cua biển Cà Mau nổi tiếng gần xa bởi chất lượng thịt thơm ngon và gạch nhiều
Được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Niêm (ngụ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn), người có hơn 15 năm gắn bó với nghề vỗ béo cua mẹ. Theo chia sẻ của ông Niêm, để thực hiện mô hình này, người dân chỉ cần đầu tư thùng nhựa gièo cua, hệ thống ôxy… Đây là mô hình đơn giản, dễ thực hiện vì chỉ cần người nuôi chọn được những con cua gạch đạt chuẩn và chịu khó quan sát cua mẹ lúc vỗ béo thì tỉ lệ thành công rất cao.
Những con cua gạch đạt chuẩn sau khi làm vệ sinh sẽ đưa vào thùng chạy ôxy
"Đến con nước xổ vuông, tôi thường đến tận nhà dân tìm mua những con cua đầy gạch có mẫu mã đẹp, khỏe, trọng lượng từ 450 - 600gram về làm cua mẹ. Sau khi chọn được những con cua ứng ý thì tiến hành làm vệ sinh, cắt bỏ một mắt của cua, cho vào thùng chứa chạy ôxy và thay nước hàng ngày. Khi cua có dấu hiệu đẻ thì chuyển sang thùng chứa có cát" - ông Niêm chia sẻ.
Để giảm hao hụt, những người thợ vỗ béo cua ở Năm Căn chỉ nuôi mỗi con một thùng và cho ăn 1 lần/ngày. Thức ăn cho cua có rất nhiều ở địa phương, như: cá tạp, ốc… nên không tốn nhiều chi phí. Sau khi chăm sóc từ 10-30 ngày, cua mẹ có dấu hiệu sinh sản sẽ tiếp tục nuôi dưỡng khoảng 1 tuần là có thể xuất bán, giá dao động từ 1-2,2 triệu đồng/con, tùy loại.
Một con cua mẹ ôm trứng có thể bán từ 1 - 2,2 triệu đồng/con
Cua mẹ ôm trứng có thể đẻ trên dưới 2 triệu ấu trùng, đạt 200 -500 con cua con.
Tiếp lời ông Niêm, anh Nguyễn Văn Minh cho hay cua mẹ sau khi sinh sản sẽ ôm trứng, màu trứng biến đổi theo từng giai đoạn. Cụ thể, từ ngày nở thứ 1 đến ngày thứ 4, trứng sẽ có màu vàng; ngày thứ 5-8 màu xám, từ ngày 9-12 sẽ có màu đen. Mỗi con cua mẹ mang trứng có thể nở trung bình trên dưới 2 triệu ấu trùng, đạt từ 200 - 500 con cua con.
"Với lợi thế gần biển, độ mặn luôn đạt từ 25-30 phần ngàn nên địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề vỗ béo cua mẹ. Nhu cầu mua cua mẹ của các trại sản xuất cua giống trong và ngoài tỉnh là rất lớn nên người dân không phải lo chuyện đầu ra. Trung bình mỗi tháng, tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng" – anh Minh phấn khởi nói.
Theo lời nhiều người dân lớn tuổi tại địa phương, những hộ vỗ béo cua hơn nhau ở kinh nghiệm, người có thâm niên trong nghề thì tỉ lệ thành công khoảng 80%. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá cao đã giúp đời sống nhiều hộ dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay đã có rất nhiều hộ gắn bó với nghề này.
Xem thêm: mth.75334920110202202-gnurt-mo-em-auc-oeb-ov-ehgn-oad-cod/et-hnik/nv.moc.dln