"Mất hết 4 bao lúa của tao vừa mới bán rồi đó tụi bây"
Mỗi lần về thăm quê vào dịp cuối năm, ngày tết, nhìn di ảnh ông bà ngoại trên bàn thờ, gương mặt đầy vẻ phúc hậu, ánh mắt hiền hòa làm tôi càng thêm bùi ngùi xúc động. “Quanh năm lam lũ ngoài cánh đồng để lo con, sau này đến các cháu. Bà chưa bao giờ than cực khổ, vất vả, niềm vui ấy càng được nhân đôi khi nghe tin các cháu đậu đại học, đứa kia ra trường. Tiền có bao nhiêu bà cất thật kỹ chỉ dành tụi nhỏ học hành…”, má tôi bồi hồi nhớ lại.
Khu đất rộng và căn nhà mái ngói của ngoại mấy chục vẫn không hề thay đổi KHÔI NGUYÊN |
Ông bà sinh ra, lớn lên ở vùng sâu ven con sông Vàm Cỏ Đông hiền hòa thuộc ấp 1A, xã Hựu Thạnh, H.Đức Hòa (Long An). Ngoại có 6 người con, cuộc chiến đi qua, một cậu vĩnh viễn nằm lại bên hàng dừa nước. Hai cậu mang đầy vết thương trên cơ thể với giấy chứng nhận thương binh. Ba người con gái, trong đó có má tôi, hàng ngày gánh vác mọi việc đồng áng để phụ giúp ông bà.
Sau giải phóng, thời kỳ đầu bao cấp, ông bà dù khá nhiều ruộng vườn nhưng vẫn nghèo xơ, nghèo xác. Tuổi ngoài 60, vậy mà từ sáng tinh mơ đến chiều tà, ngoại vẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhổ cỏ, bón phân cho cây lúa. Hết mùa vụ, ông bà, má và dì tôi còn tranh thủ đi làm thuê kiếm thêm thu nhập để mong thoát cảnh nghèo nơi chôn nhau, cắt rốn. Cuộc sống bộn bề, cực khổ cứ đeo bám, vậy mà điều lạ rất lạ là cả nhà không hề than thở mà chỉ mong các cháu học hành thành đạt thoát khỏi cảnh chân lấm, tay bùn nơi vùng quê khốn khó.
Ngoại cứ nhắc đi, nhắc lại khi các cháu về thăm: “Các cháu còn trẻ nên cố gắng mà lo ăn học, sau này có chữ nghĩa đi làm đừng dốt như tao và má tụi bây”. Dù không ai bảo ai, sáng mùng Một Tết là hầu hết con cháu, dù xa hay gần, đều có mặt đầy đủ trong căn nhà rộng mái ngói chữ đinh. Cách 10 năm trước, thành viên gia đình chừng 20 người nay đã lên “quân số” 30. Ai về đều vui mừng tay xách, nách mang vài ba món quà gọi là chúc mừng năm mới, chúc tuổi cha mẹ, ông bà nội, ngoại.
Cúng xong, ngoại lần lượt xếp hai hàng từ lớn đến nhỏ ngồi dài hai bên trên tấm đệm còn mới tinh khôi lót dưới nền gạch chúc mùa xuân đang nở hoa. Lần này thì bà hít hà: “Chà, cháu đứa nào, đứa nấy cao lớn hết rồi, năm nay bà lì xì thế nào cho được đây” bà hỏi và cười rất tươi. Má, dì, cậu cùng anh em chúng tôi đón nhận bao lì xì đỏ tươi bên trong là tờ giấy 10.000 đồng còn mới tinh. “Mất hết 4 bao lúa của tao vừa mới bán rồi đó tụi bây”, ngoại nói.
Tôi liền chọc bà, giá cả lên, lương lên, nhiều thứ tăng ào ào chỉ có bao lì xì của ngoại là giữ nguyên từ thời bao cấp đến giờ. Bà liền nói: “Tổ cha mày. Ngoại là vậy đó !”. Câu nói hóm hỉnh khôi hài, gương mặt nụ cười mãn nguyện của người tuổi già làm cho ai cũng cảm thấy nơi này thật ấm áp, chan chứa tình thương yêu. “Tụi bây thích món nào cứ ăn đi, ăn thật no. Mai dìa, tao cho vài nải chuối, con cá. Tao với ông ngoại bây còn sống, ngồi sum họp khi tết đến như vầy là niềm vui không có gì sánh bằng”, ngoại nói.
"Mùng một Tết, nhà mình vui lắm ngoại ơi!"
Sau này, mỗi lần về thăm, nhìn thấy ông bà ngoại già đi nhiều sức khỏe ngày càng yếu khi trở gió, trái trời. Đôi bàn tay nhanh nhẹn ngày nào giờ cứ run run khi cầm chén cơm đôi đũa, bước chân chậm chạp lúc bước qua thềm cửa. Chợt nghĩ một ngày nào đó ông bà “đi xa” bất giác tôi lòng trĩu nặng.
Tuổi già, gần tết năm 2005, ông ngoại nhẹ nhàng ra đi sau giấc ngủ buổi tối. Cuối năm 2009, bà ngoại cảm nhẹ, ngày cuối tuần các cháu đông đủ có mặt về thăm, bà ngoại buồn buồn nói: “ Ông ngoại tụi bây vắng cái tết này là bốn năm rồi”. Khuya đó, bà cũng rời xa mọi người, ngoài sân cây mai vàng trước cổng vừa vuốt lá báo hiệu mùa xuân đang tới gần bên khung cửa.
Năm nay là cái đám giỗ lần thứ 14 ngày ngoại đã rời con cháu để về với tổ tiên. Dịch Covid-19 bùng lên như thách thức đối với anh em tôi khi muốn về thắp nhang cho ông bà. Đó là thời khắc nhớ lại biết bao chuyện vui buồn từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành.
Dịch đã đi qua, vạn vật giờ đây gần như trở lại bình thường mới. Gió hiu hiu lạnh là ai cũng đoán được tết đã phà hơi phía sau lưng. Cậu tôi nhắc: “Con cháu đầy đủ dù không có mặt ông bà lúc còn sống, nhưng người ở nơi chín suối cảm thấy vui lòng”.
Tôi vừa thắp nhang khấn vái mà nước mắt tôi tự nhiên cứ lăn dài trên má. Mùng một Tết, nhà mình vui lắm ngoại ơi!