“Gã tay mơ” bỏ đại học để làm nghề hoa chủ yếu từ… quan sát
Vinh bỏ học đại học vì thời điểm đó tuy còn trẻ nhưng anh đã có suy nghĩ "học trên đường đời tốt hơn". Tuy nhiên, đến giờ anh khẳng định dù tự học là chính, dù càng học càng thấy thiếu kiến thức, nhưng để tìm một người thầy đúng nghĩa ở Việt Nam cũng không dễ.
Có đến hơn 10 năm theo đuổi nghiệp làm hoa, Vinh chưa từng học bài bản từ một trường lớp nào cụ thể. Anh học hỏi từ người đi trước hoặc từ sách báo, thực tế tại nước ngoài rồi ứng biến, điều chỉnh phù hợp bằng kinh nghiệm của mình. Anh ra nước ngoài nhưng không phải để chọn 1 khóa học và ghi danh bằng 1 tấm bằng hay chứng chỉ ngoại quốc. Cách của Vinh đơn giản chỉ quan sát.
Khi ở Hà Lan anh đã ngắm một tiệm hoa không chớp mắt vì nhìn cách họ làm việc dù chỉ có 1 người nhưng chuyên nghiệp từ những bó hoa đến cách phục vụ mà ngưỡng mộ. Nhờ những lần "nhìn" như thế mà anh học được khá nhiều, Vinh tự nhận 80% kiến thức về hoa anh học được là nhờ quan sát.
Vinh cứ tự học và mày mò như thế, rồi dần dần từ gã tay mơ thành dân làm hoa chuyên nghiệp lúc nào. Sau này Vinh có cơ hội được tiếp xúc với nhiều khách hàng là giới siêu giàu, người nổi tiếng, không phải họ chỉ giàu thôi mà họ còn là những người có gu và cực tinh tế, anh có cơ hội học thêm từ khách hàng.
5̀ năm làm cho công ty thì Vinh tách ra làm riêng. Vinh không chạy theo khách hàng mà định hình phong cách của mình để khách hàng hợp style tìm tới. Mặc dù đến với nghề hoa tự nhận không phải là đam mê mà mục tiêu kiếm tiền mưu sinh là chính. Nhưng khi bước chân vào nghề Vinh đã dần nhận ra đó là 1 nghề nghiệp nghiêm túc để có thể theo đuổi. Vốn là người thích cái đẹp, thích nội thất, thích thời trang, nhìn chung là thích cái đẹp nên Vinh có đam mê học hỏi và phát triển bản thân khá nhanh.
Cách thức của Vinh là không ngừng học hỏi, mỗi tháng Vinh đều tìm tòi cái mới, học cái hay từ người đi trước hoặc kiến thức về hoa từ nước ngoài, dần dần anh luôn có ý thức điều chỉnh, sáng tạo sao cho phù hợp.
Tuy làm nghề làm dâu trăm họ nhưng Vinh không đánh mất mình, bản lĩnh và cá tính riêng đã khiến anh tự tin để có thể chọn khách hàng hoặc kéo những người có tiếng nói đồng điệu tìm đến mình, tránh những khó xử trong công việc.
Nhiều khách hàng là giới siêu giàu, người nổi tiếng, không phải họ chỉ giàu thôi mà họ còn là những người có gu và cực tinh tế.
Vinh tự nhận mình không mạnh về làm hoa event lớn, anh chỉ thích hợp với những bữa tiệc, sự kiện quy mô nhỏ, cũng là để Vinh làm mọi thứ cho tốt và có thể kiểm soát được mọi thứ.
Vinh cũng là người dạy về hoa, nhưng anh không dạy nhiều, anh thường tổ chức các workshop tầm 2-3 tháng/lần. Lớp học của anh có mức giá có thể mắc với 1 số người, nhưng cách của Vinh là đã không làm thì thôi nhưng đã làm là phải chỉn chu, không chỉ đơn giản là dạy cắm 1 bình hoa mà còn là tính toàn mĩ của 1 sản phẩm trong không gian, ánh sáng cụ thể. Vinh vẫn đang ấp ủ một lớp hoa Tết mà do năm nay dịch bệnh, Tết cận kề quá nên chưa kịp thực hiện.
Hoa Tết và giới siêu giàu chơi hoa Tết
Đặc thù của người làm nghề hoa có nhiều khó khăn vì hoa là xa xỉ phẩm, nếu không đủ đam mê người ta sẽ thấy rất mắc. Vòng đời của hoa là quá ngắn, việc "sáng hoa, chiều rác" khiến nhiều người e dè khi chi số tiền lớn cho hoa tươi. Tuy nhiên, cũng có những người khá mạnh tay khi chi tiền cho “món ăn tinh thần” này.
Theo Vinh thì để cắm bình hoa hoặc thiết kế hoa tươi nói chung và hoa Tết cho 1 gia đình cần kết hợp với không gian để chọn loại hoa, concept cho phù hợp. Hoa tươi và không gian khi ăn nhập với nhau sẽ tạo thành 1 tổng thể ấn tượng. Để cắm một bình hoa đẹp người ta phải đặt nhiệt huyết, công sức vào đó là hiển nhiên, song những yếu tố khác như yếu tố bền bỉ vững chãi khi vận chuyển cũng quan trọng không kém. Ngoài ra việc hiểu chủ nhà là ai, giới tính, style thời trang, cách bài trí nhà cửa... cũng dễ đi đến quyết định 1 style phù hợp.
Vào ngày Tết, lượng khách tăng lên đột biến. Với những yêu cầu rõ ràng từ Tết như chọn hoa bền đủ để tươi qua bấy nhiêu ngày Tết, kết hợp hoa truyền thống và hiện đại để mang đến một phong cách rực rỡ sắc Xuân giữ được nét truyền thống nhưng vẫn có tính độc đáo riêng là bài toán khó. Tuy nhiên, không có gì là không có cách giải...
Người giàu hoặc siêu giàu sẵn sàng bỏ ra một mức phí khủng. Ví dụ một bình hoa nhỏ xíu để bàn họ sẵn sàng chi vài chục triệu.
Vinh thường lựa chọn từ các loại hoa phù hợp, hoa truyền thống (các loại hoa mang hơi hướng Tết như hoa cúc, lay ơn, hoa chuối...) kết hợp với hoa nhập khác (hoa mai Mỹ, hoa anh đào Sakura Nhật...) và khách hàng thích những tác phẩm pha trộn truyền thống và hiện đại đủ làm nên vị Tết nhưng không hề đơn điệu và rập khuôn.
Từng có nhiều khách hàng là người giàu hoặc siêu giàu, anh cho biết họ sẵn sàng bỏ ra một mức phí khủng. Ví dụ một bình hoa nhỏ xíu để bàn họ sẵn sàng chi vài chục triệu. Vinh sau những lần ngạc nhiên với độ chịu chơi, chịu chi của khách hàng đã hiểu "cuộc sống họ không thiếu gì chỉ thiếu cảm xúc", nên đã phải gắng hết sức để tạo ra những sản phẩm đẹp độc lạ, nhưng không kém phần tinh tế. "Điều mình mừng là dù họ đặt hoa rất đắt, nhưng khi mình giao sản phẩm mọi người đều nói rằng nó rất xứng đáng", Vinh nói.
Vinh cũng tiết lộ thêm khách siêu giàu vì bình hoa của họ giá cũng rất mắc nên anh thường phải đến tận nơi để thi công sản phẩm. Chiếc bình hoa đắt nhất mà anh từng thi công có giá lên tới 800 triệu.
Năm nay, nhiều khách hàng thích bình gốm xanh. Hoa gam màu đỏ vàng lên ngôi, khi kết hợp với bình gốm xanh, loại gốm có tính cổ truyền vào dịp Tết mang đến cảm giác vừa lạ vừa quen, nhưng trên hết sự rực rỡ trong vẻ truyền thống làm cho không khí Tết tươi vui khiến gia chủ cảm thấy an vui.
Sau những lần ngạc nhiên với độ chịu chơi, chịu chi của khách hàng, Vinh hiểu rằng "cuộc sống họ không thiếu gì chỉ thiếu cảm xúc"
Gốm xanh lên ngôi vào dịp Tết. Những chiếc bình này có giá khá mắc.
Vinh chọn mua sản phẩm từ Bát Tràng là chủ yếu, một số ít là sản phẩm gốm Bình Dương, tầm mức giá từ 300 ngàn đến vài triệu/chiếc. Sau đó anh trực tiếp thi công sản phẩm hoàn thiện phục vụ khách. Dù chi phí không hề rẻ cho hoa, cũng khá mắc cho bình gốm kiểu cổ truyền nhưng năm nay Vinh vẫn bán khá tốt.
Nghề florist… không tươi như hoa
Khi được hỏi hoa với Vinh là cuộc chơi hay là sự nghiệp? Vinh trả lời rằng: "Mình mắc nợ với nghề này, hiện tại nó đang là sự nghiệp nhưng thật may nó là một thú chơi để mình có thể vừa làm vừa vui mà không thấy mệt mỏi. Nghề này cũng nhiều lúc mệt mỏi, chán nản chứ không phải cứ hoa là tươi, tuy nhiên gần 10 năm trôi qua mình chưa có định ý từ bỏ.
Nhiều người cứ nghĩ làm hoa là nhẹ nhàng nhưng nó nặng theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen và có thể nói rằng nó khá bạc chứ không vui và dễ như mọi người nghĩ. Lắm lúc bê bình hoa cồng kềnh, hoa nguyên liệu và nước khá nặng nên cần sức khỏe chứ không đơn thuần là khéo tay hay ý tưởng sáng tạo. Ngoài ra áp lực về thời gian với người làm hoa tươi cũng khá lớn. Với tính chất chạy đua với thời gian của người làm hoa vì độ bền của hoa ngắn ngủi tạo ra rất nhiều áp lực và phải tính toán kỹ. So với những hàng khác như cafe, đồ ăn uống có thể bảo quản lạnh hay đông lạnh được nhưng hoa không làm theo cách này được".
Tiếp xúc với khách hàng siêu giàu, công việc bận rộn, có tiếng trong giới florist, ai cũng nghĩ rằng bán hoa, làm hoa giá mắc thì hẳn cũng rất giàu. Nhưng Vinh nói rằng mình vẫn đang ở nhà thuê và chỉ đủ sống theo cách của mình.
Vinh cũng nhấn mạnh: "Mình là người tiếp xúc với nhiều người có tiền, nhưng mình nghĩ không thể làm giàu bằng nghề này về vật chất, chỉ có thể giàu kinh nghiệm giàu niềm vui thôi. Tuy nhiên, với mình điều đó cũng là rất đáng quý sau khi dịch bệnh xảy ra người ta biết nâng niu những giá trị vô hình hơn vật chất".
https://afamily.vn/ga-tay-mo-bo-dai-hoc-tro-thanh-florist-co-tieng-sai-thanh-ke-chuyen-gioi-sieu-giau-choi-hoa-tet-20220124160741885.chnTheo ĐX
Pháp luật & Bạn đọc