Cụ thể, theo UBND TP, sẽ có 6 giải pháp được yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện để phát triển TP Thủ Đức thành đô thị sáng tạo, tương tác cao.
6 giải pháp thực hiện
Thứ nhất là giải pháp về công tác về quy hoạch phát triển đô thị. TP.HCM sẽ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, các quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu vực phát triển trọng điểm và các khu vực có tiềm năng phát triển theo định hướng đô thị sáng tạo.
Thứ hai là công tác quản lý phát triển theo định hướng đô thị thông minh, sáng tạo. Nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đế phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử TP.
Thứ ba: công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân tại đô thị sáng tạo phía Đông đến năm 2040, nâng cao tỉ lệ người sử dụng giao thông công cộng tại khu vực từ 10% lên 25% trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Đầu tư phát triển hạ tầng số và chuyển đổi số. Lập Quy hoạch hạ tầng viễn thông và an ninh mạng, ban hành quy định về công nghệ thông tin cho đô thị sáng tạo; thực hiện dự án Xa lộ thông tin, đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) với ứng dụng hạ tầng 5G cho TP Thủ Đức.
Thứ 4: công tác quản lý hành chính nhà nước. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh tất cả thủ tục hành chính có liên quan đến người dân và doanh nghiệp theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, thuế, hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp độ cao hơn mức độ trung bình của TP để giải quyết các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thứ 5: Công tác phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực, các chương trình thu hút, trọng dụng nhân tài đến sống và làm việc tại khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.
Thứ 6: Công tác xây dựng hệ thống chính sách kinh tế - đầu tư. Nghiên cứu lập chính sách tổng thể về tài chính đô thị dựa trên những mục tiêu quỵ hoạch và phát triển hạ tầng, xây dựng chiến lược đầu tư và kỳ vọng phát triển kinh tế, tài chính trong tổng thể 2021-2040. Cân đối tài chính trong mỗi giai đoạn 5 năm và dự báo đóng góp tăng trưởng của TP Thủ Đức vào GDP của TP.HCM trong từng giai đoạn 5 năm.
Đầu tư phát triển đô thị và nhà ở kèm theo các giải pháp và nguồn lực thực hiện, trong đó ưu tiên các dự án phát triển đô thị có quy mô lớn (trên 10 ha), có ứng dụng công nghệ thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Ưu tiên các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cao tầng dọc theo các trục và hành lang giao thông trọng điểm, trong phạm vi bán kính 500m-1000m xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị (ga metro).
6 giải pháp phát triển TP Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM. Đồ họa: KIÊN CƯỜNG
6 khu vực phát triển trọng điểm
Để phát triển TP Thủ Đức, TP.HCM cũng đề ra nhóm chính sách phát triển và thu hút hoạt động các ngành kinh tế tại 6 khu vực trọng điểm.
Thứ nhất: Khu đô thị mới Thủ Thiêm: phát triển trung tâm công nghệ tài chính quốc tế gắn với chương trình chuyển đổi số của TP, bao gồm các ngành nghề như chứng khoán, phân tích dữ liệu, quản lý tài sản, hệ thống dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, công nghệ, đầu tư, bảo mật, vườn ươm khởi nghiệp.
Thứ hai: Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc: phát triển trung tâm thể thao và chăm sóc sức khỏe. Khu này bao gồm các dịch vụ liên quan đến tập luyện và thi đấu doanh nghiệp-CLB thể thao, nghiên cứu vật liệu, phụ kiện công nghệ, trang phục thể thao thế hệ mới, thể thao điện tử, dược phẩm, thực phẩm và dinh dưỡng, y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe…
Thứ ba: Khu công nghệ cao phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuât mẫu thử, sản xuất sản phẩm sáng tạo công nghệ cao.
Thứ tư là khu Đại học Quốc gia TP: phát triển dịch vụ học tập và đào tạo, họp tác quốc tế, không gian sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, vườn ươm khởi nghiệp. Thu hút các học viện quốc tế liên kết đào tạo, thành lập chi nhánh, thành lập trường tại khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Thứ năm là khu đô thị mới Tam Đa: phát triển công nghệ nhà ở thích ứng môi trường, năng lượng tái tạo, nông trại cao tầng, đa dạng sinh học, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thứ sáu là khu đô thị Trường Thọ: xây dựng một hình mẫu về đô thị tương lai (“living lab”) để sống, làm việc và nghỉ ngơi với sự thử nghiệm hạ tầng cơ sở lý tưởng. Quản lý đô thị bằng công nghệ và dữ liệu chung, thích nghi biến đổi khí hậu, ứng dụng sáng tạo vào các ngành nghệ thuật, giải trí, công nghệ xây dựng và vật liệu sinh thái.