Phải, thật nhiều xe, tôi thích không khí ấy hơn, nó cho thấy một TP.HCM đang hoạt động, đang vận hành, đang sống mạnh mẽ trở lại sau thời gian vất vả chống dịch COVID-19 hoành hành.
Đến hơn 20h tối 29 tết, tôi ghé một quán cafe trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, ngồi nhâm nhi ly cafe cuối năm, để nhớ, ngẫm và trải nghiệm và cả để hoài niệm 1 năm đã qua.
Nhìn quanh, quán cafe lề đường này không còn một chỗ trống, từng nhóm bạn trẻ tranh nhau không gian chật hẹp để trò chuyện, trong lòng tôi dâng lên cảm giác khó tả, nó khác cảm giác trống trải hoang mang của cái tết năm ngoái khi Sài Gòn đang đối diện làn sóng COVID-19 thứ 3.
Và nó vô cùng khác cái rợn người khi đường phố của TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước dường như không một bóng người lúc TP bị làn sóng COVID-19 thứ 4 càn quét.
Càng gần khoảnh khắc giao thừa, hàng chục nghìn người đổ ra các con đường trung tâm TP, phố đi bộ Nguyễn Huệ để đón chào năm mới, dọc trên nhiều con đường, ngõ hẻm, từng tốp người, nhiều bàn nhậu được bày ra để tận hưởng không khí vui xuân. TP.HCM chưa từng náo nhiệt hơn thế trong 1 năm nay.
Nhưng để sống, để hồi sinh như hôm nay, TP.HCM cũng đã chịu đựng nhiều mất mát, đau thương, tết này nhiều gia đình mất đi người thân vì COVID-19, nhiều gia đình thiếu đi một người, hai người cùng nhau cụng ly chúc mừng năm mới, cũng có nhiều gia đình may mắn khi mâm cơm chiều cuối năm còn đầy đủ thành viên ngồi cùng. Một cái tết thật lạ.
Những ngày đầu năm năm ngoái, nhiều báo có bài viết với các tiêu đề tương tự như “Tết trong “thời chiến” chống đại dịch COVID”, phải, như trải qua một “thời chiến” trong năm 2021 đầy khó khăn, TP.HCM đang từng bước vá víu vết thương, chữa lành vết đau để tiến về phía trước, để hy vọng một tương lai tươi đẹp hơn.
Tết năm nay, tôi thấy bạn bè tôi về nhà nhiều hơn, nhiều hình ảnh sum họp với gia đình nhiều hơn được chia sẻ trên Facebook, mọi người hỏi thăm nhau nhiều hơn. Sếp tôi cũng thường xuyên lái xe về quê mấy trăm cây số mỗi tuần chỉ để về uống với ba ly trà, ăn với mẹ bữa cơm cuối tuần, đồng nghiệp tôi tết này rủ qua nhà nhậu nhiều hơn, tết này nhiều người ở bên nhau hơn.
Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam vừa có bài viết chia sẻ về những “bí mật” của tết cổ truyền: tết là để khơi mở tình yêu thương, kết nối với quá khứ, sự bền vững của gia đình, tết là có cả sự hàn gắn và niềm hy vọng.
“Cuộc sống có biết bao thăng trầm. Trong chúng ta ai cũng có những năm nhiều nỗi buồn, ít may mắn. Nhưng ai cũng có một niềm tin rằng, ngày mai mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, năm mới mọi điều sẽ may mắn hơn. Không ít người gặp những năm vận hạn thường tự động viên chính mình bằng một ý nghĩ: "Năm cũ sẽ qua đi, năm mới sẽ đến. Mọi điều sẽ tốt đẹp hơn". Đấy là một nguyện ước, đấy là một niềm tin”, trích lời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, cũng là nguyện ước và niềm tin của người dân TP.HCM khi đón cái tết “hồi sinh” năm nay.