Cho dù bạn đang ngày càng trở nên thông minh hơn trong việc quản lý tiền bạc của mình hay chỉ mới bắt đầu, thì mọi người sẽ đều có các bước hành động mà họ có thể thực hiện, để củng cố bức tranh tài chính của mình.
Dưới đây là những cách tốt nhất để bạn có thể đạt được các mục tiêu tài chính trong năm Nhâm Dần 2022:
1. Không mắc nợ
Đối với một số người trong chúng ta thì đây thật sự là một mục tiêu khá lớn. Tuy nhiên, không mắc nợ là một mục tiêu rất có giá trị để chúng ta lên kế hoạch tài chính cho bản thân. Tùy thuộc vào điểm xuất phát của mỗi người mà thời gian để thực hiện mục tiêu này sẽ có độ dài ngắn khác nhau.
Bước đầu tiên là hãy xác định một bức tranh chi tiết và rõ ràng về chính xác những gì mà bạn đang mắc nợ, tỷ giá là bao nhiêu và khi nào thì đến hạn? Sau đó, hãy đánh giá tình hình cá nhân của bạn. Hãy ưu tiên tập trung giải quyết tất cả những khoản nợ, từ những khoản có lãi suất cao nhất đến thấp nhất, càng sớm càng tốt. Bạn cũng có thể chia các khoản nợ theo các loại khác nhau và sắp xếp thứ tự ưu tiên thanh khoản của chúng, để khiến cho việc này trở nên rõ ràng và dễ giải quyết hơn. Điều này có thể giống như việc bạn quyết định muốn thanh toán khoản vay sinh viên sớm 5 năm hoặc bạn muốn tất cả các thẻ tín dụng của cửa hàng bán lẻ được trả hết trong vòng 18 tháng vậy. Việc bắt đầu từ những khoản nợ nhỏ để giải quyết có thể tạo ra sự khác biệt về lâu dài.
2. Ngừng mua sắm bốc đồng
Việc mua sắm bốc đồng thực sự là một thứ cảm xúc vô cùng nguy hiểm. Hãy chi tiêu bằng lý trí chứ đừng mua sắm dựa theo cảm xúc của mình. Hãy bắt đầu bằng cách xóa tất cả các sản phẩm không cần thiết mà bạn đã lưu tại các giỏ hàng, trong các ứng dụng mua sắm trực tuyến và những tài khoản yêu thích của bạn.
Ngoài ra, hãy dành một chút thời gian để thiết lập một bức tranh tài chính lớn hơn của bạn trong năm nay. Tại sao bạn cần phải ngừng tiêu xài phung phí? Có phải bạn muốn cảm thấy an tâm hơn về mặt tài chính không? Bạn có muốn tiết kiệm để lập gia đình không? Thường xuyên ghi nhớ mục tiêu lớn hơn sẽ giúp bạn tìm thấy động lực để đi đúng hướng.
3. Hãy lập nên một khoản ngân sách chi tiêu phù hợp và duy trì nó
Nếu bạn gặp khó khăn trong vấn đề ngân sách, thì rất có thể bạn đã chưa tìm thấy được một phương pháp quản lý tài chính phù hợp với mình. Hãy dành ra một ngày cuối tuần và chọn ra 3 kiểu lập ngân sách khác nhau.
Ví dụ: Thiết lập một bảng tính, tải xuống một ứng dụng quản lý tài chính mà bạn cảm thấy hấp dẫn hoặc bỏ một số tiền mặt vào "phong bì" thực hay ảo… Sau đó, hãy lập kế hoạch chi tiêu cho mỗi kiểu phân bổ ngân sách khác nhau. Tiếp theo, cứ mỗi một tháng, bạn sẽ áp dụng và đánh giá tính hiệu quả của mỗi phương pháp. Đây là khoảng thời gian đủ để bạn đánh giá xem, liệu phương pháp nào là phù hợp với tất cả các khoản thanh toán và nguồn thu nhập khác nhau của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bất kỳ phương pháp nào thiếu hiệu quả hoặc khiến cuộc sống của bạn trở nên mệt mỏi, thì hãy ngừng áp dụng ngay lập tức. Hãy nhớ rằng, hệ thống ngân sách tốt nhất cho bạn là hệ thống mà bạn có thể gắn bó và khiến cho cuộc sống của bạn trở nên thoải mái hơn.
4. Thay đổi tư duy của bạn về tiền bạc
Việc thiết lập lại mối quan hệ với tình hình tài chính của bạn có thể diễn biến theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, nếu bạn chưa đủ trưởng thành khi nói về tiền bạc, bạn có thể không thoải mái khi lập kế hoạch tài chính với đối tác của mình. Cách chúng ta sử dụng tiền bạc sẽ phản ánh cách sống của chúng ta!
Bạn nhìn nhận như thế nào về bản chất của tiền bạc? Chúng có đang phục vụ các mục tiêu dài hạn và lớn hơn của bạn không? Việc thay đổi tư duy của bạn về tiền bạc có nghĩa là bạn cần phải xem xét lại các hệ thống niềm tin và dấu ấn lịch sử trong cuộc sống, đã hình thành mối quan hệ của bạn với tài chính. Rất may mắn là có rất nhiều cuốn sách và những chương trình podcast tuyệt vời để có thể cung cấp cho bạn rất nhiều kiến thức có liên quan đến chủ đề này.
5. Tìm hiểu, Cân nhắc và Thương lượng mức lương mà bạn xứng đáng nhận được
Bên cạnh lối tư duy tích cực về tiền bạc thì bạn cũng nên hiểu rằng con người bạn, thời gian của bạn và kỹ năng của bạn đều có giá trị. Ngay cả trong một nền kinh tế đầy thách thức, bạn vẫn có quyền được nhận lại những gì xứng đáng với công sức mà bạn đã bỏ ra. Các trang web như Glassdoor và Salary có thể giúp bạn nắm bắt thông tin về mức lương trung bình mà thị trường đang trả cho vai trò công việc hiện tại của bạn.
Có thể bạn không biết điều này, nhưng có rất nhiều những nhà tuyển dụng lại rất thích trao đổi với các ứng viên về mức lương thưởng mà họ mong muốn nhận được khi được nhận vào làm. Bạn cũng có thể xem qua một số kỹ năng hàng đầu mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, và sau đó, hãy thêm một số kỹ năng này vào hồ sơ xin việc của bạn. Nó sẽ là chìa khóa để có thể giúp cho bạn bắt đầu quá trình thương lượng lương bổng với những nhà tuyển dụng.
6. Xây dựng các khoản tiết kiệm dành cho những trường hợp khẩn cấp
Cuộc sống luôn thay đổi. Bạn chẳng thể biết được ngày mai sẽ có việc gì xảy đến với mình đâu! Vậy nên hãy sớm xây dựng những khoản tiền tiết kiệm dành cho những trường hợp khẩn cấp. Để bắt đầu xây dựng khoản tiền này, hãy tiết kiệm từ tất cả các khoản chi tiêu có trong 1 tháng của bạn. Mức chi tiêu tối thiểu mà bạn cần phải có để có thể duy trì cuộc sống trong vòng 90 ngày, trong trường hợp bạn mất thu nhập, là khoảng bao nhiêu tiền? Hãy hướng tới mục tiêu tiết kiệm đó để bạn có thể yên tâm hơn về cuộc sống của mình.
7. Lên kế hoạch sẵn sàng cho những khoản chi tiêu lớn hơn
Nếu bạn đã sẵn sàng cho việc mua một ngôi nhà hoặc một giao dịch mua một loại tài sản có giá trị lớn nào khác, thì đã đến lúc bạn cần thu xếp kế hoạch tài chính của bản thân. Tiết kiệm chỉ là một phần của việc chuẩn bị cho khoản chi tiêu lớn này mà thôi!
Hãy kiểm tra lại báo cáo tín dụng của bạn và nghiên cứu kỹ các điều khoản quy định, trước khi bạn quyết định vay tiền từ ngân hàng hoặc vay từ một người nào đó. Và hãy chuẩn bị tất cả những giấy tờ có liên quan như bảng báo cáo thuế thu nhập cá nhân, chứng minh thu nhập và thậm chí có thể là một số những giấy tờ tham chiếu khác để người cho vay có thể dễ dàng tiếp cận với bạn. Hãy cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng cho những khoản chi tiêu có giá trị lớn hơn!
8. Tiến hành đầu tư sinh lời
Khi nói đến vấn đề đầu tư, có rất nhiều điều mà bạn cần phải xem xét xung quanh tình hình tài chính cá nhân của mình. Một khi bạn đã chốt xong mục tiêu tiết kiệm, hãy thực hiện bước tiếp theo, đó là đầu tư sinh lợi.
Bạn có thể bắt đầu xây dựng quỹ hưu trí cho bản thân, cụ thể là quỹ hưu trí 401k, để được hưởng lợi về sau hoặc cân nhắc đầu tư vào các lĩnh vực khác để tìm kiếm lợi nhuận. Chỉ cần nhớ rằng các khoản đầu tư sẽ có những đặc điểm hoàn toàn riêng biệt và đôi khi, chúng cũng có thể bị mất giá trị do ảnh hưởng của lạm phát hoặc do đầu tư thua lỗ. Trường hợp tệ nhất là bạn có thể mất đi toàn bộ số tiền mà ban đầu bạn đã bỏ ra. Chính vì thế, hãy cân nhắc kỹ lưỡng về những cái được và mất trước khi tiến hành hoạt động này.
9. Tìm cách để tạo ra những dòng thu nhập mới
Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể nắm bắt và kiểm soát những khoản chi tiêu của mình. Tuy vậy, bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tìm cách để mở rộng và đa dạng hóa các dòng thu nhập của mình. Không phải mọi sở thích đều cần phải biến thành một hoạt động kinh doanh kiếm tiền, nhưng hãy cân nhắc xem, nó có thể giúp cho bạn kiếm ra được tiền hay không?
Không gian mạng ngày càng phát triển đang mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội hơn, để có thể kiếm thêm thu nhập từ chính những thú vui của mình. Liệu bạn có thể biến những buổi chơi đàn vĩ cầm của mình, vào cuối tuần, thành những buổi dạy học nhạc cụ được không? Làm thế nào để bạn có thể bắt đầu lập nên một gian hàng đồ mỹ nghệ từ các mẫu tranh thêu chữ thập mà bạn đã tự thiết kế trong thời gian cách ly xã hội?
Hãy thỏa sức sáng tạo và cho phép bản thân suy nghĩ về toàn bộ những kỹ năng, sở thích và đam mê của mình và tìm cơ hội để có thể kiếm thêm thu nhập từ những niềm đam mê đó.
http://tintuc.vdong.vn/02/1210717.htmMộc Dương
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị