Một hồi chuông báo động vang lên và hình ảnh một người đàn ông đang đứng gần cây cầu ven sông Hàn xuất hiện trên màn hình của sở cứu hỏa thủ đô Seoul. Cả phòng im lặng chờ xem anh ta định làm gì.
May mắn thay, sự việc kết thúc tốt đẹp và lần này không có ai gieo mình xuống sông để tự tử.
"Ồ, hóa ra anh ta chỉ đang nhìn cái camera quan sát ở gần cầu thôi"- ông Cho Jae Jin, 50 tuổi, đội trưởng đội cứu hộ, thở phào nhẹ nhõm nói với mọi người trong căn phòng.
Một người đi bộ ngang qua một camera an ninh gắn trên đỉnh cột trên cầu Mapo bắc qua sông Hàn ở Seoul hôm 13-1-2022. Ảnh: Kyodo News
Đội cứu hộ sông Hàn 119 của ông Cho tại Trụ sở Phòng cháy và chữa cháy đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) từ cách đây vài năm để giám sát tốt hơn hoạt động của con người xung quanh các cây cầu bắc qua sông Hàn, chảy qua thủ đô của Hàn Quốc và từ lâu đã trở thành một địa điểm tự tử quá phổ biến. Hệ thống đã được chứng minh là một công cụ cứu người khá hữu dụng.
Bằng cách thu thập một lượng lớn dữ liệu, AI sẽ phân tích hành vi của người đi bộ trên cầu và thông báo cho đội cứu hộ và cảnh sát gần đó trong trường hợp phát hiện những hành vi bất thường, chẳng hạn một người nán lại một chỗ quá lâu hoặc cứ đi loanh quanh mà không chịu băng qua phía bên kia cầu.
Hình ảnh từ camera quan sát của một số cây cầu được chiếu lên màn hình lớn của trụ sở cứu hộ. Hệ thống giám sát hiện được đặt tại 9 trong số hơn 20 cây cầu dọc theo sông Hàn và chủ yếu tập trung vào nơi thường xuyên xảy ra các vụ tự tử. Theo ông Cho, sẽ có thêm 4 cây cầu nữa được lắp đặt hệ thống này trong năm nay.
Ông Cho Jae Jin, đội trưởng đội cứu hộ sông Hàn 119, đứng trước màn hình chiếu các hình ảnh truyền về từ camera của hệ thống trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Kyodo News
Những hình ảnh cảnh báo được phát đi sớm đã tạo ra sự khác biệt đáng kể. Tần suất cứu hộ đã tăng gấp đôi kể từ khi hệ thống ra mắt. Ông Cho cho biết tỉ lệ cứu hộ thành công cũng được cải thiện "vì việc phát hiện và cứu một người nổi trên mặt nước dễ dàng hơn nhiều so với việc tìm kiếm sau khi họ đã chìm xuống".
Trước khi hệ thống được đưa vào sử dụng, các hoạt động cứu hộ thường được tiến hành sau khi nhận được liên lạc rằng có ai đó sắp hoặc đã nhảy từ trên cầu xuống sông. Trong nhiều trường hợp, lực lượng cứu hộ đã đến quá muộn.
Hàn Quốc từ lâu đã được biết đến với tỉ lệ tự tử cao. Năm 2020, quốc gia này có tỉ lệ tự sát cao nhất trong số 38 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Dữ liệu của OECD cho thấy Hàn Quốc có 23,5 người tự sát trên 100.000 người trong năm, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 10,9 của các nước thành viên.
Theo số liệu của chính phủ, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người Hàn Quốc trong độ tuổi ngoài 30 vào năm 2020. Dữ liệu thống kê của Hàn Quốc cũng cho thấy tỉ lệ tự tử ở những người ở độ tuổi 20-30 cũng đã tăng 12,8% so với một năm trước đó.
Các chuyên gia cho rằng cảm giác cô đơn và lo lắng hoang mang trong giới trẻ Hàn Quốc do đại dịch Covid-19 là một nguyên nhân khiến tỉ lệ tự tử tăng cao.
Giám đốc trung tâm phòng chống tự tử của chính quyền đô thị Kim Hyun Soo cho biết số lượng người ở độ tuổi 20-30 và ngoài 30 cần đi tư vấn tâm lý khẩn cấp cũng đã tăng lên đáng kể từ mùa hè năm 2020. Giám đốc Kim cũng lo ngại khi tần suất cứu hộ tại sông Hàn trong năm 2021 đã tăng 20% so với năm trước.
Theo Giám đốc Kim, đại dịch đặc biệt gây ảnh hưởng tâm lý vì nhiều lý do, trong đó có khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Vị giám đốc này mô tả tự tử giống như "đợt Covid-19" thứ tư" ít được biết đến sau 3 đợt lây nhiễm trước đó.
N. Thương (theo Kyodo News)
NLD
Xem thêm: nhc.24755024130202202-gnouht-cahk-91-divoc-gnos-nal-ohp-iod-couq-nah/nv.zibefac