Hà Nội - Từ ngày mùng 3 Tết, nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu mở hàng trở lại. Giá cả một số mặt hàng tăng hơn so với trước Tết và giá bán tại các chợ khác nhau cũng khác nhau.
15h ngày 3.2 (mùng 3 Tết), bà Trần Thị Khánh (70 tuổi) bên trong khu chợ Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang cặm cụi để lại từng bông hoa cúc vàng bên trong chậu hoa. Từng quà bưởi da xanh, quả lê, quả táo được xếp gọn gàng trên kệ. Bà Khánh cũng là tiểu thương duy nhất tại khu vực chợ này đang mở cửa bán hàng.
Bà Khánh kể, mỗi năm, bà thường chỉ nghỉ Tết đúng ngày mùng 1 và bắt đầu mở hàng bán lại từ ngày mùng 2. “Ở nhà cũng buồn nên mở hàng bán, thi thoảng có người qua lại vẫn vui hơn”- bà Khánh kể. Biết bà mở hàng sớm nên nhiều chủ các sạp hàng cũng thường nhờ bà trông hộ. Từ quầy bán thịt lợn, quầy bán bún đến quầy bán hàng gia dụng… Lượng khách vào mua những ngày Tết không nhiều nên việc trông coi các quầy hàng cũng không quá phức tạp.
Là người trực tiếp bán hàng, bà Khánh cho hay, giá cả một số loại mặt hàng sau Tết có đôi chút điều chỉnh so với trước Tết, thường tăng khoảng 10-15% so với ngày thường. Ví dụ như cam canh thường được bán với giá 70.000-75.000 đồng/kg (trước Tết là 65.000 đồng); bưởi da xanh ruột đỏ khoảng 120.000 (trước Tết khoảng 100.000 đồng/kg); hoa cúc vàng khoảng 10.000 đồng/cành…. Lý giải về việc giá bán cao hơn ngày thường này, bà Khánh cho hay “do giá nhập vào cao hơn nên bán ra cũng phải cao hơn”. Bên cạnh đó, giá dịch vụ ngày Tết cũng thường cao hơn ngày thường nên chi phí tăng lên.
Khác với cảnh vắng vẻ, ít cửa hàng mở cửa tại chợ Trung Kính, tại khu vực chợ tạm Hợp Nhất (phường Yên Hoà), nhiều tiểu thương đã bày bán các mặt hàng như hoa tươi, rau, củ, quả, thịt lợn, thịt bò, cá... ngay phía bên ngoài cổng chợ. Tuy nhiên quy mô hàng hóa chưa được đa dạng như ngày thường. Phía bên trong chợ, các quầy hàng lớn vẫn đang tạm ngừng hoạt động.
Vừa trên chiếc xe máy đáp xuống thùng cá tươi, chị Nguyễn Thị Thơm (tiểu thương chợ Hợp Nhất) cho biết, hôm nay gia đình chị bắt đầu đi chợ mở hàng trở lại. Các loại cá được bán phổ biến gồm cá trắm, cá chép thường, cá chép giòn, cá quả, cá nheo…. Những loại cá này thường phù hợp với ăn lẩu hoặc chế biến được nhiều món.
Theo chị Thơm, giá của các loại cá này tăng hơn so với thời điểm trước Tết. Ví dụ mỗi con cá chép thường nặng từ 4-6kg có giá bán từ 90.000 - 100.000 đồng/kg (tăng hơn khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg); hay như cá chép giòn được bán với giá từ 150.000 đồng - 180.000 đồng/kg tuỳ theo cân nặng….
Cùng với đó, các loại rau xanh được bày bán với giá cả không nhiều thay đổi so với trước Tết. Như giá khoai tây được rao bán 20.000 đồng/kg, rau bắp cải 5-7 đồng/kg, giá cà chua 50.000 đồng/kg…
Theo khảo sát, giá cả của các loại mặt hàng có điều chỉnh tăng hơn so với thời điểm trước Tết nhưng không có quá nhiều biến động. Giá các mặt hàng tuỳ nơi, tuỳ cửa hàng bán với giá khác nhau. Nhưng điểm chung đều được các tiểu thương lý giải tăng hơn so với ngày thường từ 10-20%.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự báo dịp Tết Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân sẽ tăng từ 3 - 20% theo từng nhóm hàng. Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã chuẩn bị phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu, trong đó lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường vừa đảm bảo nhu cầu người dân trong dịp Tết, vừa sẵn sàng ứng phó COVID-19.
Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng của Hà Nội từ các tỉnh, thành phố, triển khai phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết; tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân