Phiên giao dịch 3/2, cổ phiếu Meta Platforms lao dốc 26,4%, đồng nghĩa với việc vốn hóa sụt giảm 251 tỷ USD. Theo Bloomberg, đây là mức suy giảm giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ.
Các cổ phiếu mạng xã hội khác cũng đi xuống theo Meta. Snap lao dốc 23,6%, Twitter mất 5,5%. Những đại gia công nghệ như Apple, Microsoft hay Alphabet cũng đóng cửa trong sắc đỏ dù có kết quả kinh doanh khả quan.
Trong những phiên tới, Meta - một cổ phiếu được đông đảo nhà đầu tư yêu thích từ lâu - có khả năng sẽ hồi phục, một phần vì nhóm cổ phiếu công nghệ thường biến động điên cuồng trong những tuần gần đây. Tuy vậy, tâm lý của Phố Wall đối với Meta đã u ám hơn trước rất nhiều.
Các nhà phân tích chỉ ra mức độ cạnh tranh khốc liệt mà Meta đang phải đối mặt từ các đối thủ như TikTok.
Quy mô khổng lồ của Meta cho thấy giá trị của các tập đoàn công nghệ đã được thổi phồng như thế nào, khả năng tác động tới người dùng lớn đến đâu và những hệ quả dây chuyền khôn lường khi những đại gia này "ngã ngựa".
Apple chia rẽ Alphabet và Meta?
Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta (sở hữu Facebook) là hai công ty quảng cáo trực tuyến hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua. Giá cổ phiếu của hai đại gia công nghệ này cũng thường biến động cùng nhau trong khoảng 5 năm gần đây.
Tuy nhiên kể từ cuối năm 2021, Meta và Alphabet đang mỗi người một ngả. Tuy cả hai đều đóng cửa phiên 3/2 trong sắc đỏ nhưng Alphabet hiện đang ở rất gần đỉnh lịch sử trong khi Meta đang ở đáy 18 tháng.
Một phần nguyên nhân của sự khác biệt này là chính sách bảo mật của Apple.
Theo quy định minh bạch về ứng dụng theo dõi (ATT) mà Apple công bố năm ngoái, các nhà quảng cáo phải xin phép người dùng Apple trước khi thu thập dữ liệu và theo dõi hành vi trên các ứng dụng và website không phải của Apple.
Chính sách này đã giáng một đòn đau vào tập đoàn của tỷ phú Mark Zuckerberg. Meta - trước đây là Facebook - không tự kiểm soát được "cái cần câu cơm" của mình và tuy đã rất nỗ lực thay đổi trong những năm qua nhưng thành tựu thu được đáng kể.
Các ứng dụng của Facebook gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự phân phối của Apple và Google. Vậy nên khi Apple giới hạn khả năng theo dõi người dùng của các nhà phát triển ứng dụng, Facebook đột nhiên mất đi một trong những công cụ kiếm tiền quan trọng nhất.
Google cũng dựa vào khả năng chọn lọc mục tiêu (targeting) để kết nối nhà quảng cáo và người dùng trên các nền tảng của mình. Tuy nhiên, quảng cáo dựa theo công cụ tìm kiếm là một tài sản đặc biệt vì người dùng thường tự xác định mục tiêu sẵn cho Google. Những thứ mà người dùng gõ vào thanh tìm kiếm chính là điều đang được quan tâm.
Ngoài ra, Google còn sở hữu Android - hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, và vì vậy Google có thể tự đưa ra luật chơi cho riêng mình, không lo một bên nào đó đột ngột thay đổi chính sách theo hướng bất lợi như Apple gây ra cho Meta.
Tất nhiên, Google cũng cần đến hệ điều hành iOS của Apple nhưng mối quan hệ giữa Google và Apple nồng ấm hơn nhiều giữa Meta và Apple. Tờ New York Times cuối năm 2020 cho biết Google trả cho Apple 8-12 tỷ USD mỗi năm để được làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của Apple, tăng từ mức 1 tỷ USD vào năm 2014
Theo một nhà phân tích của công ty tư vấn tài chính Bernstein, năm 2021, Google có thể đã trả Apple 15 tỷ USD. Nói cách khác, Google đưa cho Apple hàng chục tỷ USD để Apple không phát triển công cụ tìm kiếm của riêng mình. Apple nhận hàng núi tiền mà không phải tốn chút công sức nào.
Số tiền nhận được từ Google tương đương 14-21% lợi nhuận hàng năm của Apple nên quan hệ giữa "táo khuyết" và Google chắc hẳn rất tốt đẹp.
Theo CNBC, trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh quý IV ngày 2/2/2022 vừa qua, CEO Mark Zuckerberg cho biết chính sách bảo mật mới của Apple có thể khiến cho Meta thiệt hại khoảng 10 tỷ USD doanh thu năm nay.
Trong khi đó, Alphabet vừa công bố một quý IV thành công rực rỡ với kết quả kinh doanh vượt xa kỳ vọng của giới phân tích. Doanh thu quảng cáo của Alphabet nhảy vọt 33% trong khi của Facebook chỉ tăng 20%. Các nhà phân tích kỳ vọng trong quý I này Alphabet sẽ tăng trưởng 23% còn Facebook sẽ chỉ trong khoảng 3-11%.
Thảm họa ập đến khi cổ phiếu tăng trưởng hết động lực tăng trưởng
Meta và các đại diện khác của ngành công nghệ được xếp vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng, tức là những doanh nghiệp này được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng nhanh. Chỉ cần đà tăng chậm lại (chưa cần suy giảm), nhiều nhà đầu tư sẽ lập tức rời bỏ công ty này để đến cổ phiếu khác có triển vọng xán lạn hơn.
Động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất của lĩnh vực kinh doanh mạng xã hội là hiệu ứng mạng lưới (network effect): Một mạng xã hội có càng nhiều thành viên thì lại càng khuyến khích những người khác tham gia. Khi tất cả bạn bè và gia đình của một người đều chơi Facebook, thì người đó cũng sẽ tham gia Facebook để kết nối.
Chính hiệu ứng mạng lưới này đã tạo nên cục diện "được ăn cả, ngã về không" trong ngành mạng xã hội và là lý do giải thích vì sao Facebook liên tục lớn mạnh trong 18 năm qua. Tuy vậy, xu hướng này đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí đảo ngược.
Ngày 2/2, Facebook thông báo số người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) trong quý IV/2021 chỉ nhích lên 2 triệu người trong khi số người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) còn giảm 1 triệu. Một số khu vực địa lý chứng kiến sự sa sút rõ rệt.
Việc lượng người dùng chững lại chính là điều mà CEO Mark Zuckerberg lo sợ từ lâu. Các nền tảng và xu hướng trên mạng xã hội thường "bạo phát, bạo tàn", tức là lớn lên rất nhanh mà chết đi cũng rất chóng vánh.
Khi cơ sở người dùng lớn, số người muốn tham gia mới sẽ rất cao. Tuy nhiên khi số người dùng ngừng tăng hay thậm chí suy giảm, sẽ ngày càng nhiều người muốn bỏ đi. Hiệu ứng mạng lưới có thể giúp Facebook lớn mạnh thì cũng có thể khiến cho Facebook diệt vong.
Khi bạn bè và gia đình của một người không còn dùng Facebook nữa thì người đó cũng không có lý do gì để ở lại.
Trước đây, Facebook từng chứng kiến tác động tiêu cực của hiệu ứng mạng lưới nhưng ở quy mô khá nhỏ, chẳng hạn như ứng dụng gặp lỗi nhưng lâu không sửa xong, người dùng không đăng nhập được hoặc không sử dụng được một số tính năng, ...
Nhóm phân tích của Facebook theo dõi chi tiết hành vi của người dùng để khắc phục vấn đề trước khi xu hướng rời bỏ Facebook kịp hình thành. Ngoài ra, Facebook còn mua lại những nền tảng khác như Instagram và WhatsApp để mang đến làn gió mới cho mạng xã hội của mình.
Tuy nhiên, lượng người dùng Internet trên thế giới là hữu hạn và đa phần trong số họ đã sử dụng Facebook. Tuy Facebook rất lớn mạnh nhưng không phải là không có kẻ địch. Ngày 2/2, lãnh đạo công ty mẹ Meta Platforms thừa nhận rằng ngày càng có nhiều đối thủ tranh giành thời gian của người dùng thông qua các sản phẩm giải trí mà Meta không sở hữu, chẳng hạn như TikTok.
Nếu số người dùng không thể tăng lên thì Facebook phải tìm cách tăng thời gian và lượng nội dung mà những người dùng hiện có sử dụng trên mạng xã hội của mình. Tập đoàn của tỷ phú Mark Zuckerberg đã áp dụng nhiều thủ thuật để đạt mục đích này, chẳng hạn như Instagram đã hiển thị bài đăng của cả những tài khoản mà người dùng không theo dõi, Facebook thì khuyến khích mọi người tham gia vào các nhóm (group).
Ngày 3/2, Zuckerberg cho biết tính năng Instagram Reels - ứng dụng bắt chước TikTok - là cơ hội lớn nhất để lôi kéo thêm người trẻ đến với Instagram. Meta sẽ đầu tư để Reels tăng trưởng nhanh nhất có thể, bất chấp thực tế là ứng dụng này tạo ra ít doanh thu hơn các sản phẩm hàng đầu của tập đoàn. Động thái này cho thấy Meta đang ở trong thế khó và ít lựa chọn như thế nào.