Đắk Nông - Trong bối cảnh các chủ rừng ở Đắk Nông chưa có giải pháp phát triển kinh tế rừng thì nguồn quỹ dịch vụ môi trường rừng được xem là “bầu sữa” cho công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay.
Tạo sinh kế cho người dân bản địa
Hơn 10 năm qua, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã triển khai việc giao khoán bảo vệ rừng cho người dân sống gần rừng bảo vệ, phát triển. Điều này, không chỉ góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng mà còn tạo sinh kế cho bà con đồng bào đân tộc thiểu số cùng tham gia giữ rừng.
Đơn cử như hộ gia đình ông K’Tiêu, ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong trước đây là hộ nghèo ở địa phương. Năm 2011, gia đình ông K’Tiêu được Vườn Quốc gia Tà Đùng chọn để giao khoán bảo vệ 30ha rừng.
Gần 10 năm nhận khoán bảo vệ rừng, năm nào gia đình ông K’Tiêu cũng nhận được 30 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình ông K'Tiêu đã mua phân bón, đầu tư chăm sóc, phát triển cây cà phê hiệu quả. Hiện nay, gia đình ông K’Tiêu đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng, hiện đơn vị đang quản lý hơn 20.000ha rừng nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Địa bàn rộng, giáp khu dân cư nhiều địa phương nên công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây gặp không nhiều áp lực, khó khăn.
Trong khi đó, thời gian qua, tình hình dân di cư tự do tới địa bàn đã và đang gây áp lực lớn lên tài nguyên rừng. Trong bối cảnh này, nhờ nguồn dịch vụ môi trường rừng, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã có thêm những cánh tay nối dài để bảo vệ rừng.
Theo thống kê, giai đoạn 2015-2020 đơn vị này đã giao khoán hơn 6.000ha/201 hộ. Qua từng năm, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã xét duyệt, lựa chọn những hộ tích cực đến để tiếp tục giao khoán, bảo vệ rừng. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã tiếp tục giao khoán 153 hộ với diện tích hơn 3.000ha.
Các hộ dân được giao khoán tập trung chủ yếu ở xã Đắk Som, Đắk R’măng (huyện Đắk Glong); xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Trung bình mỗi năm, các tổ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Tà Đùng đã tổ chức khoảng 1.000 lượt tuần tra rừng, kịp thời ngăn chặn, xử lý những nguy cơ vi phạm quản lý bảo vệ rừng.
"Có bà con đồng bào dân tộc tại chỗ cùng chung tay giữ rừng nên Vườn Quốc gia Tà Đùng kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đối tượng phá rừng, khai thác tài nguyên rừng trái phép" - ông Long phấn khởi.
"Bầu sữa" để bảo vệ rừng
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã chi trả được gần 500 tỉ đồng cho các chủ rừng thuộc đối tượng thụ hưởng với tổng diện tích rừng nghiệm thu là 142.000ha.
Cụ thể, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi trả cho 26 chủ rừng là tổ chức nhà nước, 30 chủ rừng là tổ chức được Nhà nước cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp; 44 tổ chức cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm rừng; 11 cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, giao rừng.
Đặc biệt, trong số này có 1.009 hộ gia đình, cá nhân nhận khoán quản lý rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, từ nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trừng rừng đã giúp cho các đơn vị chủ rừng được hưởng lợi nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng…
Đặc biệt, đối với người dân nhận quản lý, bảo vệ rừng thì thu nhập tăng thêm từ nguồn quỹ đã cụ thể hóa giá trị lao động của họ trong nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng. Qua đó, tạo thêm điều kiện, động lực để họ gắn bó với công việc, nhiệm vụ được giao.
Đối với các Công ty lâm nghiệp, trong điều kiện nguồn kinh phí gặp khó khăn do chủ trương đóng cửa rừng thì đây là nguồn tài chính quan trọng để các đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tốt hơn.
Xem thêm: odl.7690001-gnur-ev-oab-yat-hnac-iad-ion/et-hnik/nv.gnodoal