Bà Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào vừa được bầu vào vị trí Chủ tịch AmCham Việt Nam tại TP.HCM vào đầu năm 2022. Không có gì khó hiểu khi bà Winnie Wong được chọn, vì dù là người Singapore song bà đang lãnh đạo 1 doanh nghiệp Mỹ tại khu vực Đông Dương, cũng như rất am hiểu thị trường Việt Nam, do đến đây từ năm 2018.
Với bà, đảm nhiệm cùng lúc 2 trọng trách này không hề dễ dàng, song cũng là cơ hội tuyệt vời để bà phát triển bản thân cũng như thúc đẩy bình đẳng giới đi nhanh hơn tại Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, vì Covid-19, nên đây cũng là năm thứ hai liên tiếp bà ăn Tết cổ truyền tại Việt Nam, thay về quay trở về quê hương như trước kia. Tuy nhiên, vì văn hóa của Việt Nam cũng khá gần gũi với văn hóa Singapore, nên bà không hề cảm thấy lạc lõng. Thậm chí, bà còn cảm thấy hào hứng vì có cơ hội – thời gian thưởng thức nhiều món ngon ngày Tết Việt, cũng như đi khám phá nhiều vùng đất mới.
NĂM 2022, AMCHAM VIỆT NAM TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH SỰ PHỤC HỒI BỀN VỮNG, MỞ CỬA TRỞ LẠI DU LỊCH NƯỚC NGOÀI MỘT CÁCH AN TOÀN
Chúc mừng bà đã trở thành tân Chủ tịch của AmCham Việt Nam tại TP.HCM! Cảm xúc của bà như thế nào, khi biết mình sẽ được bầu vào chức vụ này trong năm 2022? Và dưới tư cách một nhà nữ lãnh đạo, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với bà ?
Tôi rất vinh dự được bầu làm Chủ tịch năm 2022 và đánh giá rất cao sự ủng hộ và tín nhiệm từ các thành viên và Ban lãnh đạo của AmCham Việt Nam tại TP.HCM.
Bên cạnh vinh dự trở thành Chủ tịch mới của AmCham Việt Nam tại TP.HCM, tôi cũng nhận thức được trách nhiệm của mình dưới vai trò một nhà nữ lãnh đạo trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy các quan hệ đối tác, tạo ra một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Đồng thời, phải tạo động lực cho sự đổi mới, đặc biệt là để trao quyền cho một cộng đồng vững mạnh mà tại đó, phụ nữ có thể theo đuổi ước mơ và tận hưởng cuộc sống của họ thông qua hoạt động kinh doanh.
Cũng như tại các nước khác, ở Việt Nam, phụ nữ là trụ cột của gia đình, cộng đồng và nền kinh tế. Từ những kinh nghiệm của tôi khi tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, có thể thấy các nữ lãnh đạo đang nắm giữ những vai trò chủ chốt tại các tập đoàn, công ty, ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như trong Chính phủ và khu vực công. Tôi đã thấy những tín hiệu tích cực về bình đẳng giới khi những đóng góp đáng kể của phụ nữ ngày càng được ghi nhận.
Tuy vậy, chúng ta cũng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng tất cả phụ nữ ở Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng của mình, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững và tiếp tục trao quyền cho những người khác.
Trong thời gian được làm việc tại Việt Nam, tôi đã có cơ hội cộng tác và được truyền cảm hứng từ những phụ nữ Việt Nam kiên cường trong khắp các ngành nghề và lĩnh vực - những người đã và đang cống hiến vào việc thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội trong nước.
AmCham Việt Nam cũng có lịch sử lâu đời trong việc thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc. Chúng tôi tự hào đã từng có 5 Chủ tịch và Giám đốc Điều hành là phụ nữ, bao gồm cả Giám đốc Điều hành hiện tại của chúng tôi, bà Mary Tarnowka. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục nỗ lực với sứ mệnh trao quyền lãnh đạo và hội viên cho phụ nữ tại AmCham Việt Nam tại TP.HCM.
Bà đã có kế hoạch cụ thể gì cho nhiệm kỳ của mình tại AmCham Việt Nam tại TP.HCM?
Tại AmCham Việt Nam nói chung, chúng tôi coi trọng mối quan hệ hợp tác với Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam. Chúng tôi chia sẻ lợi ích và mục tiêu chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời tạo ra các điều kiện thuận lợi cho đổi mới kinh doanh.
Năm 2021 đã chứng kiến những thách thức chưa từng có do đại dịch, nhưng đồng thời cũng đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ đối tác giữa 2 quốc gia. Trong các đợt bùng phát Covid-19, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe và đảm bảo đời sống cho người dân.
Chúng tôi đã ủng hộ mạnh mẽ cho các chương trình tài trợ vắc-xin của chính phủ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam, đồng thời đánh giá cao và tự hào về hơn 24 triệu liều vắc-xin mà Hoa Kỳ đã tài trợ, góp phần vào sự thành công của chiến lược tiêm chủng của Việt Nam. Giờ đây, khi nguồn cung vắc-xin không còn quá khan hiếm và người dân dần quen với trạng thái "bình thường mới", chúng tôi đang hợp tác để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Năm 2022 sẽ là thời điểm quan trọng để AmCham Việt Nam tiếp tục quan hệ đối tác nhằm đẩy mạnh sự phục hồi bền vững, cho phép mở cửa trở lại du lịch nước ngoài một cách an toàn, đồng thời thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững trong nước.
ĐẢM NHẬN HAI VAI TRÒ QUAN TRỌNG CÙNG LÚC CHẮC CHẮN KHÔNG HỀ DỄ DÀNG, NHƯNG LÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN TUYỆT VỜI
Bà có thể chia sẻ một vài mục tiêu kinh doanh cụ thể của Mastercard tại thị trường Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng?
Tại Mastercard, chúng tôi luôn đặt tầm nhìn hướng tới một xã hội không tiền mặt, nơi không ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của chúng tôi tại Mastercard - sử dụng công nghệ và kiến thức chuyên môn toàn cầu để tạo ra các thanh toán an toàn, đơn giản và thông minh ở bất cứ nơi đâu.
Khi các chính phủ tại các quốc gia Đông Nam Á đang thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình nghị sự không dùng tiền mặt và hướng tới xã hội kỹ thuật số tiên tiến, Mastercard tập trung mạnh mẽ vào việc mang lại kiến thức, chuyên môn và công nghệ tốt nhất để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực thanh toán.
Chúng tôi đã và đang tích cực làm việc và hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan tại các quốc gia Đông Nam Á để số hóa quy trình trả lương, tăng cường tiếp cận tài chính cho người nghèo, nâng cao kỹ năng và hiểu biết cho người dân trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác chính trong khu vực công và tư để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi, đồng thời triển khai và tích hợp các công nghệ thanh toán giúp đẩy nhanh các chương trình nghị sự về chuyển đổi kỹ thuật số của đất nước – cũng là một trong những nhiệm vụ chính của AmCham.
Chúng tôi mong muốn đi sâu hơn vào các sáng kiến và công nghệ của mình để tăng cường các dịch vụ phát hành và chấp nhận thanh toán không tiền mặt, thúc đẩy quá trình chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam.
Cùng lúc đảm nhiệm 2 vai trò quan trọng là Chủ tịch AmCham Việt Nam tại TP. HCMC và Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Theo bà, đây là thách thức hay cơ hội phát triển bản thân?
Đảm nhận hai vai trò quan trọng tại hai tổ chức lớn chắc chắn không hề dễ dàng. Nhưng đồng thời, tôi thấy đây là một cơ hội phát triển tuyệt vời, bởi cả AmCham Việt Nam và Mastercard đều có những cam kết dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.
Tôi đặt ra quyết tâm tận dụng thế mạnh và kinh nghiệm của mình tại doanh nghiệp để tiếp tục xây dựng AmCham Việt Nam tại TP.HCM trở thành tổ chức doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng, cũng như thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh doanh tại Việt Nam, tạo ra một môi trường pháp lý tích cực, thu hút nhiều cơ hội mở rộng thị trường và đầu tư hơn nữa.
TẾT Ở VIỆT NAM MANG LẠI CHO TÔI CẢM GIÁC THÂN THUỘC VÀ HÂN HOAN
Được biết năm nay, bà đã quyết định ở lại Việt Nam để trải nghiệm Tết cổ truyền. Điều gì để lại ấn tượng lớn nhất đối với bà về ngày Tết ở Việt Nam? Bà có thể chia sẻ thêm về những dự định của bà trong dịp tết này?
Tết là khoảng thời gian dành cho gia đình, là thời điểm để những người thân yêu quây quần bên nhau, dù ở bất cứ đâu. Một trong những truyền thống ở Việt Nam mà tôi thấy rất giống với phong tục ở quê hương tôi, đó là việc đi thăm hỏi bạn bè và dành thời gian cho gia đình. Đó là lý do tại sao Tết ở Việt Nam mang lại cho tôi cảm giác thân thuộc và hân hoan.
Chủ tịch Winnie Wong (trái) và Giám đốc điều hành Mary Tarnowka của AmCham Việt Nam tại TP.HCM gặp gỡ lãnh đạo thành phố khi tham dự lễ Tết UBND TP.HCM 2022.
Năm nay sẽ là năm thứ hai tôi và gia đình đón Tết ở Việt Nam. Dù rất nhớ người thân ở quê nhà, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ trân trọng khoảng thời gian bên nhau này, để trải nghiệm nền văn hóa độc đáo của Việt Nam và khám phá những danh lam thắng cảnh trên khắp dải đất hình chữ S này.
Nghe nói bà đặc biệt thích ẩm thực Việt Nam. Bà đã thưởng thức những món ăn cổ truyền nào trong dịp Tết? Món ăn nào đem lại cho bà sự thích thú nhất và tại sao?
Tôi yêu văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Tôi tin chắc rằng mỗi người trong chúng ta đều yêu thích một hương vị riêng của Việt Nam và có thể dễ dàng liệt kê ra những món ăn ngon nhất trong nền ẩm thực đa dạng với đầy đủ các món ngon từ Bắc chí Nam.
Khi tôi "ăn Tết" ở Việt Nam (như cách nói phổ biến ở đây), tôi tìm thấy niềm yêu thích với các loại bánh truyền thống - điển hình là "bánh chưng", "bánh tét". Những chiếc bánh chưng giản dị ấy nhưng lại phong phú cả về hương vị lẫn ý nghĩa, có thể kết hợp hoàn hảo với dưa chua ngọt hay lạp xưởng. Chỉ nghĩ đến chúng thôi cũng đã khiến tôi thấy háo hức mong chờ đến ngày Tết!
Bà có những mong ước gì cho bản thân và gia đình vào năm 2022?
Chúng ta đều đã trải qua khoảng thời gian đầy thử thách khi đại dịch Covid-19 tác động đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế trên toàn cầu, vì vậy tôi tin rằng ở thời điểm hiện tại, mọi người đều nhận thức rõ giá trị của sức khỏe và trí lực, cho bản thân và những người thân yêu.
Bước sang năm 2022, tôi mong muốn rằng tôi và gia đình sẽ tràn đầy năng lượng để bắt tay vào thực hiện những dự định mới cũng như dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Tôi háo hức được đặt những bước chân đầu tiên trên những hành trình thú vị mới, bao gồm cả vị trí Chủ tịch AmCham Việt Nam TP.HCM.
Tôi dành một sự lạc quan cho năm tới và hy vọng sẽ thấy sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của các doanh nghiệp khi chúng ta đã quen với cuộc sống "bình thường mới". Tất cả chúng ta hãy cùng hướng tới một năm 2022 tươi sáng hơn ở Việt Nam và trên toàn thế giới!
Cảm ơn bà!
http://tintuc.vdong.vn/02/1213123.htmQuỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị